Biểu giá bán lẻ điện đơn giản hóa nhưng giá điện lại tăng?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Một số khách hàng, tổ chức quốc tế đề nghị Bộ Công Thương đơn giản hóa biểu giá bán lẻ điện để tiện theo dõi, tính toán.
Doanh nghiệp sản xuất bị tăng 5% tiền điện theo dự thảo mới

Doanh nghiệp sản xuất bị tăng 5% tiền điện theo dự thảo mới

Theo đề xuất của một số nhóm khách hàng này, dự thảo Quyết định quy định biểu giá bán lẻ điện, Bộ Công Thương đề xuất 2 phương án giá bán lẻ điện cho khách hàng ngoài sinh hoạt để lấy ý kiến.

Cụ thể, phương án 1: Khách hàng sử dụng điện ngoài sinh hoạt bao gồm 3 nhóm riêng: sản xuất, hành chính sự nghiệp và kinh doanh như biểu giá điện hiện hành. Riêng đối với các cơ sở lưu trú du lịch, các doanh nghiệp dịch vụ logistic sẽ áp dụng giá điện sản xuất.

Phương án 2: Gộp các nhóm khách hàng sử dụng điện cho mục đích sản xuất, hành chính sự nghiệp và kinh doanh thành 1 nhóm khách hàng sử dụng điện mục đích ngoài sinh hoạt.

Theo Bộ Công Thương, nhóm khách hàng kinh doanh hiện đang phải trả tiền điện với mức giá cao nhưng nhóm này chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ, khoảng 6,6% trong tổng sản lượng điện thương phẩm toàn quốc, trong khi nhóm khách hàng sản xuất chiếm tỷ trọng tiêu thụ điện lớn hơn nhiều (trên 59%).

“Khi gộp nhóm khách hàng kinh doanh với sản xuất sẽ làm tăng giá bán điện của nhóm khách hàng sản xuất. Ước tính khi áp dụng phương án 2 nêu trên, chi phí mua điện của nhóm khách hàng kinh doanh giảm 35%, trong khi chi phí mua điện của nhóm khách hàng sản xuất tăng khoảng xấp xỉ 5% so với giá hiện hành”- Bộ Công Thương cho hay.

Như vậy, có trên 59% khách hàng sẽ bị tăng giá điện theo dự thảo mới. Mức tăng khoảng 5% so với giá điện hiện hành.

Bộ Công Thương cho rằng, ưu điểm của phương án này là đơn giản hoá biểu giá bán lẻ điện cho khách hàng sử dụng điện mục đích ngoài sinh hoạt tương tự như nhiều nước trong khu vực và trên thế giới; Không còn chênh lệch giữa giá điện sản xuất, giá điện cho kinh doanh và hành chính sự nghiệp.

Phương án đưa ra cũng sẽ tạo áp lực để các doanh nghiệp đổi mới dây chuyền sản xuất để tiết kiệm điện, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong ngành kinh doanh dịch vụ giảm giá thành.

Tuy vậy, nhược điểm là trong ngắn hạn có thể làm tăng chi phí sản xuất, giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp ngành sản xuất. Nhiều ý kiến cho rằng, đề xuất thay đổi này không phù hợp trong bối cảnh dịch Covid-19 đã gây khó khăn cho hàng loạt doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Trước đó, trong quá trình thực hiện giá bán lẻ điện cho các nhóm khách hàng sử dụng điện, phát sinh một số vấn đề liên quan đến việc thực hiện áp giá sản xuất và kinh doanh, nhiều trường hợp ranh giới giữa các nhóm không rõ ràng. Một số khách hàng sử dụng điện và một số tổ chức quốc tế có ý kiến đề xuất Bộ Công Thương xem xét lại về sự chênh lệch giá kinh doanh với các nhóm khách hàng sử dụng điện mục đích ngoài sinh hoạt khác và đề nghị xem xét đơn giản hoá biểu giá bán lẻ điện.