Biết rồi, vẫn phải nói

ANTĐ - Hôm nọ, có một vị quan chức vừa “phát hiện” một thực tế mà từ trẻ con đến người già, từ nông thôn đến thành thị, từ miền xuôi đến miền ngược, vùng sâu - xa đều biết tỏng rất lâu rồi.

- Ai ai cũng biết, chỉ một người bây giờ mới biết thì có gì gọi là “phát hiện”. Vậy ông quan ấy “vi hành” ở đâu và tìm ra cái gì?

- Chẳng cần vi hành cho mệt người. Chỉ việc ngồi ở nhà, có điều hòa chỗ nào cũng mát, bật các kênh truyền hình, từ truyền hình Trung ương đến địa phương và cả hệ thống cáp, lập tức ông ấy nhận ra phim Trung Quốc, Hàn Quốc phủ sóng dày đặc, kín mít.

- Cứ tưởng “phát hiện” gì ghê gớm. Vợ con tôi và cả hàng xóm thuộc tất cả chương trình từ VTV1 đến VTV9 chiếu toàn phim Trung Quốc, Hàn Quốc. Chưa kể hơn 60 đài địa phương phim nước ngoài còn đậm đặc hơn, nhưng chủ yếu vẫn là phim Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông...

- Bên nhà tôi cũng thế. Cả nhà nhớ vanh vách kênh nào, giờ nào, chiếu phim nào. Suốt ngày dài đến đêm thâu chỉ “xơi” hai món Trung Quốc, Hàn Quốc mà không chán. Tôi chỉ “ngửi mùi”, nghe tiếng là không chịu nổi.

- “Món ăn” tinh thần, giải trí có nhiều nhặn, hay ho gì đâu mà chả phải “xơi” phim của họ. Thử hỏi nếu dẹp bỏ hết phim Trung Quốc, Hàn Quốc thì các đài truyền hình gần như trắng xóa, lấy gì mà lấp kín.

- Đúng thật! Cũng như ngoài thị trường, trong mỗi gia đình nếu bỏ hết hàng hóa Trung Quốc từ đồ điện, đồ chơi trẻ em cho đến rau củ quả, vải vóc, quần áo... thì không biết mua bán sẽ ra sao?

- Mỗi năm nước ta nhập siêu từ Trung Quốc hơn 9 tỷ USD, 80-90% nguyên vật liệu cho sản xuất, chưa kể “nhập siêu” phim truyền hình.

- Biết rồi, vẫn phải nói. Nói rồi, vẫn cứ thế. Thế nên, vẫn phải nói; mỏi mồm, vẫn nói.