Biết ơn Cao Lỗ - danh tướng thời dựng nước

ANTĐ - Nhằm làm sáng rõ hơn nữa những cống hiến cũng như thân thế, sự nghiệp của Tướng quân Cao Lỗ trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, sáng 16-1, Bộ VH-TT&DL phối hợp cùng UBND tỉnh Bắc Ninh, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học “Cao Lỗ - danh tướng thời dựng nước”. Hội thảo có sự tham dự của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. 

Tượng thần Cao Lỗ tại di tích Cổ Loa

Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, đây là dịp để tôn vinh, thể hiện lòng biết ơn đối với các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước đồng thời rút ra những bài học lịch sử cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Tôn vinh công đức của Tướng quân Cao Lỗ và những bậc tiền nhân có công với dân với nước là đạo lý truyền thống của dân tộc ta, là nền tảng văn hóa tinh thần làm nên sức mạnh vô địch, sức sống trường tồn của dân tộc. 

Chủ tịch nước đánh giá cao công lao sự nghiệp của Cao Lỗ Vương đã giúp Vua Thục Phán - An Dương Vương dựng nên nhà nước Âu Lạc, đã hiến kế với nhà vua dời đô xuống đồng bằng và giúp nhà vua xây thành Cổ Loa; chế ra Nỏ Liên Châu, mỗi lần bắn ra được nhiều mũi tên, được xem là “Nỏ Thần”, “Linh quang Thần cơ”, vũ khí thần dũng vô địch để giữ nước của Âu Lạc với lời nói được truyền tụng “Giữ được Nỏ Thần, thì giữ được thiên hạ - Mất Nỏ Thần sẽ mất cả thiên hạ”.

 Theo truyền thuyết vùng Cổ Loa xưa, Tướng quân Cao Lỗ là người có tầm xét đoán tinh tường, thấy rõ âm mưu xâm lược của Triệu Đà, ông đã khuyên can Thục phán An Dương Vương không được mắc mưu kẻ thù. Nhưng An Dương Vương đã bị những mưu toan quỷ quyệt của đối phương làm cho mất cảnh giác, lại bị nội thần gièm pha, đuổi Cao Lỗ và một số tướng tài đứng ra can gián khỏi kinh thành. Khi thành Cổ Loa bị quân Triệu vây hãm, Cao Lỗ tự nguyện trở lại chiến đấu và ông đã hy sinh trong trận chiến ở Cửa Bắc thành Cổ Loa. Đến nay, tại khu vực này vẫn còn ngôi miếu thờ vị danh tướng trung thành, quả cảm. Cũng có truyền thuyết nói Cao Lỗ bị thương nặng, nhưng ôm đầu chạy qua Ái Mộ (Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội) về đến Lục Đầu mới chết. Từ thời Trần, vị danh tướng họ Cao đã được phong là Quả Nghị Cương Chính Uy Huệ Vương.