Biết cách lắng nghe

ANTĐ - Một ngư dân dựng một cái lều bên bến cảng để bán cá tươi cho khách du lịch thăm bến sông. Ở trước lều anh cắm một cái bảng lớn “Ở đây bán cá tươi” rất to và rất nhiều khách du lịch đã mua cá của anh. Một trong những khách hàng nói rằng cái bảng của anh rất lớn lại đặt ngay phía trước lều nên không cần phải dùng chữ “ở đây” nữa cho dài dòng. Người ngư dân nghe thấy hợp lý bèn xoá hai chữ đầu đi và tấm bảng còn dòng chữ “bán cá tươi”. 

Một lúc sau lại có người khách khác đưa ý kiến rằng cá tất nhiên là để bán nên không cần viết chữ “bán” ở bảng làm gì cho thừa. Anh ngư dân gật gù thấy đúng và xoá ngay từ “bán” đi và tấm bảng chỉ còn hai từ “cá tươi”. Một người khách khác khi mua cá xong lại nói rằng cá vừa đánh bắt dưới sông lên tất nhiên là tươi rồi cần gì phải viết chữ tươi vào bảng nữa và anh ngư dân xoá luôn chữ “tươi” đi, tấm bảng lớn giờ còn mỗi từ “cá”. 

Buổi chiều có người khách đi qua thấy tấm biển bèn nói với anh ngư dân rằng ngửi mùi tanh là biết ngay ở đây có bán cá vậy chẳng cần phải viết từ cá vào bảng làm gì. Người bán cá thấy khách hàng nói cũng hợp lý, anh xoá nốt từ “cá” khỏi tấm bảng.

Vậy là cả buổi chiều ấy và hôm sau chẳng có ai biết người ngư dân đang bán cá tươi cả vì tấm bảng trống trơn, họ đi đến mua cá ở nơi khác.

Lắng nghe lời khuyên hay góp ý của người khác là tốt nhưng phải biết phân tích và áp dụng cho phù hợp với công việc hay hoàn cảnh của mình. Như thế những lời khuyên hay góp ý ấy mới mang lại kết quả tích cực, còn ngược lại nếu ai nói gì cũng làm theo thì chỉ tự mình làm hại mình mà thôi.