Biết buông xả là hạnh phúc

ANTĐ - Việt Nam được đánh giá có chỉ số hạnh phúc thứ 2 thế giới! Nhưng đo đếm hạnh phúc bằng cách nào? Với một số người, hài lòng chính là hạnh phúc; một số khác lại không quan niệm như vậy. Nếu bỏ qua các yếu tố chính trị, trình độ phát triển thì dễ dàng nhận thấy: Người biết buông xả, người có trí tuệ và lòng từ bi sẽ luôn hạnh phúc, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào...
Biết buông xả là hạnh phúc ảnh 1
Hạnh phúc giữa đời thường. Ảnh: PHÚ KHÁNH

Chỉ số hành tinh hạnh phúc

Chỉ số hành tinh hạnh phúc (tiếng Anh: Happy Planet Index, viết tắt HPI), là chỉ số do NEF (New Economics Foundation - một tổ chức nghiên cứu kinh tế-xã hội có trụ sở tại Anh) công bố, dựa trên số liệu chọn lọc từ các quốc gia, các tổ chức quốc tế và các số liệu do chính NEF điều tra.
Chỉ số này nói lên mối quan hệ giữa tuổi thọ, cảm giác thoải mái và các hành vi tác động đến môi trường. Rõ ràng đây không phải là chỉ số thuần túy đo hạnh phúc của quốc gia. Theo cách tính này, một nước nghèo nhưng không khai thác quá nhiều tài nguyên sẽ được coi là hạnh phúc, trong khi nước giàu có phát triển lại là không hạnh phúc!
Nguyên do của chuyện này là cách tính chỉ số HPI = (chỉ số hài lòng với cuộc sống x tuổi thọ trung bình) / Chỉ số dấu chân sinh thái. Theo công thức này, chỉ số hạnh phúc tỉ lệ thuận với tuổi thọ trung bình và chỉ số hài lòng với cuộc sống, tỉ lệ nghịch với chỉ số dấu chân sinh thái. Cũng có nghĩa, những nước giàu có sử dụng quá nhiều tài nguyên thiên nhiên sẽ bị coi là... không hạnh phúc!
Khái niệm “hạnh phúc” theo chỉ số HPI mà Việt Nam được xếp thứ 2 thế giới, đơn thuần hướng đến một cuộc sống hài hoà với môi trường tự nhiên. Có nghĩa là, chỉ số HPI cảnh báo các quốc gia về yếu tố quan trọng của môi trường. Theo cách tính HPI của NEF, quốc gia có thu nhập cao hay thu nhập thấp đều đang đối mặt với thách thức về môi trường. Nếu quá chú trọng phát triển công nghiệp, kể cả phải đánh đổi bằng hệ sinh thái suy yếu dần, tài nguyên cạn kiệt thì cuộc sống hạnh phúc đó không thể bền vững.

Hạnh phúc không phải là đích đến

Cho đến nay, cách đo đếm hạnh phúc của các nhà thống kê, kinh tế học của NEF chưa được chấp nhận, thậm chí còn gây ra những tranh cãi dữ dội. Theo cách tính HPI, năm 2006: Việt Nam đứng thứ 12, đến năm 2009, Việt Nam đứng thứ 5, và năm 2012 Việt Nam đứng thứ 2 thế giới.
Trong khi đó, nếu nhìn nhận theo chỉ số phát triển con người (HDI) của Liên hợp quốc, hay theo chỉ số cuộc sống tốt đẹp hơn (Better Life Index, BLI) của Tổ chức Hợp tác phát triển kinh tế (OECD), với những đo lường rất cụ thể về tuổi thọ bình quân, tỉ lệ biết đọc, chất lượng giáo dục, thu nhập... thì Việt Nam chỉ thuộc nhóm trung bình thấp. Với nhiều người, điều này là thực tế và hợp lý hơn. 
Nhiều ý kiến còn cho rằng, kết quả tính theo HPI là một dấu hiệu cảnh báo. Bởi lẽ chính sự lạc quan cố hữu của người Việt Nam khiến cho sự hài lòng với cuộc sống thường rất cao, trong khi cuộc sống thực tế còn rất khó khăn. Rõ ràng, trong hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc trước các đối thủ hùng mạnh, sự lạc quan là yếu tố vô cùng quan trọng giúp mang lại chiến thắng trong tình huống cam go nhất.
Nhưng ở thời bình, việc quá hài lòng và hạnh phúc quá đáng so với thực tế sẽ khiến mất đi động lực để phát triển. Thậm chí, sự lạc quan quá mức còn khiến mỗi người trở nên tự mãn, ích kỷ và buông thả. Lúc này, tuyên bố của Karl Marx trở nên đúng hơn bao giờ hết: Hạnh phúc là đấu tranh, là hành trình, chứ không phải là đích đến.
Năm 2005, giáo sư tâm lý học June Gruber ở Đại học Yale (Mỹ) công bố một nghiên cứu, khẳng định: Các trải nghiệm tiêu cực là rất cần thiết để có một cuộc sống thành công, nhìn lại mình và phấn đấu hơn nữa thay vì tự hài lòng vội vã.
Theo nghiên cứu này, những người có cảm giác tích cực không hợp lý thường dễ dẫn đến những hành vi bất chấp rủi ro. Kèm theo đó là thói quen sử dụng đồ uống có cồn quá mức, thói quen ăn có hại và đặc biệt là sự thờ ơ với cộng đồng xung quanh.  
Có vẻ như những kết quả nghiên cứu này khá “trúng” với phần đông lớp trẻ Việt Nam hiện nay: Thiếu lý tưởng, thiếu động lực phấn đấu, dễ sa vào những trò vô bổ và lối sống buông thả, thậm chí là quá dễ dàng vi phạm pháp luật.
Bất kể thời gian nào, kể cả trong giờ làm việc, các quán xá nhan nhản luôn đông khách. Thật dễ hiểu, khi lượng cồn được “nhồi” quá nhiều vào cơ thể, con người ta càng dễ “thăng”, lao vào các cuộc thác loạn, sử dụng ma túy, mua bán dâm, thậm chí là hiếp dâm, hay chống đối nhà chức trách... để rồi khi tỉnh cơn say ân hận thì đã muộn màng.

Tỷ số hạnh phúc và triết lý buông xả 

Có vị trí rất cao trên bảng xếp hạng Chỉ số hạnh phúc hành tinh (HPI) do NEF công bố, nhưng trường hợp của Bhutan, quốc gia Phật giáo ở Himalaya là một ví dụ đặc biệt. Năm 1972, quốc gia này đề xuất khái niệm “tổng hạnh phúc quốc gia” (Gross national happiness, GNH) thay vì “tổng sản phẩm quốc nội” (Gross domestic product, GDP).
GNH được đánh giá dựa trên các nhóm vấn đề: Phát triển bền vững, bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường tự nhiên và quản trị quốc gia tốt. Dù bị chỉ trích là chủ quan, khó định lượng, nhưng khái niệm GNH của Bhutan vẫn dần được hệ thống hóa và trở nên nổi tiếng toàn thế giới.
Một điều khác khiến Bhutan trở nên đặc biệt là quốc vương của nước này đã cấm đón tiếp người ngoại quốc trong khoảng thời gian rất dài, nhằm “giúp” thần dân tránh những ảnh hưởng nguy hại của cách sống Tây phương. Gần đây, đất nước này đã mở cửa, du lịch phát triển khá mạnh, và hạnh phúc của người dân vẫn được coi trọng hơn chỉ số phát triển GDP. 
Dưới góc nhìn khác, không khó để nhận thấy rằng, yếu tố thoả mãn cuộc sống và tuổi thọ chắc chắn bị ảnh hưởng bởi phân phối thu nhập. Một người thu nhập bình quân 5 triệu đồng/tháng sẽ cảm thấy rất phấn chấn khi nhận một phần thưởng 5 triệu đồng. Nhưng vẫn số tiền đó thưởng cho một người thu nhập 50 triệu đồng/tháng thì chỉ là “chuyện nhỏ”.
Nói điều này để thấy, có quá nhiều cách để tiếp cận trong việc đánh giá về hạnh phúc của một quốc gia, một gia đình hay cá nhân mỗi người. Chính vì thế, ngày càng có nhiều người để ý nhiều hơn đến khái niệm “Tỉ số thiền” khi đề cập về hạnh phúc. Tỉ số thiền = Những việc làm đem lại niềm vui và phúc lợi cho cộng đồng / Những việc làm hay hành động gây ảnh hưởng tiêu cực đến người khác. Có thể khẳng định không bao giờ mẫu số của tỉ số thiền này bằng 0 được, nhưng nếu càng giảm thiểu được mẫu số thì tỉ số thiền càng cao, và đương nhiên mức độ hài lòng, hạnh phúc sẽ càng cao. Đó là sự hạnh phúc cao nhất, có ý nghĩa nhất.
Nếu nhìn dưới góc độ phi chính trị, những người tu hành thực thụ theo quan điểm Phật giáo thường đạt đến sự hạnh phúc cao nhất. Đơn giản là bởi họ đã buông xả, giải thoát khỏi mọi thứ “khổ” về của cải, vật chất, về khái niệm yêu ghét hay bệnh tật. Đích đến của họ là khai mở trí tuệ, và khi đã đạt được trí tuệ và từ bi, họ hướng đến sự làm lợi lạc cho mọi người, thậm chí mọi chúng sinh. Một người sống như thế, hiển nhiên sẽ hạnh phúc, an lạc từng phút giây!
Bí mật về người có chỉ số hạnh phúc lớn nhất thế giới

Biết buông xả là hạnh phúc ảnh 2
Nhà tu hành Phật giáo Tây Tạng từng là một nhà nghiên cứu người Pháp - Matthieu Ricard, được cho là có chỉ số hạnh phúc lớn nhất thế giới. 
Vị thiền sư 67 tuổi này là con trai của nhà triết học tự do nổi tiếng Jean-François Revel và bà Yahne Le Toumelin - một nữ họa sĩ theo trường phái trừu tượng, ở Paris, Pháp. 
Nhằm khám phá những bí ẩn về chỉ số hạnh phúc của con người, năm 2009, Richard Davidson, nhà khoa học thần kinh đến từ ĐH Winconsin (Mỹ), đã sử dụng một chiếc mũ đặc biệt “đội” cho thiền sư Matthieu Ricard. Chiếc máy quét với hệ thống 256 cảm biến đặc biệt cho thấy: Khi đã nhập thiền, một loạt làn sóng gamma liên quan đến ý thức, sự tập trung, học hỏi và trí nhớ đã xuất hiện từ não của nhà tu hành Ricard. Làn sóng gamma này đặc biệt đến mức, hầu như chưa từng xuất hiện trước đó trong các thí nghiệm về thần kinh của các nhà nghiên cứu!
Thiết bị quét cũng cho thấy phần não bên trái trước trán của thiền sư Ricard hoạt động tích cực hơn so với phần não bên phải. Điều này giúp Matthieu Ricard có trải nghiệm hạnh phúc dài hơn và giảm xu hướng tiêu cực so với người khác.