Biết bấu víu vào đâu

ANTĐ - Theo bác, để được vào đại học, điều cốt yếu nhất đối với mỗi học sinh là cái gì?

- Là chăm chỉ học tập, đầu óc phải luôn trong tư thế tư duy sáng tạo.

- Chẳng phải, các cháu phải biết “xoa”.

- Ý bác muốn nói là xoa đầu cụ rùa ở Văn Miếu Quốc Tử Giám phải không?

- Các cụ rùa ở đấy đã được Ban Quản lý di tích lập hàng rào rồi, lại gần làm sao được. Giờ đây, ai muốn đỗ đạt phải chịu khó xoa tủ đựng đồ thờ cúng.

- Thế là thế nào, những cái tủ ở đấy liên quan gì tới chuyện thi cử chứ?

- Chẳng là trên những cánh tủ này có viết chữ Nho nên nhiều người tưởng là Bảng Vàng dành cho những người vinh quy bái tổ ngày xưa nên dịp tết vừa rồi tới đây xoa lấy xoa để.

- Những người không có khả năng phân biệt đâu là cánh tủ, đâu là Bảng Vàng thì có “cụ” nào dưới cõi âm “chứng” cho đỗ đại học chứ. Đám này có cho làm ruộng cũng không đáng.

- Bác nói cũng có phần đúng. Phần lớn những người trước mỗi mùa thi cứ xoa lung tung đều thi trượt oành oạch. Còn những cháu thay mặt cho quốc gia giật giải quốc tế lại chẳng “xoa” bao giờ. Chúng chỉ tới Văn Miếu để báo công với tổ tiên thôi.

- Nguyên nhân nào khiến bọn trẻ ngày càng mê tín dị đoan thế bác?

- Chúng là sản phẩm của một nền giáo dục thiếu tự tin. Học tập trong một môi trường sư phạm mà ở đó nhiều giáo sư “thuổng” đề tài của nhau, các thầy cô chỉ nhăm nhăm dạy thêm kiếm tiền mua đất xây nhà thì các cháu biết bấu víu vào đâu, chẳng tin vào cái đầu cụ rùa đá hay cái cánh tủ thì tin cái gì, khổ thế đấy.