Biết ăn ngon cũng là giữ hồn cốt Việt

ANTĐ - Món ăn Việt ngon, bổ dưỡng và lành theo những sản vật tự nhiên do khí hậu, thổ nhưỡng mà thành, lại được đúc rút kinh nghiệm tạo nên nét văn hoá ẩm thực truyền thống. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Nhã - Viện trưởng Viện Văn hóa ẩm thực Việt Nam về những điều thú vị xung quanh món ăn của người Việt.

Biết ăn ngon cũng là giữ hồn cốt Việt ảnh 1
Món “Nộm ba miền” được giới thiệu trong Tuần lễ ẩm thực Việt Nam
tại Quảng Châu (Trung Quốc)

- Là tác giả của nhiều công trình khoa học nghiên cứu về lịch sử, Tiến sỹ đồng thời rất quan tâm đến văn hóa ẩm thực của dân tộc. Vậy theo ông, có phải ẩm thực cũng ẩn chứa những giá trị mang đậm hồn cốt Việt?

- Tiến sĩ Nguyễn Nhã: Ẩm thực Việt Nam rất phong phú và đa dạng do chịu ảnh hưởng sâu sắc từ những yếu tố địa lý, lịch sử, văn hoá. Theo chiều dài từ Bắc vào Nam, hầu như nơi nào cũng sẵn có các sản vật thực phẩm tươi sống. Đây chính là điều kiện tự nhiên hình thành nên bản sắc ẩm thực của người Việt Nam.

 Người Việt Nam thể hiện đậm bản sắc trong ăn uống mà nét nổi bật nhất chính là tính hoà đồng, hay nói cách khác đi là tính đa dạng trong ăn uống Việt Nam. Đa dạng không có nghĩa là trong một thực đơn sẽ lẫn lộn các món ăn Tàu, Tây… mà nếu món nào không phải là của mình thì cũng chế biến theo cách của mình, khác hẳn với khởi thủy của nó. Và nhìn chung, các món ăn của người Việt chủ yếu làm từ thực vật, mang tính lành, ngon, bổ và cách nấu nướng của chúng ta cũng ít rán xào, chú ý cân bằng âm dương, gia giảm tùy theo ý thích của mỗi người.

- Việt Nam có hàng nghìn món ăn truyền thống nhưng để mọi người biết đến, biết hết tất cả các món ăn này, nhất là khách du lịch phương xa thì quả là không dễ. Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm  trong việc quảng bá và phát triển ẩm thực Việt ra thế giới?

-  Việt Nam có thực đạo cũng như Nhật Bản có trà đạo. Nếu trà đạo lấy thiền làm gốc thì thực đạo lấy tự nhiên làm gốc. Thực đạo là nghệ thuật ăn uống đạt đến trình độ văn hoá cao, tinh tế, biết ăn ngon, chọn nơi ăn ngon. Không những ăn ngon mà phải lành, không gây tật bệnh, hại cho sức khỏe cá nhân và cộng đồng.

Món ăn thức uống của chúng ta rất bổ và lành nhưng  chưa được nhiều du khách và bạn bè quốc tế biết đến nên chưa được quảng bá rộng rãi trên thị trường ẩm thực thế giới. Theo truyền thống, những món ăn ngon của mỗi một gia đình người Việt chỉ phát huy khi gia đình có cỗ giỗ hay cỗ tết. Hiện nay, chúng tôi đang phối hợp với các khu du lịch như Bình Quới, Văn Thánh - TP.HCM tập huấn và chuyển giao công nghệ chế biến cũng như đào tạo đầu bếp nấu các món ăn truyền thống Việt Nam tại các khu du lịch, để giới thiệu với du khách trong và ngoài nước nhằm quảng bá nghệ thuật ẩm thực Việt Nam.

- Trong văn hóa ẩm thực, nhiều khi chúng ta vẫn chỉ chú trọng đến “thực” nhiều hơn mà xem nhẹ “ẩm”. Vậy đâu là nét đặc sắc của bầu rượu, chén trà, thưa Tiến sĩ?

- Người Việt vốn ưa “bầu rượu túi thơ”. Một nét đặc biệt nữa là chúng ta thường dùng rượu để cúng thần, tổ tiên và dùng rượu làm lễ vật trong hội hè hay ngày hợp hôn. Người Việt còn rất thích uống trà (chè tươi), rất nhiều vùng đất nổi tiếng về chè ngon như Bảo Lộc – Lâm Đồng, Hà Giang… Lại có nhiều nơi, sau mỗi buổi làm đồng mệt hay vào giờ nghỉ ngơi, người dân thường nấu một nồi chè tươi và mời bà con làng xóm sang uống trà như một cách giao tiếp thân tình. Cách uống trà của người Việt không cầu kỳ và rất giản dị tự nhiên. Cha ông ta ngày xưa không câu nệ và không nặng về hình thức mà lấy cái tự nhiên làm trọng, đó chính là những đức tính giản dị của cha ông để lại cho chúng ta hôm nay.