Biện pháp vô hiệu hóa tội phạm cướp ngân hàng và tiệm vàng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Để nâng cao ý thức cảnh giác, phòng ngừa tội phạm cướp tài sản cho chủ cửa hàng vàng, ngân hàng, Công an huyện Gia Lâm, Hà Nội đã chủ động tổ chức tuyên truyền nâng cao kỹ năng, hiệu quả công tác phòng ngừa tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội tại các cơ sở kinh doanh vàng - bạc, ngân hàng, điểm giao dịch tiẻn tệ đông người.
Thượng tá Phạm Văn Hậu, Trưởng CAH Gia Lâm nêu những biện pháp phòng ngừa tội phạm cướp ngân hàng, tiệm vàng

Thượng tá Phạm Văn Hậu, Trưởng CAH Gia Lâm nêu những biện pháp phòng ngừa tội phạm cướp ngân hàng, tiệm vàng

Chủ động các biện pháp phòng ngừa

Theo Thượng tá Phạm Văn Hậu, Trưởng Công an huyện Gia Lâm, thực hiện chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an thành phố về việc tăng cường các biện pháp phòng chống tội phạm chiếm đoạt tài sản qua mạng, cướp ngân hàng và tiệm vàng, Công an huyện Gia Lâm đã chủ động báo cáo Giám đốc CATP mở “chiến dịch” tuyên truyền nâng cao kỹ năng phòng chống trộm, cướp cho hệ thống ngân hàng và các chủ tiệm vàng trên địa bàn huyện.

Theo đó, cán bộ nhân viên ngân hàng và các chủ tiệm vàng được lực lượng Công an trang bị kiến thức về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm cướp, đồng thời đưa ra một số kỹ năng phòng chống.

“Một trong những sơ hở mà nhiều ngân hàng và cửa hàng vàng đang gặp phải đó là thuê lực lượng bảo vệ chưa tinh nhuệ, có độ tuổi cao nên sức khỏe và sự phản ứng khi gặp tình huống cướp sẽ lúng túng, hoặc không đủ sức đối kháng với đối tượng.

Đây là một trong những yếu điểm mà tội phạm thường nhằm tới để thực hiện các vụ cướp. Do đó, các cơ sở kinh doanh vàng hay ngân hàng cần lựa chọn lực lượng bảo vệ có sức khỏe, kinh nghiệm của các công ty cho thuê bảo vệ uy tín, đảm bảo được nhiệm vụ tại các địa điểm này”- Thượng tá Phạm Văn Hậu phân tích.

Thống kê của Công an huyện Gia Lâm, thời gian qua địa bàn đã xảy ra một số vụ lừa đảo chiếm đọat tài sản qua mạng xã hội.

Điển hình là vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra ngày 3-6-2020, tại xã Bát Tràng, với thủ đoạn đối tượng thường gọi điện thoại đe dọa nạn nhân có liên quan đến đường dây buôn bán ma túy, để phục vụ điều tra, chị Nguyễn Thị A phải chuyển số tiền 550 triệu đồng vào tài khoản lạ...

Sau khi chuyển tiền, chị A đã không liên lạc được với đối tượng, nên đã đến cơ quan công an trình báo. Tiếp đến, ngày 19-6-2020, bà Đinh Thị N, ở thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm tố giác đối tượng giả danh Công an gọi điện thoại yêu cầu bà chuyển tiền cho đối tượng để điều tra xử lý việc liên quan...

Từ thông tin trên, bà N đã đến 2 ngân hàng chuyển số tiền gần 1,2 tỷ đồng cho đối tượng.

"Sở dĩ xảy ra vụ việc này là do người dân thiếu kiến thức phòng ngừa, khi có thông tin yêu cầu chuyển tiền đã không trình báo cơ quan Công an để xác minh độ chính xác, tự ý chuyển tiền theo yêu cầu của đối tượng lạ..." - Chỉ huy Công an huyện Gia Lâm cho biết.

Cũng tại buổi trao đổi kiến thức, kỹ năng phòng chống tội phạm, các điều tra viên cũng phân tích từ các vụ án cướp ngân hàng xảy ra trong thời gian qua trên địa bàn Hà Nội. Điển hình là vụ cướp ngân hàng xảy ra tại huyện Sóc Sơn ngày 20-4-2020, hay vụ cướp tại Chi nhánh ngân hàng BIDV Ngọc Khánh, quận Ba Đình xảy ra ngày 27-7-2020.

Phân tích các yếu tố xảy ra từ các vụ việc cho thấy, ngoài hành vi manh động của đối tượng thì nhân viên bảo vệ cũng thực sự chưa có kinh nghiệm xử lý khi gặp sự cố.

Trang bị kỹ năng xử lý tình huống

Các chuyên gia tội phạm học phân tích, vấn đề nảy sinh trong các vụ tội phạm cướp ngân hàng, tiệm vàng phần lớn xuất phát từ ý thức cảnh giác chưa cao của các nhân viên ngân hàng, chủ tiệm vàng.

Điều dễ nhận thấy nhất là hệ thống an ninh và công tác bảo vệ các điểm này hiện nay còn nhiều kẽ hở. Các cơ sở giao dịch của ngân hàng được mặc định là nơi chứa nhiều tiền mặt và người dân đến giao dịch, cũng là người mang đến, hoặc mang đi một lượng tiền mặt nhất định, nên họ cũng là mục tiêu để đối tượng cướp tài sản nhắm vào gây án. Nhiều người trong số đó còn thiếu kỹ năng xử lý tình huống, khi xảy ra cướp tài sản.

Tội phạm mang khẩu súng vào ngân hàng cướp tiền

Tội phạm mang khẩu súng vào ngân hàng cướp tiền

Xuất phát từ thực tiễn địa bàn có nhiều ngân hàng và tiệm vàng, Công an huyện Gia Lâm đã chủ động triển khai nhiều kế hoạch, phương án phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm lừa đảo chiếm đảo chiếm đoạt tài sản; tội phạm trộm cắp, cướp tài sản. Trong đó xác định nhiệm vụ tuyên truyền nâng cao ý thức chủ động, tự bảo quản tài sản của người dân là nhiệm vụ quan trọng.

Để phòng ngừa hoặc đối phó với tội phạm cướp, Thượng tá Nguyễn Văn Đệ, Phó trưởng CAH Gia Lâm khuyến cáo: “Khi có tình huống cướp xảy ra, nhân viên ngân hàng, tiệm vàng cần chủ động, bình tĩnh làm theo yêu cầu của đối tượng, đặc biệt là đối tượng có sử dụng vũ khí “nóng”.

Cần nhớ rõ đặc điểm nhận dạng của đối tượng để cung cấp cho lực lượng công an. Cùng với đó các tiệm vàng, ngân hàng cần lắp đặt hệ thống cửa từ và khóa được khóa từ bên trong, có vách kính chịu lực trong suốt, đảm bảo khoảng cách an toàn giữa nhân viên với khách đến giao dịch.

Ở vòng ngoài, cần xây dựng đội ngũ nhân viên bảo vệ đủ về số lượng, có sức khỏe, nhanh nhạy; được huấn luyện võ thuật, khả năng phản ứng nhanh và được trang bị công cụ hỗ trỡ mà pháp luật cho phép sử dụng, để đội ngũ nhân viên bảo vệ có khả năng phòng vệ, ngăn chặn hiệu quả khi xảy ra cướp".