Biện pháp thoát khỏi cơn bão hàng giá rẻ Trung Quốc

ANTĐ - Ngay đầu năm mới, những tin tức tốt đã phần nào xoa dịu nỗi đau mở mắt ra đã nhìn thấy đồ Trung Quốc trong đời sống chúng ta. Đó là tin về lần đầu tiên chúng ta sử dụng biện pháp tự vệ trong thương mại quốc tế với việc áp thuế chống phá giá lên mặt hàng thép không gỉ với một số doanh nghiệp nước ngoài và tin về việc đẩy mạnh cuộc chiến chống buôn lậu qua biên giới. Những tin vui này chen với nỗi lo lắng về những mặt hàng Trung Quốc như búp bê, bóng bay gây ung thư, hương thơm hóa chất gây xẹp phổi và gần đây nhất, những đôi dép nhựa độn chất gây tê chân…

Đế dép Trung Quốc có chứa chất lạ màu đen gây ngứa rát, tê chân

Với Trung Quốc chúng ta có một mối quan hệ thương mại không công bằng

Theo số liệu tổng kết của Tổng cục Thống kê năm 2013, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 13,1 tỷ USD trong khi đó nhập khẩu từ quốc gia này ước tính đạt 36,8 tỷ USD. Như vậy, Trung Quốc là thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam với mức 23,7 tỷ USD. Nhưng đây mới chỉ là con số được quản lý, có thủ tục hải quan, chưa tính đến hàng hóa Trung Quốc nhập lậu qua biên giới. Con số hàng nhập lậu là con số không thể tính đếm được. Cứ nhìn trên thân thể ta, trong nhà ta sẽ thấy sự khủng khiếp của hàng nhập lậu. Này nhé, cái quần cái áo nếu không phải hàng Tàu thì cũng là vải Tàu, cái cúc áo, cái khóa kéo thì Tàu chắc rồi, mó túi ra cái điện thoại, nhìn kỹ toàn linh kiện Tàu… Này nhé, nhìn quanh nhà, to nhất là cái tivi, cái tủ lạnh linh kiện Tàu rõ, nhưng chắc là nhập nghiêm chỉnh, nhưng còn lại, nào là cái bếp ga, cái ấm đun nước, cái nồi cơm điện, cái chổi lau nhà, cái bát ăn cơm, những đồ trang trí như hoa nhựa, tượng đồng, đến cái đũa, cái tăm… chao ơi là hàng Tàu. Tại sao chúng ta rơi vào tình thế này? Hàng Trung Quốc quá rẻ, đó là câu trả lời.

Một nhà kinh doanh rau quả thực phẩm hồi tháng 10-2013 đã cung cấp  bảng giá nhập khẩu các loại rau quả Trung Quốc như sau: Cà rốt tươi 2.500 đồng/kg, bí đỏ 1.200 đồng/kg, bắp cải 1.700 đồng/kg… Một người lái xe hàng tươi sống ở Thái Bình chở hàng sang Trung Quốc khi về tiện thể chở theo 37.000 quả trứng gà, bị cơ quan chức năng bắt, ông mếu máo khai, thấy trứng rẻ quá có 500đ/quả nên mua về bán… Chị Nguyễn Thị Lê, công nhân khu công nghiệp Tân Thuận kể câu chuyện của cô: Em cũng muốn mua hàng Việt Nam lắm, nhưng áo lót ngực hàng Việt Nam ít nhất cũng phải 50.000 đồng/cái, nhưng hàng Trung Quốc 50.000 đồng/3 cái. Anh bảo em chọn mua hàng loại nào? Với những bảng giá này, có thể khẳng định không thể có nhà nông hay doanh nghiệp sản xuất nào thắng được so với hàng Trung Quốc. 

Tại sao hàng Trung Quốc rẻ thế?

Câu hỏi này đã được trả lời từ lâu rồi, vấn đề là cách đối phó với nó như thế nào thay vì chấp nhận thực tế là chúng ta thua ngay trên sân nhà. Đối với hàng nhập chính ngạch và tiểu ngạch có nộp thuế chúng ta thua vì Trung Quốc có chế độ trợ cấp hàng xuất khẩu qua hoàn thuế trị giá gia tăng lên đến 13-16%, có sự hỗ trợ điều kiện xuất khẩu của mọi cấp mọi ngành mọi địa phương, chưa kể bản thân nền kinh tế của họ có những ưu thế nhất định cùng với việc duy trì một tỷ giá đồng nội tệ có lợi cho xuất khẩu. Đến mức ai cũng biết rằng nhiều mặt hàng Trung Quốc mua ở Việt Nam còn rẻ hơn mua ở…Trung Quốc. Còn đối với hàng nhập lậu thì không nói được rồi, không chỉ những món hàng nhập lậu ấy được bán cho bọn buôn lậu với giá rẻ, do vẫn được hưởng những khoản trợ cấp xuất khẩu, được giúp đỡ để vận chuyển qua biên giới, lại không phải nộp thuế cho ngân sách Việt Nam thì rẻ là điều dễ hiểu. Chúng ta đã nghe rất nhiều về các chiến dịch chống buôn lậu qua biên giới phía Bắc nhưng chưa hề nghe về việc Trung Quốc bắt giữ hàng xuất lậu qua biên giới Việt Nam. Ai ủng hộ buôn lậu qua biên giới đã rõ. 

Hàng rẻ vì có trợ cấp, có hỗ trợ của Nhà nước vi phạm các nguyên tắc thương mại quốc tế, hỗ trợ buôn lậu càng là vi phạm các điều luật về vận chuyển hàng hóa qua biên giới. Đó là một trong những nguyên nhân tạo ra sự xâm lấn của hàng rẻ từ Trung Quốc dẫn đến nhập siêu nghiêm trọng trong cán cân thương mại hai nước. Đó là một mối quan hệ thương mại không công bằng và trước khi tính đến việc đẩy mạnh quan hệ thương mại lên đến 100 tỷ USD đến năm 2017 cần phải tính đến việc khôi phục sự cân bằng, giảm mạnh nhập siêu từ Trung Quốc. 

Và bắt đầu áp dụng các biện pháp tự vệ thương mại

Bán phá giá là hiện tượng xảy ra khi một loại hàng hóa được xuất khẩu với giá thấp hơn giá bán của mặt hàng đó tại thị trường nước xuất khẩu. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới hiện tượng bán phá giá trong thương mại quốc tế. Nhiều trường hợp việc bán phá giá có mục đích không lành mạnh như: bán phá giá để loại bỏ đối thủ cạnh tranh trên thị trường từ đó chiếm thế độc quyền; bán giá thấp tại thị trường nước nhập khẩu để chiếm lĩnh thị phần; bán giá thấp để thu ngoại tệ mạnh… Và nếu căn cứ vào định nghĩa này của WTO thì có thể nói hầu hết hàng Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam đều thuộc loại bán phá giá. 

Ngày 25-12-2013, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 9990/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội, nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước, vùng lãnh thổ: Trung Quốc, Indonesia, Malaysia… Theo đó, mức thuế chống bán phá giá 6,45% sẽ áp dụng cho Fujian Southeast Stainless Steel Co., Ltd; mức 6,99% cho Lianzhong Stainless Steel Corporation và mức 6,68% cho các công ty khác đến từ Trung Quốc. Mức thuế 12,03% được áp cho PT Jindal Stainless Indonesia (Indonesia), mức thuế 14,38% dành cho Bahru Stainless Sdn. Bhd (Malaysia), mức thuế lên tới 30,73% dành cho Yuan Long Stainless Steel Corp và 13,23% đối với Yieh United Steel Corporation (Đài Loan, Trung Quốc). Phần lớn chủ các doanh nghiệp này là... Trung Quốc. Dĩ nhiên giống như tất cả các nước, việc áp thuế chống phá giá sẽ gặp phản ứng của các doanh nghiệp nhập khẩu, họ sẽ phải mua đắt hơn vì thuế cao hơn, tuy nhiên để bảo vệ sản xuất trong nước, các doanh nghiệp nhập khẩu buộc phải chấp nhận.

Vấn đề là cần phải tiếp tục điều tra việc bán phá giá đối với tất cả các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và không chỉ áp thuế chống phá giá mà còn phải áp thuế chống trợ cấp từ ngân sách qua thuế, qua hỗ trợ đầu tư… như hàng loạt các nước trên thế giới đã áp dụng đối với hàng hóa Trung Quốc. Còn nữa, những hàng rào bảo hộ phi thuế quan cũng cần phải được dựng lên để chống lại sự xâm nhập của các mặt hàng gây hại đến sức khỏe người Việt Nam, kiểu như vải nhiễm độc, giày dép chứa các chật gây hại, đồ chơi trẻ em có chất gây ung thư…Và nếu áp dụng tốt các biện pháp tự vệ này, hy vọng sẽ có sự công bằng hơn trong thương mại hai chiều Trung Việt. Mặt khác, hàng Việt Nam sẽ có cơ hội cạnh tranh hơn trên chính sân nhà mình, thị trường trong nước.