Biện pháp phạt “nguội” góp phần kéo giảm tai nạn và ùn tắc giao thông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Với tốc độ gia tăng mạnh mẽ của các phương tiện giao thông, trong khi nhiều tuyến đường đang phải “co lại” do thi công mở rộng đã dẫn tới hệ quả ùn tắc cục bộ, tình hình tai nạn từ đó cũng có những diễn biến phức tạp. Cùng với việc nghiên cứu và đề xuất những giải pháp mang tính tổng thể, Phòng CSGT - CATP Hà Nội còn tập trung triển khai hiệu quả các kế hoạch xử lý vi phạm, một trong số đó chính là tăng cường ứng dụng kỹ thuật, công nghệ trong việc quản lý điều hành giao thông.
Thông qua hệ thống camera giám sát Phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Hà Nội phát hiện, phạt “nguội” nhiều trường hợp vi phạm giao thông

Thông qua hệ thống camera giám sát Phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Hà Nội phát hiện, phạt “nguội” nhiều trường hợp vi phạm giao thông

Hiệu quả và tích cực

Từ ngày 15-12, tất cả các Đội CSGT thuộc Phòng CSGT bắt đầu ra quân kiểm tra, dán thông báo xử phạt “nguội” đối với xe ô tô dừng, đỗ sai quy định trên toàn thành phố. Các Đội CSGT địa bàn tiếp tục xử lý trên các tuyến phố chính và tập trung vào 8 tuyến đường trọng điểm gồm: Ngọc Hồi đến Lê Duẩn; Quang Trung, Trần Phú (quận Hà Đông) đến Nguyễn Trãi, Tôn Đức Thắng, Chu Văn An; Tố Hữu đến Giảng Võ; Trần Duy Hưng đến Văn Cao; Nhổn đến Nguyễn Thái Học; Nguyễn Văn Cừ đến Đặng Phúc Thông; Võ Nguyên Giáp đến cầu Vĩnh Tuy; Phạm Văn Đồng đến đường vành đai 3 dưới thấp qua bán đảo Linh Đàm..

Trung tá Trần Văn Công - Phó Đội trưởng Đội CSGT số 4 cho biết, theo quy trình, các tổ tuần tra kiểm soát trên đường khi phát hiện ô tô dừng, đỗ không đúng nơi quy định, lái xe không có trên xe, sẽ ghi lại hình ảnh và gọi loa thông báo. Nếu lái xe không xuất hiện để làm việc, tổ tuần tra sẽ lập biên bản có sự chứng kiến của người dân, rồi dán thông báo xử phạt lên kính xe. Trên thông báo ghi rõ thời gian, địa điểm, lỗi vi phạm, ngày giờ, trụ sở nơi hẹn giải quyết vi phạm. Quá thời hạn, nếu lái xe không đến, CSGT sẽ gửi thông tin tới cơ quan đăng kiểm.

Tại đường Nguyễn Trãi, anh Nguyễn Văn Hoàn dừng đỗ xe trái quy định trên đường đã khá bất ngờ khi thấy chiếc xe của mình có dán giấy thông báo phạt nguội của Đội CSGT số 7. Là người ở nước ngoài nhiều năm, việc các phương tiện vi phạm bị dán thông báo phạt của CSGT cũng không có gì lạ, nhưng ở Việt Nam lại là điều khá mới mẻ.

Dù biết sẽ bị phạt, song trước hình thức xử phạt mới này của CSGT, anh Hoàn chia sẻ: “So với việc bị cẩu xe, phải đi hỏi khắp nơi xem lực lượng nào cẩu, bãi nào giữ xe, thì việc nhận một thông báo rõ địa chỉ, rõ đơn vị xử lý chắc chắn là thuận lợi hơn nhiều”. Cũng theo anh Hoàn, vì không có mặt tại thời điểm CSGT gọi loa thông báo nên anh không nộp phạt ngay được. Về hình thức phạt nguội này, anh Hoàn sẽ vui vẻ chấp hành sớm để tránh những phiền hà về sau. Việc dán thông báo phạt “nguội” của CSGT còn giúp người vi phạm không phải chịu mức giá đắt đỏ của các công ty cung cấp dịch vụ cẩu kéo, cứu hộ như thời gian trước đó.

Việc triển khai hình thức phạt “nguội” đã khiến ý thức lái xe tăng lên, không còn chây ì, trốn tránh hay chống đối. Khi CSGT gọi loa thông báo vi phạm là lái xe đến ngay để phối hợp làm việc. Nhờ đó, việc phải dán thông báo phạt “nguội” cũng giảm đi hàng ngày.

Theo thống kê của Phòng CSGT, chỉ trong ngày đầu tiên triển khai thực hiện dán thông báo phạt “nguội” với các lỗi dừng đỗ sai trên các tuyến phố, đơn vị đã xử lý 166 trường hợp xe ô tô vi phạm. Thời gian xử lý theo hình thức dán thông báo giảm xuống chỉ còn 1/3 so với phương thức xử phạt tại chỗ hoặc cẩu kéo xe vi phạm trước đây. Trung tá Nguyễn Đức Thắng - Đội trưởng Đội CSGT số 7 nhận định: “Mỗi ca làm việc, CSGT sẽ xử phạt vi phạm được nhiều hơn hẳn, anh em cũng đỡ vất vả hơn mà hiệu quả công tác lại được nâng lên rõ rệt”.

Nhiều chiến sĩ CSGT cho rằng, trong quá trình tuần tra kiểm soát, việc phát hiện vi phạm ở đâu thì dán thông báo xử phạt “nguội” ngay ở đó hiệu quả hơn so với việc xử lý qua hình ảnh camera. Thời gian qua, để né phạt “nguội” bằng camera, nhiều lái xe đã cố tình che hoặc cạo đi một phần biển số, khiến camera không thể nhận diện được xe vi phạm. Nhưng với hình thức dán thông báo tại chỗ như trên, sẽ khó có lái xe nào qua mắt được lực lượng chức năng.

CSGT tăng cường xử lý vi phạm qua hệ thống camera

CSGT tăng cường xử lý vi phạm qua hệ thống camera

Trung tá Trần Quang Vinh - Đội trưởng Đội Tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông cho hay, việc triển khai hình thức phạt “nguội” đã khiến ý thức lái xe tăng lên, không còn chây ì, trốn tránh hay chống đối. Khi CSGT gọi loa thông báo vi phạm là lái xe đến ngay để phối hợp làm việc. Nhờ đó, việc phải dán thông báo phạt “nguội” cũng giảm đi hàng ngày. Đại diện Phòng CSGT cũng đánh giá, đến nay đơn vị chưa nhận được phản ánh của người dân về thái độ, tác phong làm việc của các tổ công tác, cũng như chưa ghi nhận trường hợp nào không đến cơ quan chức năng giải quyết vi phạm sau 2 ngày dán thông báo.

Ứng dụng công nghệ là “chìa khóa” tương lai

Trung tá Trương Song Thành - Đội trưởng Đội Chỉ huy điều khiển đèn tín hiệu giao thông cho biết, trong năm 2020, đội đã tham mưu cho cấp trên ký 251 văn bản chỉ đạo về công tác chuyên môn, phối hợp thực hiện các dự án duy tu sửa chữa hệ thống đèn tín hiệu, camera giao thông. Một trong những chuyên đề, kế hoạch đơn vị triển khai hiệu quả đó chính là thực hiện rất tốt Kế hoạch 209 của Phòng CSGT xử phạt qua hệ thống camera.

Trong năm 2020, đơn vị đã phát hiện và xử lý 7.530 trường hợp, tăng 420% so với cùng kỳ 2019. Đơn vị cũng ra quyết định tước Giấy phép lái xe với hơn 2.300 trường hợp, phạt hơn 8,6 tỷ đồng. Đặc biệt, đã rà soát qua camera, lập hồ sơ gửi thông báo cho hơn 17.000 trường hợp.

Tại Trung tâm chỉ huy cũng tiếp nhận hơn 3.000 tin báo về TTATGT, trong đó tổ chức xử lý hàng nghìn tin báo hiệu quả, góp phần giúp phòng ngừa tai nạn và ùn tắc giao thông trên toàn địa bàn thành phố. “Việc xử lý vi phạm qua hình ảnh đã đạt được hiệu quả rất cao, qua đó đã giúp công tác xử lý vi phạm của lực lượng CSGT đảm bảo khách quan, minh bạch, tăng tính thuyết phục đối với người vi phạm, góp phần xây dựng hình ảnh đẹp với lực lượng CSGT.

Những kết quả trên cũng đã được các cấp, các ngành, lãnh đạo và nhân dân ghi nhận. Đáng mừng là công tác xử lý vi phạm qua camera đã giúp cho ý thức chấp hành pháp luật, ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người dân được nâng lên rõ rệt, nhất là đội ngũ lái xe khách, xe taxi, xe công nghệ… kể cả khi không có lực lượng CSGT làm nhiệm vụ” - Trung tá Trương Song Thành nói.

CSGT dán thông báo phạt “nguội” đến xe dừng đỗ

CSGT dán thông báo phạt “nguội” đến xe dừng đỗ

Hiện nay, từ Chính phủ, Bộ Công an, Ban Giám đốc CATP Hà Nội đến Cục CSGT đều có chung một quan điểm phải tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật trong công tác quản lý, điều hành và đảm bảo TTATGT. Đây là xu thế của tương lai và việc này cần phải được các Bộ, ban, ngành triển khai nhanh chóng, hiệu quả, với tâm thế chủ động, đón đầu xu thế mới. Phòng CSGT cũng nhìn nhận vai trò hết sức quan trọng của công nghệ đối với việc triển khai các biện pháp đảm bảo TTATGT trên địa bàn thành phố.

Dự án nâng cấp Trung tâm điều khiển giao thông giai đoạn 2 với những nội dung cụ thể đang được Phòng CSGT trình UBND TP Hà Nội thông qua và cho phép triển khai. Với việc lắp đặt thêm camera để theo dõi tình hình TTATGT và xử lý vi phạm tại các tuyến phố nội thành, các tuyến đường vành đai 2, vành đai 3 trên cao, cửa ngõ ra vào thành phố, các bến xe, bến tàu… là hết sức cần thiết. Phòng CSGT cũng đề xuất lắp đặt hệ thống biển báo điện tử, kết hợp hệ thống loa tuyên tuyền trên các tuyến trục chính và các nút giao thông trọng điểm để cung cấp thông tin, hướng dẫn phân luồng giao thông.

Trong tương lai không xa, khi được đầu tư nâng cấp, Phòng CSGT sẽ phát triển mở rộng hệ thống ưu tiên phương tiện công cộng, cứu thương, cứu hỏa và dẫn đoàn. Triển khai lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông thông minh, nhất là tại các nút giao thông quan trọng. Xây dựng hệ thống cung cấp thông tin cho người tham gia giao thông như xây dựng phần mềm, thiết lập các trang web, trang bị thiết bị nghiệp vụ chuyên dụng hiện đại phục vụ công tác tiếp nhận hình ảnh, tra cứu thông tin về giao thông, dữ liệu xử lý vi phạm, lịch sử vi phạm của lái xe, phương tiện…

Hà Nội là một trong những địa phương tiên phong áp dụng công nghệ vào giám sát, xử lý vi phạm giao thông

Hà Nội là một trong những địa phương tiên phong áp dụng công nghệ vào giám sát, xử lý vi phạm giao thông

Cần sớm triển khai lắp camera ở các điểm “nóng”

Thời gian qua, công tác tuần tra, nhắc nhở, xử lý phương tiện, nhất là xe khách vi phạm trật tự giao thông trên địa bàn luôn được các tổ công tác của đơn vị thực hiện thường xuyên. Bình quân mỗi năm, có trên dưới 1.000 lượt xe khách bị phát hiện, xử lý với các lỗi vi phạm như: dừng đỗ sai quy định, mở cửa xe khi đang chạy, đón khách không đúng nơi quy định… Nhiều trường hợp đã bị đơn vị ra quyết định tước giấy phép lái xe.

Từ thực tiễn tình hình, để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phát hiện, xử lý vi phạm, cũng như tạo chuyển biến về ý thức đối với các lái xe, cần sớm nghiên cứu triển khai, lắp đặt đồng bộ camera giám sát trên các trục đường huyết mạch, các nút giao thông, nhất là những khu vực thường xuất hiện phương tiện vi phạm. Chắc chắn, camera sẽ giúp công tác xử lý được triệt để, đặc biệt từng bước hình thành ý thức tự giác, chấp hành pháp luật giao thông của các nhà xe, cũng như hạn chế, tránh tiêu cực xảy ra.

Trung tá Nguyễn Anh Tuấn - Đội phó Đội CSGT số 14

Biểu hiện rõ nhất của tinh thần công khai, minh bạch

Lâu nay, chúng ta hay đề cập đến yêu cầu công khai, minh bạch trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là công tác quản lý Nhà nước, cải cách hành chính. Tôi cho rằng, việc lắp camera giám sát trên các tuyến đường, tuyến phố chính là sự cụ thể hóa, biểu hiện rõ nét nhất của khái niệm này.

Vi phạm bị camera ghi lại sẽ là bằng chứng sống động nhất mà đối tượng vi phạm không thể chối, cũng như là căn cứ để lực lượng chức năng áp dụng đủ, đúng chế tài, tránh tình trạng “bỏ qua”, “xin xỏ”, “nhờ giúp đỡ”. Thực tế là ở những khu vực được lắp đặt camera, ý thức người tham gia giao thông bao giờ cũng tốt hơn vì mọi hành vi của họ được ghi lại. Chưa kể, camera sẽ giúp giảm áp lực đối với lực lượng chức năng, thậm chí giảm nguy cơ mất an toàn, ảnh hưởng sức khỏe, khi phải tiếp xúc nhiều với phương tiện công cộng. Tôi ủng hộ cách làm của cơ quan chức năng nói chung, CATP Hà Nội nói riêng trong việc triển khai các phương thức phạt “nguội”.

Ông Nguyễn Hữu Bính - phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Xu thế tất yếu trong thế giới hiện đại

Đó là khẳng định của ông Trần Hữu Minh - Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia về hiệu quả và tính cấp thiết của việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ, trong đó có hệ thống camera giao thông hiện nay. Theo ông Trần Hữu Minh, việc ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng giao thông thông minh trong đô thị hiện đại là xu thế tất yếu, khách quan. Nếu chúng ta không triển khai thì nó vẫn cứ diễn ra. Thực tế nhiều ứng dụng về mạng lưới giao thông, phương tiện cũng đã chứng minh điều đó.

Hiện nay, trong quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế, nếu muốn cạnh tranh thì chất lượng của ta phải tốt, giá cả phải giảm. Do đó, nếu không áp dụng khoa học công nghệ thì chúng ta sẽ sớm tụt hậu so với khu vực và thế giới. Và giao thông chính là cơ sở hạ tầng sẽ ảnh hưởng tới tất cả các lĩnh vực phát triển kinh tế, nó không còn là câu chuyện riêng của ngành giao thông nữa. Đó là nguồn gốc, là động lực cũng như mục tiêu mà chúng ta phải nhìn nhận.

Bản thân lĩnh vực giao thông thông minh là một khái niệm rất rộng, có liên quan đến kết cấu hạ tầng, tổ chức giao thông, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm... Trong công tác quản lý, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, việc ứng dụng khoa học công nghệ là một trong những giải pháp cần được thực hiện đầu tiên, đem lại hiệu quả cao nhất. Chúng ta có thể xây dựng tuyến đường hàng trăm nghìn tỷ đồng, nhưng nếu không có ứng dụng khoa học công nghệ trong tổ chức, quản lý thì tuyến đường đó sẽ không phát huy hiệu quả, thậm chí phản tác dụng, tắc vẫn hoàn tắc, tai nạn vẫn xảy ra. Ngược lại, chúng ta chỉ bỏ ra số tiền nhỏ đầu tư vào hệ thống camera, giao thông thông minh thì nó sẽ phát huy hiệu quả triệt để. Việc đầu tư này cũng rất nhỏ, nhưng đem lại hiệu quả rất cao so với những giải pháp khác.

Tăng cường xử phạt “nguội” giúp nâng cao ý thức của người tham gia giao thông

Tăng cường xử phạt “nguội” giúp nâng cao ý thức của người tham gia giao thông

Hiệu quả của hệ thống camera đã được chứng minh rất rõ. Cách đây 5-7 năm, tại các đô thị lớn, lái xe taxi vi phạm rất nhiều, thậm chí vượt đèn đỏ, quá tốc độ... thì nay chúng ta thấy, gần như rất hiếm lái xe taxi vi phạm những lỗi này, bởi họ biết hệ thống camera lúc nào cũng giám sát chặt chẽ 24/24h. Hệ thống camera này đã góp phần thay đổi rất lớn về nhận thức của lái xe. Tuy nhiên, hiệu lực trong việc xử phạt vẫn còn nhiều hạn chế, khi số lượng lái xe chấp hành quyết định xử phạt khá thấp so với tổng số vi phạm được phát hiện. Tùy từng địa phương, trung bình tỷ lệ chấp hành thường dao động từ 20-50% trong tổng số vi phạm bị phát hiện, gửi thông báo vi phạm.

Minh Anh (Ghi)