Biện pháp mạnh ngăn chặn "tín dụng đen"

ANTĐ - Hoạt động “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi dẫn đến nhiều hệ lụy, kể cả phát sinh tội phạm, nhưng việc xử lý theo quy định pháp luật còn gặp nhiều khó khăn… Tuy nhiên, với những quy định mới tại Bộ luật Hình sự (BLHS)  năm 2015 được xem là công cụ hữu hiệu để quản lý và xử lý loại hình dịch vụ tự phát này. 

Biện pháp mạnh ngăn chặn "tín dụng đen" ảnh 1Vợ chồng Trương Kim Nhung và đồng phạm ở vụ án bức tử “con nợ”

“Con nợ” tự vẫn vì lãi “cắt cổ”

Cách đây chưa lâu, TAND TP Hà Nội đã xét xử một vụ án liên quan đến “tín dụng đen” được xem là có tính điển hình. Cụ thể, trước tòa, Vũ Minh Trí và vợ là Trương Kim Nhung (cùng SN 1976; trú ở phường Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội) cùng bị truy tố về các tội bức tử, bắt giữ người trái pháp luật và cưỡng đoạt tài sản. Giúp sức cho vợ chồng Nhung còn có Nguyễn Hoàng Việt (tức “Việt Ve”, SN 1977) và Trần Minh Dũng (tức “Rốp”, SN 1983) bị truy tố về tội bắt giữ người trái pháp luật. Bị hại dưới tay vợ chồng cho vay nặng lãi này là ông Đỗ Mạnh Hoan (SN 1960), ở quận Thanh Xuân.

Đầu năm 2010, do cần vốn làm ăn nên ông Hoan vay Nhung 460 triệu đồng, với lãi suất 10.000 đồng/1 triệu đồng/ngày (tương đương 360% năm). Thời gian đầu ông Hoan vẫn trả tiền lãi hàng tháng sòng phẳng, nhưng đến tháng 5-2010 thì ông Hoan mất khả năng thanh toán. Tháng 11-2010, Nhung cùng đám đàn em đến nhà ông Hoan chốt nợ với số tiền cả gốc lẫn lãi thành 1,5 tỷ đồng, đồng thời ra “tối hậu thư” trong vòng 30 ngày phải thanh toán hết. Để nắm đằng chuôi, Nhung bắt ông Hoan phải thế chấp ngôi nhà đang ở. Đến hạn nhưng không có tiền trả nên ông Hoan buộc phải tránh mặt và cắt liên lạc với Nhung.

Bẵng đi một thời gian, một ngày đầu tháng 5-2011, Nhung tình cờ gặp ông Hoan tại ngã tư Chùa Bộc - Thái Hà nên gọi điện cho chồng bắt “con nợ” đưa về giam hãm. Ngay sau đó, Trí gọi thêm Dũng “Rốp” và Việt “Ve” đến giúp sức. Tại nhà Nhung, ông Hoan bị bọn Dũng đánh đập, sau đó bị áp giải về nhà lấy các giấy tờ nhà đất giao cho bọn chúng. Tuy nhiên, do căn nhà gia đình ông Hoan ở là tài sản chung của ông với em gái nên vợ chồng Nhung quay sang ép người liên quan phải từ bỏ quyền nhận di sản thừa kế. Ngày 31-5-2011, Nhung hẹn em gái ông Hoan đến một phòng công chứng ở quận Đống Đa để làm thủ tục từ chối di sản thừa kế.

Cùng ngày, ông Hoan tiếp tục bị ép phải ký hợp đồng chuyển nhượng nhà cho chủ nợ và ngay sau đó, cặp  vợ chồng “tín dụng đen” bán căn nhà được hơn 1,7 tỷ đồng. Hành vi của Nhung cùng đồng bọn đối với ông Hoan sau đó còn tiếp diễn thêm nhiều chiêu trò nữa. Để rồi cuối cùng không chịu đựng được cảnh tra tấn cả về thể xác lẫn tinh thần, đêm 17-1-2012, ông Hoan đã dùng dây điện thắt cổ tự vẫn ngay trong ngôi nhà bị vợ chồng Nhung giam giữ. Vụ án đã khép lại với bản án đích đáng dành cho vợ chồng Nhung cũng như các đối tượng liên quan. Thế nhưng những gì đã xảy ra với ông Hoan sẽ mãi là nỗi kinh hoàng đối với vợ con bị hại.

Chưa đến mức như vụ án mà vợ chồng Nhung là thủ phạm chính, song vụ án Nguyễn Văn Công (SN 1987, trú tại xã Đông Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội) cùng đồng phạm đang được CQĐT - CAH Sóc Sơn thụ lý cũng thể hiện rất rõ sự tàn nhẫn của các đối tượng chuyên cho vay nặng lãi.

Cuối năm 2015, Nguyễn Nhật Luân (SN 1991, cũng ở huyện Sóc Sơn) tìm đến Chi nhánh của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển hỗ trợ tài chính do Công làm trưởng chi nhánh để vay 10 triệu đồng. Ký vào tờ giấy vay tiền, nhưng Luân chỉ nhận được 7,4 triệu đồng. Bởi nhân viên của công ty này đã lập tức cắt luôn 2 triệu đồng phí bảo đảm cùng 600.000 đồng tiền lãi trong 3 ngày đầu vay mượn.

Sau khi đã trả cả gốc và lãi được 4,8 triệu đồng thì Luân mất khả năng thanh toán. Cho rằng “con nợ” trốn nghĩa vụ, Công huy động đàn em liên tục tìm đến “hỏi thăm” Luân, đồng thời ấn định phạt thêm 10 triệu đồng do “con nợ” vi phạm thời hạn trả lãi… Tối 7-1-2016, phát hiện Luân chơi bi a ở xã Đức Hòa (huyện Sóc Sơn), Công cùng nhiều đối tượng lập tức bắt giam “con nợ” và đánh đập, đồng thời gọi điện đe dọa người nhà bị hại phải mang tiền đến chuộc người. Tuy nhiên, hành vi của Công cùng đồng bọn đã bị lực lượng CAH huyện Sóc Sơn kịp thời phát giác. 

Luật mới sẽ siết chặt

Liên quan đến chế tài xử lý “tín dụng đen”, luật sư Giang Hồng Thanh - Trưởng VPLS Giang Thanh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, Điều 163, BLHS năm 1999 đã có quy định về tội cho vay lãi nặng. Cụ thể: “Người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ 10 lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột, thì bị phạt tiền từ 1 lần đến 10 lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm. Phạm tội thu lợi bất chính lớn thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”. Tuy nhiên trên thực tế, hành vi cho vay lãi nặng lại rất hiếm khi bị xử lý bằng pháp luật hình sự.

Lý giải điều này, luật sư Giang Hồng Thanh cho rằng nguyên nhân xuất phát từ chính những bất cập trong quy định của điều luật. Bởi, để quy kết một người phạm tội cho vay lãi nặng thì cần phải chứng minh người đó thực hiện đồng thời các hành vi khách quan là có việc cho người khác vay tiền để thu lời bằng lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ 10 lần trở lên và việc làm đó phải có tính chất chuyên bóc lột. “Nếu thiếu một trong những hành vi này thì không cấu thành tội cho vay lãi nặng ” - luật sư Thanh phân tích. 

Trên thực tế, việc tìm hiểu được mức lãi suất cho vay trong hoạt động “tín dụng đen” rất khó khăn. Bởi, các đối tượng cho vay hầu như không bao giờ ghi lãi suất vào giấy tờ vay nợ mà chỉ thỏa thuận miệng với người vay. Cùng với đó, các đối tượng cho vay thường khấu trừ luôn tiền lãi vào số tiền gốc ngay khi giao tiền cho người vay.

Vì thế, cơ quan pháp luật rất khó chứng minh hành vi thứ nhất (cho vay tiền để hưởng lợi bằng lãi suất cao) trong cấu thành tội phạm. Tiếp đó, phải chứng minh được người cho vay tiền có tính chất “chuyên bóc lột”. Trong khi đó, thế nào là “bóc lột” thì pháp luật lại chưa có quy định cụ thể. Ngoài ra, việc bóc lột này phải gắn liền với hoạt động chuyên nghiệp, thường xuyên. Có nghĩa là người cho vay lấy hoạt động “tín dụng đen” làm kế sinh nhai và làm giàu.

Do đó, nếu người cho vay nặng lãi không thừa nhận dùng các thủ đoạn ép buộc, cưỡng bức người vay phải trả nợ và không thực hiện công việc này thường xuyên, liên tục thì rất khó để buộc tội họ. Soi chiếu những bất cập của pháp luật vào vụ án vợ chồng Vũ Minh Trí nêu trên, luật sư Giang Hồng Thanh lý giải đó chính là nguyên nhân khiến các cơ quan tố tụng không đề cập xử lý thêm tội cho vay lãi nặng, theo Điều 163.

Còn luật sư Vũ Ngọc Chi - VPLS Tiến Long (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, BLHS năm 2015 (có hiệu lực từ 1-7-2016) đã cơ bản khắc phục được những thiếu sót của quy định hiện hành. Cụ thể, BLHS năm 2015 chỉ rõ để xác định người nào đó có cho vay lãi nặng hay không thì sẽ căn cứ vào mức lãi suất được Bộ luật Dân sự năm 2015 điều chỉnh.

Theo đó, Điều 468 - Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Lãi suất do các bên thỏa thuận, nếu thỏa thuận về lãi suất thì không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Trường hợp pháp luật có quy định khác ở đây được hiểu là lãi suất áp dụng đối với các tổ chức tín dụng, tài chính. Tương ứng với đó, BLHS mới cũng xác định thay vì lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ 10 lần trở lên thì tới đây tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự chỉ còn là từ 5 lần trở lên.

Điều 201 quy định: “Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng… thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm”. Như vậy, chỉ cần “tín dụng đen” thu lời từ hoạt động cho vay với lãi suất 100%/năm (20% x 5 lần) trở lên là có thể bị xử lý bằng biện pháp hình sự.