“Biến hóa” nợ quá xấu

ANTĐ - Số liệu mới nhất tính đến cuối tháng 5 đầu tháng 6, dư nợ tín dụng đối với đầu tư, kinh doanh bất động sản lên đến 266.728 tỷ đồng, tăng 1,8% so với cuối tháng 12-2013. Mặc dù các gói vốn tín dụng tung ra nhằm “hâm nóng” thị trường, nhưng “tảng băng” bất động sản không vì thế mà tan chảy. Giới chuyên gia kinh tế khẳng định, nguy cơ thị trường này thừa cung, nợ xấu hoàn toàn có thể xảy ra trong thời gian tới, nếu vốn dồn dập đổ vào không được kiểm soát.

Gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng cho vay bất động sản, sau hơn một năm triển khai mới giải ngân được hơn 10%. Trong khi gói tín dụng này chưa tạo được nhiều dấu ấn thì mới đây, Ngân hàng Xây dựng liên kết cùng một số ngân hàng lại tung ra thị trường gói tín dụng 50.000 tỷ đồng. Theo các chuyên gia, ngân hàng cùng đổ vốn vào lĩnh vực nóng, cũng như việc triển khai các nguồn vốn này đang là vấn đề gây tranh cãi. Về tổng thể, so với lượng hàng tồn kho tổng giá trị khoảng 94,5 nghìn tỷ đồng, trong đó Hà Nội khoảng 17,5 nghìn tỷ đồng, TP.HCM gần 12 nghìn tỷ đồng thì gói tín dụng 50.000 tỷ đồng không giúp được gì nhiều, đặc biệt là còn gần 3.200 dự án đang dở dang với tổng diện tích 81.500ha. Nếu gói tín dụng này giúp doanh nghiệp xây dựng giảm giá thành vật liệu, giảm chi phi xây dựng, kéo theo giảm giá nhà thì sẽ rất tốt. Còn mua bán qua khâu trung gian, chắc chắn khó giúp giảm giá nhà. Giá nhà giảm mới kéo được người mua, giúp khai thông thị trường. Nếu không, vốn cứ đổ ra, dự án hoàn thiện xong lại rơi vào cảnh ế ẩm. Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng phân tích, tốc độ giải ngân ì ạch gói 30.000 tỷ đồng là vì không đủ hàng hóa đúng tiêu chí vay, đồng thời một số điều kiện vay khó như… thách đố. 

Theo phân tích của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách, vốn thừa nhưng doanh nghiệp sản xuất kinh doanh không tiếp cận được vì không đáp ứng được tiêu chuẩn vay. Dồn vốn vào bất động sản cũng sẽ gây nguy cơ thừa hàng, tăng nợ xấu như đã xảy ra vài năm trước, trong khi những vấn đề cũ chưa giải quyết dứt điểm. Mục tiêu của Bộ Xây dựng là giải phóng hàng tồn kho trong khi nhiều chương trình tín dụng cho bất động sản lại “kích hoạt” phát triển thị trường này. Nếu được bơm vốn ồ ạt, thiếu kiểm soát, vô hình trung sẽ làm tình trạng bong bóng bất động sản bùng phát trở lại, gây thiệt hại cho người mua. Hiện nợ xấu bất động sản trong ngân hàng khá cao, nếu không quản lý tốt dòng vốn sẽ tạo thêm nợ xấu trong lĩnh vực này.

Để giải cứu thị trường bất động sản, một thành viên Chính phủ “hiến kế”, Chính phủ cần yêu cầu công khai chi phí giá thành, khoanh vùng giá bán hợp lý và yêu cầu doanh nghiệp bán để trả nợ ngân hàng. Qua đó, người dân mua được nhà với giá hợp lý, ngân hàng thu được nợ và tồn kho sẽ giảm. Không thể “ngâm” mãi nợ rồi “biến hóa” nợ quá xấu thành xấu vừa.

Tin cùng chuyên mục