Biển hiệu, băng-rôn vẫn lộn xộn

ANTĐ - Luật Quảng cáo được ban hành ngày 21-6-2012 và chính thức có hiệu lực từ 1-1-2013. Đây là văn bản thống nhất các quy định về tất cả vấn đề y tế, nông nghiệp, an toàn thực phẩm... tuy nhiên, qua 8 tháng triển khai, hoạt động quảng cáo và quản lý vi phạm vẫn gặp nhiều vướng mắc. 

Băng-rôn chăng ngang đường gây mất mỹ quan đô thị

“Giẫm chân” cấp phép 

Rắc rối nảy sinh trước hết đối với những biển quảng cáo tấm lớn ngoài trời (theo điều 31). Theo yêu cầu, những công trình này phải có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền là Sở Xây dựng trước khi lập hồ sơ thông báo trình lên Sở VH-TT&DL. Thế nhưng, Thông tư số 10/2013/TT-BXD được Bộ Xây dựng ban hành ngày 20-12-2012 lại yêu cầu doanh nghiệp quảng cáo phải có giấy phép của Sở VHTT&DL thì Sở Xây dựng mới xét việc có cấp phép hay không. Việc “giẫm chân” của hai loại văn bản vẫn đang còn hiệu lực khiến những doanh nghiệp quảng cáo, không biết bước chân nào trước, chân nào sau. Cho đến thời điểm hiện tại, chưa có quy định thống nhất để làm rõ về thủ tục cấp phép cho những trường hợp này. 

Bên cạnh đó, việc quản lý bảng hiệu quảng cáo tại các tòa nhà, nhất là những tòa nhà lớn vẫn gặp nhiều khó khăn. Theo bà Ninh Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VH-TT&DL, vấn đề đặt ra là có nhiều doanh nghiệp hoạt động cùng một lúc, ai cũng muốn giành quyền quảng cáo. Chưa thể và chưa có quy định rõ về hình thức, số lượng quảng cáo được cho phép trên một công trình, khi nó còn phụ thuộc vào nhu cầu và quyền lợi của người chủ quảng cáo tại công trình đó. Trên thực tế, đặt biển quảng cáo phụ thuộc phần nhiều vào nhãn quan và ý thức của người quảng cáo. Khi chưa có tiêu chí gì để phân loại, thì vẫn còn đó tình trạng các biển quảng cáo thi nhau “chen lấn” mặt tiền, tường nhà, gây sự lộn xộn, mất mỹ quan đô thị. 

Cấm triệt để băng-rôn treo ngang đường  

Một quy định mới đang thu hút sự quan tâm cũng như sự đồng tình của dư luận là việc cấm chăng băng rôn ngang đường của Sở VH-TT&DL Hà Nội. Ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội cho biết, quy định này áp dụng đối với tất cả băng-rôn, phướn quảng cáo chào mừng các sự kiện, ngày lễ, hoạt động kỷ niệm… thậm chí là với mục đích tuyên truyền, cổ động chính trị, chính sách xã hội. Việc quản lý biển quảng cáo là một vấn đề nan giải tại nhiều quận, huyện nội ngoại thành Hà Nội. Cũng theo ông Nguyễn Khắc Lợi, nhiều đơn vị chậm trễ trong việc rà soát, xử lý biển quảng cáo vi phạm, để tồn đọng từ năm này qua năm khác. Chưa giải quyết những trường hợp cũ, biển hiệu vi phạm mới lại mọc lên, thậm chí lớn hơn những biển trước đó, cụ thể như biển quảng cáo đặt tại bãi đỗ xe Kim Liên (Đống Đa), ở Đại lộ Thăng Long (đoạn qua huyện Quốc Oai), trước Công viên Bách Thảo (quận Ba Đình)… 

Theo bà Ninh Thị Thu Hương, Bộ VH-TT&DL cũng đang khẩn trương tiến hành soạn thảo quy định xử phạt vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo. Trong đó một vài mức phạt được đưa ra tham khảo là: Quảng cáo hàng hóa cấm sẽ phải chịu mức phạt từ 70 đến 100 triệu đồng; quảng cáo rượu, thuốc lá phạt từ 40 đến 50 triệu đồng; treo, dán, đặt, vẽ biển quảng cáo, băng-rôn trên cột điện, trụ điện, cây xanh là từ 3-5 triệu đồng… Trong đó, các mức phạt đều được thống nhất và xu hướng tăng lên so với các văn bản đã quy định trước đó. Cùng với việc đưa ra mức phạt, để thắt chặt hơn việc quản lý hoạt động quảng cáo, Bộ cũng gấp rút đẩy nhanh việc thành lập Hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo. Trong đó, bên cạnh các đại diện của Bộ, Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam có vai trò tích cực trong việc đưa ý kiến, xem xét, kết luận mức độ phù hợp của các sản phẩm quảng cáo theo quy định của Luật đã được ban hành. Đây cũng là một bước đi mới, theo kịp xu hướng của của các nước trong khu vực và trên thế giới. 

Buông lỏng làm cảnh quan nhếch nhác 

Tại nhiều địa phương, không chỉ riêng các đô thị lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, tình trạng bảng quảng cáo, băng-rôn treo tràn lan, gây nhức nhối, ảnh hưởng không nhỏ đến diện mạo, cảnh quan môi trường. Một số địa phương lấy lý do “thiếu chỗ treo” để buông lỏng việc xử lý vi phạm, khiến những băng-rôn bị “thả nổi” trên đường, tạo nên hình ảnh vô cùng nhếch nhác.