Biển Đông sẽ làm nóng nghị trường

ANTĐ - Đó là ý kiến của ĐBQH TP Hà Nội Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Biển Đông sẽ làm nóng nghị trường ảnh 1


- Việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam có làm nóng kỳ họp Quốc hội sắp tới, thưa ông? 

- Chắc chắn là như vậy. Về vấn đề Biển Đông, trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 9, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có đề cập. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã có tuyên bố rất rõ ràng tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24. Mới đây, trong tiếp xúc cử tri trước kỳ họp Quốc hội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng lên tiếng mạnh mẽ. 

Dự kiến trong bài phát biểu khai mạc kỳ họp Quốc hội lần này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng sẽ đề cập đến vấn đề Biển Đông. Tôi tin rằng, đây sẽ là vấn đề được tất cả các ĐBQH dành sự quan tâm đặc biệt. Theo dự kiến chương trình kỳ họp, trong buổi chiều sau phiên khai mạc, Quốc hội sẽ nghe Chính phủ báo cáo đầy đủ về vụ việc giàn khoan Hải Dương 981 và vấn đề Biển Đông. 

- Với tư cách ĐBQH, ông phản ứng thế nào với hành động sai trái của Trung Quốc?

- Trước hết, Quốc hội và bản thân tôi cần thể hiện thái độ rõ ràng, dứt khoát, có trách nhiệm về hành động Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào khu vực thuộc thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Quốc hội khi thông qua Luật Biên giới quốc gia, Luật Biển Việt Nam đã thể hiện rất rõ chủ quyền của Việt Nam. Ngay khi bàn Điều 1 của Hiến pháp sửa đổi cũng làm rõ vấn đề chủ quyền quốc gia bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với khu vực thuộc thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Theo tôi, trong thời gian tới, chúng ta cần tiếp tục tập trung phát triển kinh tế biển mạnh mẽ hơn nữa theo đúng quy định của luật pháp quốc tế cũng như Luật Biển Việt Nam. 

- Ông có cho rằng tại kỳ họp này, Quốc hội có cần thiết phải ban hành một nghị quyết riêng về vấn đề Biển Đông?

- Hiện vấn đề ra một nghị quyết riêng chắc Quốc hội còn phải bàn bạc trên cơ sở tình hình thực tế. Tuy nhiên, ít nhất là trong Nghị quyết về kinh tế xã hội cần khẳng định những chính sách phát triển kinh tế xã hội gắn liền với biển đảo như chính sách hỗ trợ ngư dân, lực lượng chấp pháp bám biển. Đây là thẩm quyền của Quốc hội. Hiện Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao Ủy ban Quốc phòng - An ninh, Ủy ban Đối ngoại phối hợp cùng Bộ Ngoại giao để có biện pháp thống nhất.

Vụ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981đã gây nên sự phẫn nộ trong người dân Việt Nam. Từ đó người dân có mong muốn thể hiện lòng yêu nước qua tuần hành, mít tinh, biểu tình một cách ôn hòa. Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta chưa có Luật Biểu tình nên chưa có quy định cụ thể. Theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XIII có nội dung xây dựng luật này nên cần phải làm sớm. 

- Cá nhân ông có đề xuất gì đối với vấn đề giàn khoan Hải Dương 981?

- Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào khu vực thuộc thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông, cũng như các thỏa thuận cấp cao giữa hai nước. Điều này cho thấy chúng ta phải luôn cảnh giác, chủ động với phía bên kia. 

Đồng thời, phải tăng cường và duy trì các hoạt động ngoại giao từ ngoại giao Nhà nước, ngoại giao nhân dân, ngoại giao nghị viện... Thực tế, có rất nhiều người dân, trí thức, học giả Trung Quốc yêu chuộng hòa bình, tôn trọng công lý đã phản đối hành động sai trái của chính quyền nước họ. Bên cạnh đó, chúng ta phải tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa về lòng yêu nước, cũng như phê phán những hành vi, thái độ vi phạm pháp luật, bị kẻ xấu lợi dụng. Việc này rất cần sự vào cuộc của các ĐBQH cũng như các Đoàn ĐBQH.

Cử tri đề nghị thông tin rõ 

Đoàn ĐBQH TP Hà Nội vừa tổng hợp 36 ý kiến, kiến nghị của cử tri với Quốc hội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Chính phủ. Đáng chú ý, về quốc phòng - an ninh, cử tri Hà Nội cho rằng, hiện nay, tình hình ở Biển Đông đang diễn ra hết sức phức tạp, người dân thể hiện lòng yêu nước một cách tự phát, dẫn đến nhiều thế lực thù địch lợi dụng để gây rối, phá hoại tài sản ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội. Cử tri đề nghị Chính phủ thông tin tuyên truyền kịp thời, rõ ràng để người dân thực hiện tốt sứ mệnh bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

Đề nghị Quốc hội đẩy mạnh hơn nữa vai trò giám sát để ngăn chặn hoặc hạn chế các sai phạm, tham nhũng, lãng phí, cử tri Hà Nội cho rằng, trước hết, cần đặc biệt quan tâm tới công tác cán bộ. Đồng tình với kế hoạch tinh giản biên chế của Chính phủ, cử tri Hà Nội đề nghị rà soát, xác định lại chức năng, nguyên tắc tổ chức của các cơ quan Nhà nước cho phù hợp, từ đó xác định đúng biên chế cần sử dụng, tránh lãng phí.