Biển Đông là một phần máu thịt của chúng ta

ANTĐ - Biển Đông đã không yên tĩnh từ lâu, nhưng chưa bao giờ những thử thách từ Biển Đông lại lớn như bây giờ. Những đám mây đen từ phương Bắc kéo xuống đang đe dọa hòa bình không phải chỉ của dân tộc ta mà là cả thế giới. 

Bản đồ Việt Nam thời Nguyễn vẽ khoảng năm 1838

thể hiện rõ Trường Sa, Hoàng Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam

Ngày 12-7, Hội nghị các Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 45 (AMM 45) diễn ra  ở Phnom Penh (Campuchia) lần đầu tiên từ khi thành lập khối ASEAN không ra được tuyên bố chung. Lý do là không đạt được đồng thuận về những tuyên bố về các sự kiện gần đây ở Biển Đông. Cùng với nó Diễn đàn An ninh khu vực ASEAN (ARF) gồm 27 thành viên cũng chỉ đạt được những kết quả hạn chế, nghĩa là vẫn chỉ có những tuyên bố chung chung mà không đạt được một thỏa thuận cụ thể nào. Nguyên nhân của sự không thành công của các sự kiện này là thái độ của Trung Quốc: Các diễn đàn ASEAN không thích hợp để thảo luận vấn đề Biển Đông cùng với sự chia rẽ do những lợi ích cục bộ của các quốc gia thành viên ASEAN trong mối quan hệ với Trung Quốc. 

Toàn cảnh những tranh chấp biển Đông cho thấy mục đích và chiến lược xâm chiếm Biển Đông của Trung Quốc không có gì thay đổi từ hàng chục năm qua, chỉ có cường độ mỗi ngày một lớn, và ở thời điểm này có thể coi là thời điểm bản lề, nếu các nước khu vực lùi bước, họ sẽ dấn tới với những bước đi liều lĩnh. Mục đích của Trung Quốc là biến toàn bộ Biển Đông thành khu vực tranh chấp, từng bước xâm chiếm, quản lý trên thực địa, khai thác tài nguyên. Trung Quốc đang cố tình lập lờ trong ngoại giao, đe dọa về quân sự, dùng các lực lượng bán quân sự xâm chiếm, tranh chấp trên thực địa. 

Trung Quốc đẩy mạnh yêu cầu lãnh thổ qua khái niệm mơ hồ “đường biên giới 9 đoạn”. Về mặt ngoại giao, Trung Quốc không những không có tài liệu lịch sử về lãnh thổ Biển Đông mà thậm chí còn không có cả những số liệu địa lý về tọa độ của lãnh thổ tự nhận của mình, nhưng vẫn khăng khăng về lãnh thổ 1 triệu km2 mặt biển trên Biển Đông. Không chấp nhận tất cả mọi lý lẽ hợp lý và phù hợp với những cứ liệu lịch sử và pháp lý quốc tế, Trung Quốc chỉ nghe lý lẽ của mình, dùng thủ đoạn cũ rích, nói không cần nghe, phá hoại mọi cuộc thương thảo đầy thiện ý của các đối tác. Mặc dù các thủ đoạn ngoại giao kiểu này càng ngày càng cô lập Trung Quốc, làm ảnh hưởng tới sự phát triển, ảnh hưởng của Trung Quốc trên quốc tế, tuy nhiên những mối lợi trước mắt từ Biển Đông quá lớn, Trung Quốc vẫn cố tình đi những bước sai lầm. 

Gần đây, bằng thế lực kinh tế đang lên, bằng thị trường trên 1,4 tỷ người, Trung Quốc bắt đầu thực hiện thủ đoạn dùng lợi ích kinh tế chia rẽ khối ASEAN, nhằm chống lại xu hướng đa phương hóa các thỏa thuận về Biển Đông. Thủ đoạn đó trong các hoạt động gần đây trong khu vực đã được chứng tỏ. 

Nhân sự kiện Hội nghị các Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 45 (AMM 45) khai mạc ở Phnom Penh (Campuchia), tờ Thời báo Hoàn Cầu đã lớn tiếng hăm dọa động binh với lời lẽ hiếu chiến như “Philippines và Việt Nam đáng phải bị trừng trị”. Trước thềm hội nghị, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc đưa ra thông báo quân đội Trung Quốc đã bắt đầu những chuyến tuần tiễu thường kỳ, sẵn sàng chiến đấu trong vùng biển mà Trung Quốc cho là “thuộc thẩm quyền” của mình.

Trung Quốc vừa kêu gọi nước này thành lập một đơn vị quân sự tương đương cấp sư đoàn trực thuộc cái gọi là “thành phố Tam Sa”, bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam và  cho rằng cần coi đây là “một tiêu chí quan trọng của nền quốc phòng Trung Quốc”.

Vào thời điểm căng thẳng trên Biển Đông tăng cao, đặc biệt là những tranh chấp bãi cạn Scarborough giữa Trung Quốc và Philippines đang leo thang, phát biểu trên của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc dường như là một tín hiệu “bật đèn xanh” cho các đơn vị quân đội Trung Quốc sẵn sàng cho một giải pháp quân sự trên Biển Đông.

Trên Biển Đông, Trung Quốc sử dụng lực lượng bán quân sự như hải giám, hải chính cùng đông đảo tàu cá có vũ trang gây hấn và xâm chiếm trên thực địa. Việc trên 100 tàu cá tiến vào bãi cạn Scarborough và trên 30 tàu cá tham gia chiến dịch đánh cá trên quần đảo Trường Sa cùng những vụ việc cắt cáp thăm dò dầu khí của Việt Nam, dùng tàu hải giám gây sự với tàu Cảnh sát biển Việt Nam là những ví dụ cụ thể.

Trung Quốc đang khiến cho dư luận cả thế giới thấy được sự kẻ cả của mình. Trung Quốc đã lầm. Xét một cách công bằng và khách quan, Việt Nam có lý về chủ quyền biển đảo, cơ sở pháp lý của Việt Nam vững vàng chứ không như Trung Quốc. Việt Nam có trong tay những dữ liệu lịch sử có giá trị và phù hợp với luật pháp quốc tế. Hơn thế, trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, khối đại đoàn kết toàn dân tộc, lòng yêu nước của mỗi người dân Viêt Nam là sức mạnh trường tồn…

Trung Quốc đang theo đuổi chiến lược bôi xấu, chia rẽ và xâm chiếm. Bởi vậy, Việt Nam cần chứng minh cho thế giới biết rằng Trung Quốc đang chủ động gây căng thẳng ở Biển Đông. Trước những âm mưu hắc ám, chúng ta cần thể hiện bản lĩnh lớn. Đó là phương cách duy nhất để bảo vệ chủ quyền dân tộc. Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, điều ấy mỗi người dân Việt không chỉ hiểu, mà đó còn là một phần máu thịt. 

Tin cùng chuyên mục