Biến đổi khí hậu vẫn chưa được coi trọng trong Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc

ANTD.VN - Ngày 22-9, Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu được tổ chức tại New York (Mỹ). Hội nghị quy tụ các lãnh đạo đến từ nhiều quốc gia trên thế giới để bàn bạc nhằm tìm ra một giải pháp chung trước tình hình khí hậu và môi trường toàn cầu hiện nay. Được đánh giá cao về tầm quan trọng, song Hội nghị Thượng đỉnh này liệu có thật sự hiệu quả?

Biến đổi khí hậu vẫn chưa được coi trọng trong Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc ảnh 1

Một đoạn video được chiếu trong Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu

Thiếu giải pháp căn cơ

Đã có nhiều cuộc biểu tình của các tổ chức bảo vệ môi trường diễn ra bên ngoài thành phố, song phía trong Hội nghị, các nhà lãnh đạo dường như còn ngập ngừng trong việc kí kết một cam kết chung. Phía Trung Quốc đã không đưa ra lời hứa nào về việc sẽ thực hiện hành động vì môi trường. Trong khi đó, Mỹ - với tư cách là một cường quốc - lại rút khỏi Thỏa thuận Paris, thỏa thuận giữa các quốc gia cùng nhau chống lại biến đổi khí hậu. Một số nước khác lại chỉ đưa ra những cam kết ngắn hạn tạm thời.

Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu năm nay được tổ chức với mục đích tìm kiếm một cam kết chung giữa các quốc gia, công ty về sử dụng nhiên liệu hóa thạch để tránh những tác động xấu của sự nóng lên toàn cầu. Một số thỏa thuận chung đã được đặt ra sau cuộc họp gồm: 65 quốc gia có mặt đều cam kết sẽ nỗ lực giảm lượng khí thải xuống bằng 0 vào năm 2050; giảm thiểu tiến tới không sử dụng các loại túi, rác thải nhựa gây hại cho môi trường và tuân thủ các quy định có trong Thỏa thuận Paris. Tuy vậy, tầm quan trọng của vấn đề môi trường và những giải pháp cụ thể để chống lại diễn biến sự nóng lên toàn cầu vẫn chưa thật sự được đưa ra xem xét một cách nghiêm túc tại đây. 

Những hiểm họa trước mắt

Hội nghị diễn ra vào thời điểm những dữ liệu khoa học cho thấy sự nóng lên toàn cầu đang diễn ra nhanh hơn bao giờ hết và những tác động của nó đối với cuộc sống đang ngày càng rõ ràng. Những cơn bão đang trở nên dữ dội và khó đoán hơn, hạn hán kéo dài, cháy rừng diện rộng, băng tan và nhiệt độ toàn cầu ngày càng nóng vượt ngưỡng kỷ lục. 

Đã có nhiều cuộc biểu tình của các tổ chức bảo vệ môi trường diễn ra bên ngoài thành phố, song phía trong Hội nghị, các nhà lãnh đạo dường như còn ngập ngừng trong việc kí kết một cam kết chung. Phía Trung Quốc đã không đưa ra lời hứa nào về việc sẽ thực hiện hành động vì môi trường. Trong khi đó, Mỹ - với tư cách là một cường quốc - lại rút khỏi Thỏa thuận Paris, thỏa thuận giữa các quốc gia cùng nhau chống lại biến đổi khí hậu. Một số nước khác lại chỉ đưa ra những cam kết ngắn hạn tạm thời.

Thế giới đang trở nên nóng hơn nhanh hơn, Tổ chức Khí tượng thế giới đã kết luận trong báo cáo mới nhất hôm 21-9, nhấn mạnh nhiệt độ theo dõi trong 5 năm từ 2014-2019 đang đạt mức cao kỷ lục và tăng dần mỗi năm. Khí thải carbon dioxide, một trong những nguyên nhân chính gây nên sự nóng lên toàn cầu khi được bơm vào khí quyển, đang ở mức cao kỷ lục.

Mực nước biển đang dâng lên nhanh chóng. Lượng băng ở Bắc bán cầu đang tan nhanh và biến mất mỗi ngày. Cháy rừng nhiệt đới Amazon kéo dài hàng chục ngày cũng gây ảnh hưởng không nhỏ tới thế giới. Nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn 1,1 độ C so với thời điểm giữa thế kỷ 19 và với tốc độ nóng lên hiện tại, nhiệt độ trung bình toàn cầu sẽ cao hơn 3 độ C vào cuối thế kỷ này.

Các nghiên cứu cho thấy rằng nếu lượng khí thải vào không khí tiếp tục được duy trì với tốc độ hiện tại, số người cần viện trợ nhân đạo do hậu quả của thiên tai có thể tăng gấp đôi vào năm 2050. Và một báo cáo sâu rộng từ 13 cơ quan liên bang Hoa Kỳ năm 2018 đã cảnh báo, nếu không thể làm chậm lại quá trình nóng lên toàn cầu, khoảng 10% nền kinh tế Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng vào cuối thế kỷ này. Tuy nhiên, đứng trước những mối nguy hiểm rõ rệt như vậy, các nền kinh tế hàng đầu thế giới vẫn không thật sự coi trọng vấn đề môi trường khiến nhiều người thất vọng.

Người biểu tình vì môi trường bên ngoài thành phố New York, Mỹ

Động thái của các quốc gia

Có mặt tại Hội nghị, Tổng thống Donald Trump đã không phát biểu gì về vấn đề này. Điều này đã khiến nước Mỹ trở nên trái ngược với chính bản thân nó cách đây vài năm, khi Mỹ được xem là luôn nỗ lực thúc ép các quốc gia, trong đó có Trung Quốc, nhìn nhận và coi trọng vấn đề khí hậu và sự nóng lên toàn cầu. Còn tại thời điểm này, những gì Tổng thống Mỹ quan tâm dường như chỉ là việc phát triển nền kinh tế trong cuộc đua với Trung Quốc và các kế hoạch giúp ông tranh cử trong năm 2020.

Không những thế, Mỹ còn chia sẻ ý định rút khỏi Thỏa thuận Paris 2015 chống lại biến đổi khí hậu. Hành động này của Mỹ đã đi ngược lại hoàn toàn mục đích ban đầu của cuộc gặp thượng đỉnh. Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã bỏ qua một loạt những quy định về hạn chế khí thải nhà kính từ các phương tiện giao thông, nhà máy than, giếng dầu và khí đốt. 

Phía Trung Quốc, với tư cách một cường quốc lớn, cũng khiến nhiều người thất vọng khi không đưa ra bất kì lời hứa hẹn nào cũng như những mục tiêu cụ thể về việc chuyển đổi từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang một loại nguyên liệu khác thân thiện với môi trường hơn. Tuy nhiên, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nhấn mạnh, Trung Quốc vẫn đang tuân theo những thỏa thuận đã đặt ra ở Thỏa thuận Paris trong khi một số quốc gia khác (ám chỉ Mỹ) thì không hề thực hiện như đã cam kết. Tuy nhiên, động thái này của Trung Quốc đã cho thấy sự miễn cưỡng của Bắc Kinh trong việc thực hiện các hành động vì môi trường khi các quốc gia có nền kinh tế mạnh khác cũng không có ý định tương tự. 

Liên minh Châu Âu trong cuộc họp cũng không cho thấy ý định về việc cắt giảm nhanh chóng lượng khí thải công nghiệp như 2 cường quốc trên. Tuy nhiên, EU cũng phản đối và chỉ trích Mỹ sau khi ông Trump tiết lộ ý định rút khỏi Thỏa thuận Paris. Tuyên bố của Tổng thống Mỹ có nguy cơ sẽ gây ra sự đổ vỡ cho thỏa thuận tự do thương mại Mỹ - EU. Trước đó, các cuộc đàm phán về vấn đề này đã trở nên phức tạp bởi sự khác biệt sâu sắc về chính sách nông nghiệp và các mối đe dọa áp thuế của Mỹ lên các bộ phận ô tô từ châu Âu.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã phát biểu trước hội đồng (nhằm vào ông Trump) rằng: “Tôi không muốn thấy những cuộc đàm phán thương mại diễn ra với các quốc gia đi ngược lại Thỏa thuận Paris”. Còn Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho biết, nước ông sẽ tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo vào năm 2022, mà không đưa ra bất kỳ lời hứa nào để giảm sự phụ thuộc vào than. Tương tự Trung Quốc, Nga cũng cam kết sẽ tuân theo Thỏa thuận Paris, nhưng không chia sẻ ý định cắt giảm lượng khí thải từ ngành công nghiệp dầu khí vốn đang phát triển của cường quốc này. 

Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu năm nay vốn được đánh giá là một hội nghị quan trọng, song những thỏa thuận đạt được tại đây lại không mấy cụ thể và các quốc gia cũng chưa thật sự xem xét đây là một vấn đề nghiêm trọng.