Biến chứng của bệnh thành tích

ANTĐ - Tháng 10-2011, Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh bắt đầu thanh tra chuyên đề đầu năm học 2011-2012 ở tất cả các cấp học. Sở thành lập 3 đoàn thanh tra đến các đơn vị trường học chọn ngẫu nhiên và theo đơn thư phản ánh của phụ huynh học sinh.

Đừng “ép” trẻ chạy theo thành tích và phong trào của người lớn. Ảnh minh hoạ

Chị Huỳnh Thu Vân, phụ huynh học sinh lớp 5 trường Võ Trường Toản, phường Hiệp Thành, quận 12 tâm sự: Thông tin từ Ban phụ huynh học sinh lưu ý một chương trình lớn của trường là giải thưởng Lê Quý Đôn, đề nghị học sinh tham gia để lớp đạt danh hiệu tiên tiến. Để nhận được giải thưởng, học sinh phải là đội viên Đội Thiếu niên Tiền phong đạt học lực giỏi toàn diện cả cấp học, có tổng điểm kiểm tra cuối năm học 2 môn toán và tiếng Việt từ 19,5 trở lên… Đây là yêu cầu khó với một số học sinh trung bình, hiếu động, nên có ý kiến phản đối. Lập tức thầy giáo chủ nhiệm yêu cầu, phụ huynh nào không muốn con em tham gia thì nói rõ lý do… Thế là im lặng hết.

Anh Trần Đức Thiện, phụ huynh học sinh lớp 3 trường tiểu học Lam Sơn, quận Gò Vấp cho biết: “Vợ tôi là giáo viên tiểu học, có phương pháp dạy con học tốt nhưng cả năm học lớp 2, cháu thường chỉ được điểm 9, không nhiều điểm 10. Con tôi nói, trên lớp, cháu hiểu bài, hay xung phong phát biểu song cô giáo bảo chẳng… biết gì, học chưa đạt làm ảnh hưởng đến thành tích học tập chung của lớp. Lo lắng, năm học này, chúng tôi cho cháu đến nhà cô học thêm, mới qua 1 tháng, cháu viết chữ ẩu hơn, làm toán gạch tẩy nhiều hơn, trong khi điểm số lại tăng vọt…”.

Còn theo anh Vũ Văn Đức, phụ huynh học sinh trường tiểu học L.T.V có tiếng ở quận Gò Vấp, năm nào hội cha mẹ học sinh cũng vận động đóng tiền mua máy tính, tivi LCD để thầy dạy tốt hơn trên lớp, mua máy in để thầy in tài liệu phục vụ bài giảng… Nhưng khi hỏi con, cháu nói, thỉnh thoảng thầy mới chiếu vài hình ảnh so sánh cho bài học, còn tivi chủ yếu dùng để xem hoạt hình sau lúc… ngủ trưa. Số trang thiết bị đóng góp nhiều năm trước còn chưa sử dụng hiệu quả, thế mà năm nay, nhà trường đề nghị phụ huynh cùng nhà trường tiếp tục mục tiêu xây dựng trường chuẩn quốc gia, cố gắng hoàn thiện thư viện điện tử, quyên góp mua thêm 15-20 máy vi tính, yêu cầu các cháu mỗi tuần đóng góp vào tủ sách 1 quyển truyện mới, rồi ủng hộ cây xanh để trường thêm đẹp, thân thiện… Trong khi đó, các cháu không được phép đi học muộn quá 5 phút, nhất là thứ hai chào cờ. Đáng chú ý, cô chủ nhiệm còn nhắc, nếu cháu nào đi muộn, bố mẹ chịu khó cho con đứng ngoài, hoặc đi lang thang ăn uống… chờ qua giờ kiểm tra nội quy thì cho cháu vào lớp, tránh bị phát hiện lỗi, lớp sẽ bị trừ điểm.

Chị Lê Thị Hoa, phụ huynh học sinh trường tiểu học Phú Lâm, đường Tân Hòa Đông, quận 6 cho biết, hàng ngày các cháu học xong đều mang sách vở về, duy chỉ có vở chính tả, cô giáo bảo phải để lại lớp để trình BGH và các đoàn kiểm tra. Các cháu khi viết vào quyển vở này, nếu chẳng may viết sai, viết bẩn, cô giáo lập tức nổi giận xé toạc trước mặt học sinh, sau đó bắt học sinh phải viết lại đến bao giờ đạt yêu cầu mới thôi. “Khi nghe con tâm sự, tôi đã lén đến lớp, có khoảng 4-5 cháu ngồi xổm, kê vở lên một chiếc ghế ở góc lớp để viết trong giờ… ngủ trưa. Tất nhiên “vở sạch chữ đẹp” sau mỗi kỳ, cô giáo chủ nhiệm lại mang vở ra “khoe” với các bố, các mẹ, ai chẳng sung sướng, tự hào khi thấy chữ con mình đẹp, vở con mình sạch… Nhưng các con còn quá bé để có thể hiểu và đánh giá được ý nghĩa của những việc làm như thế này”, chị Hoa nói.

Chuyên gia tâm lý Phạm Thị Thúy - Trung tâm tư vấn Hội LHPN TP.HCM cho rằng, rất nhiều trường ở TP.HCM phát động phong trào nuôi heo đất giúp các bạn nghèo, đây là việc làm tốt song cách thực hiện lại… có vấn đề. Hàng tuần, giáo viên thường xuyên nhắc học sinh, em nào quên không đóng tiền hoặc đóng ít, liền bị cô giáo phê bình là không tích cực tham gia phong trào, “lớp mình thua các lớp khác” sẽ ảnh hưởng đến thành tích chung cuối kỳ…  Cha mẹ chạy theo thành tích học tập của con đã mệt rồi, giờ còn phải chạy theo thành tích của các phong trào nữa, chịu hết nổi! Nhưng không tham gia, con em họ có thể bị cho là “cá biệt” vì đã khiến cả lớp mất danh hiệu, có thể làm ảnh hưởng đến thành tích của thầy cô, nên chỉ vài lời trách móc vô cớ, sẽ dễ để lại dấu ấn không đẹp trong tâm hồn trẻ. Bệnh thành tích thế này thì biến chứng nặng quá mất thôi!