Biến chủng Covid-19 ở Ấn Độ đáng lo ngại đến mức nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Biến chủng B.1.617 được cho là nguyên nhân gây ra làn sóng thứ hai hoành hành làm chết hơn 3.000 người, hàng trăm nghìn ca nhiễm mỗi ngày ở Ấn Độ. Các bác sĩ ở Ấn Độ nói rằng biến thể chủng Covid-19 ở nước này “dễ lây nhiễm hơn và có thể gây tử vong nhiều hơn” so với các chủng trước đó. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, “cơn bão liên hoàn” của sự chủ quan, thiếu các biện pháp giãn cách xã hội cộng với biến thể mới siêu lây nhiễm là những nguyên nhân gây ra thảm họa ở Ấn Độ.
Chủng B.1.617 gây ra đợt dịch bệnh Covid-19 lần thứ hai tán phá khắp Ấn Độ

Chủng B.1.617 gây ra đợt dịch bệnh Covid-19 lần thứ hai tán phá khắp Ấn Độ

B.1.617 có gây tử vong nhiều hơn không?

Mặc dù số người chết ngày càng tăng và cảnh các thi thể bệnh nhân Covid-19 được hỏa táng ngay trong các bãi đỗ xe, các nhà khoa học khẳng định vẫn chưa có bằng chứng chắc chắn rằng biến thể Ấn Độ có khả năng gây tử vong cao hơn các chủng cũ. Theo các nhà nghiên cứu, dân số đông đúc, mật độ dày đặc của Ấn Độ đang che khuất mức độ nguy hiểm của biến thể này.

B.1.617 có 13 đột biến nhưng hai đột biến mà các nhà khoa học quan tâm nhất là E484Q và L452R, cả hai đều sinh ra trên protein “đột biến” mà virus sử dụng để bám vào tế bào người. Các nhà khoa học đã phát hiện ba phiên bản khác nhau của chủng này - được gọi là B.1.617.1, B.1.617.2 và B.1.617.3 - có các đột biến rất khác nhau. Nhưng tất cả đều dùng chung E484Q và L452R. Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy hai thay đổi đó có thể làm cho virus dễ lây truyền hơn và giúp nó tránh được một số kháng thể - một phần quan trọng của phản ứng miễn dịch Covid-19 của cơ thể. Nhưng không có đột biến nào của nó xuất hiện để làm cho virus gây chết người nhiều hơn, tuy nhiên, nếu nó có thể lây nhiễm cho nhiều người hơn thì số người chết cũng sẽ tăng lên.

Giáo sư Lawrence Young, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Warwick cho biết, chưa thể khẳng định được biến thể ở Ấn Độ gây chết người nhiều hơn các biến thể khác của virus. Ở cấp độ rất cơ bản, không có lợi ích tiến hóa nào đối với việc Covid-19 tiến hóa để làm chết người nhiều hơn. Mục tiêu duy nhất của virus là lây lan càng nhiều càng tốt, vì vậy nó cần các cá thể còn sống và tiếp xúc với những người khác càng lâu càng tốt để đạt được điều này.

Nó có lây nhiễm nhiều hơn các chủng cũ không?

Theo các chuyên gia, đột biến L452R trước đây đã từng được phát hiện trong các biến thể ở California (Mỹ) và Đan Mạch, nhưng những biến thể này không phải là biến thể chiếm ưu thế. Đột biến E484Q của biến thể Ấn Độ rất giống với đột biến được tìm thấy ở các biến thể ở Nam Phi và Brazil, được gọi là E484K, có thể giúp virus né tránh các kháng thể và tăng khả năng lây nhiễm.

Giáo sư Young nói: “Cả E484Q và L452R đều đã được nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và chúng dường như dễ lây nhiễm hơn và có nhiều khả năng né tránh một số khía cạnh của phản ứng miễn dịch. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều điều cần nghiên cứu về biến thể này”. “Chính sự pha trộn là nguyên nhân cuối cùng dẫn đến việc lây truyền các bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp” - Tiến sĩ Clarke nói, đồng thời cho rằng, lý do duy nhất khiến nó trở nên mất kiểm soát ở Ấn Độ là bởi đây là nơi khởi nguồn nên có sự khởi đầu vượt trội so với các chủng khác mà ông tin là có độc lực hơn. Tuy nhiên, theo Giáo sư Paul Hunter, một nhà dịch tễ học từ Đại học East Anglia, việc thiếu dữ liệu ở Ấn Độ khiến chúng ta không thể theo dõi sự lây lan của B.1.617 hoặc nói chắc chắn mức độ lây nhiễm của nó cho đến thời điểm này.

Biến thể Ấn Độ có thể làm cho vaccine kém hiệu quả hơn không?

Đột biến E484Q được tìm thấy trên biến thể Ấn Độ rất giống với đột biến được tìm thấy ở các chủng Nam Phi và Brazil được gọi là E484K, có thể giúp virus né tránh các kháng thể. Theo phân tích của các cố vấn khoa học hàng đầu của Anh, biến thể Nam Phi được cho là làm cho vaccine kém hiệu quả hơn khoảng 30% trong việc ngăn ngừa nhiễm bệnh, nhưng không rõ tác dụng của nó đối với bệnh nặng. Biến thể P.1 của Brazil cũng được cho là làm suy yếu vaccine, tuy nhiên nhưng chính xác là bao nhiêu thì vẫn chưa rõ ràng.

Giáo sư Sharon Peacock thuộc Cơ quan Y tế Công cộng Anh, cho biết có bằng chứng “hạn chế” về tác dụng của E484Q đối với khả năng miễn dịch và vaccine. Một trong những chuyên gia hàng đầu về biến thể ở Anh, Tiến sĩ Jeffrey Barrett, Giám đốc Chương trình Sáng kiến gene Covid-19 tại Viện Wellcome Sanger, cho biết các đột biến của biến thể Ấn Độ không phải là cấp cao nhất. Biến thể này có một vài đột biến nằm trong số những đột biến mà theo ông nghĩ là quan trọng cần được theo dõi cẩn thận.

Tuy nhiên, các nhà khoa học khác đã suy đoán sự kết hợp của L452R và E484Q với nhau mang lại cho virus khả năng né tránh các kháng thể do hệ thống miễn dịch tạo ra. Giáo sư Ravi Gupta của Đại học Cambridge, một nhà vi sinh vật học lâm sàng cho rằng: “Có thể là B.1.617 làm giảm tính nhạy cảm với các kháng thể được tạo ra bởi các lây nhiễm trước đó và có thể đối với các phản ứng với vaccine - tuy nhiên, chúng tôi chưa biết chắc chắn”. “Như làn sóng dịch bệnh đầu tiên ở Ấn Độ cách đây hơn sáu tháng, những người bị nhiễm hiện có thể bị suy giảm phản ứng miễn dịch và nhiều khả năng bị tái nhiễm với một loại virus ít nhạy cảm hơn với phản ứng miễn dịch. Những người mắc bệnh nặng nhất có khả năng nằm trong nhóm nguy cơ cao không có miễn dịch, nói cách khác là chưa được tiêm chủng hoặc đã bị nhiễm bệnh trước đó, bao gồm cả những người bị ức chế miễn dịch phản ứng kém với tiêm chủng” - Giáo sư Ravi nói.

5 yếu tố dẫn đến làn sóng Covid-19 khủng khiếp tại Ấn Độ

Giáo sư Martin Hibberd, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm mới tại trường Y Nhiệt đới London cho biết có 5 yếu tố chính dẫn đến làn sóng thứ hai chết người. Thứ nhất, không có đủ giám sát để đưa ra những cảnh báo đầy đủ về sự gia tăng các ca nhiễm. Thứ hai là các ca lây nhiễm ở Ấn Độ là biến thể mới - và có thể một số biến thể đã tăng khả năng lây nhiễm. Thứ ba, đó là thiếu các biện pháp giãn cách xã hội, kiểm soát đi lại để phòng chống dịch bệnh. Thứ tư, trong khi Ấn Độ là nhà sản xuất vacine lớn nhất thế giới, nước này lại chưa có đợt triển khai tiêm chủng trên phạm vi rộng, có nghĩa là chỉ có 9% người dân được bảo vệ cho đến nay. Thứ năm, dịch bệnh đã cho thấy những yếu kém của hệ thống chăm sóc sức khỏe, không đủ khả năng để đối phó với làn sóng Covid-19 ngày càng gia tăng và lan rộng.