Bích họa trường tồn trong các ngôi đền ở Bagan

ANTĐ - Một trong những nét hấp dẫn đối với du khách khi đến thăm những ngôi đền cổ ở cố đô của Myanmar, thành phố Bagan là những bức tranh Phật được vẽ trên tường. 

Điều khiến những bức tranh này trở nên đặc biệt chính là ở chỗ chúng đã được vẽ và tồn tại bền bỉ với thời gian, thiên nhiên khắc nghiệt và sự tàn phá của chiến tranh, của con người trong suốt hơn 1.000 năm lịch sử. Đáng nói chất liệu để làm nên những bức tranh chỉ hoàn toàn được làm từ nguồn gốc thực vật, nhựa cây hoặc tro than…. mà thôi.

Những bằng chứng khảo cổ học và lịch sử đã chứng minh rằng nền mỹ thuật tại Myanmar cũng có lịch sử rất lâu đời. Bức tranh cổ xưa nhất hiện còn tồn tại ở Myanmar thuộc về kỷ nguyên Bagan, bắt đầu từ thế kỷ 11. Các bức tranh tường tại các ngôi đền là đặc trưng tín ngưỡng và hầu hết chủ đề tập trung vào Phật giáo, những chi tiết liên quan đến cuộc sống Phật giáo.

Phong cách vẽ trong tranh Bagan thể hiện sự ảnh hưởng mạnh mẽ của trường phái Tây Ấn giai đoạn đầu và của trường phái Verendra ở Bengal và Nepal giai đoạn trước. Nét đẹp của tranh cổ điển Myanmar nằm ở sự biến hóa trong đường nét. Những tranh tường của Bagan, hiện nằm trong những ngôi đền ở Nandamanya,   Phayathonezu, Thambula, và trong động Kyansitttha Umin vẫn còn rõ nét và sáng.

Tranh tường trong các ngôi đền ở Bagan vào cuối thế kỷ 12 và 13 sau công nguyên, nghệ thuật vẽ đã đạt đến đỉnh cao. Dưới thời trị vì của Vua Mindon (1853 – 1878), các họa sỹ Myanmar đã nhận được những lời mời chính thức, và hưởng đặc ân của triều đình để vẽ những bức tranh cho Hoàng gia và các ngôi đền.

Nghệ thuật bích hoạ, hoặc tranh vẽ trên tường tại các ngôi đền đã tô điểm cho vẻ đẹp các lăng tẩm, đền đài ở Bagan. Những ngôi đền có bích hoạ được bảo tồn nguyên vẹn nhất là Patothamya, Nagayon, Abeyadana và Nanpaya. Những bức tranh này cũng đã được Unesco công nhận là Di sản văn hóa thế giới và là một di sản không thể tách rời khỏi quần thể các ngôi đền Di sản thế giới tại Bagan.

Về kỹ thuật tạo nên những bức bích hoạ này, một họa sỹ vẽ tranh dân gian tại Bagan cho biết: Trước tiên, tường được vẽ với hỗn hợp vôi, rau và mỡ động vật, sau đó để khô trong vài ngày. Các hoạ sỹ bậc thầy vẽ phác thảo bằng phấn hoặc mực, sau đó hoạ sỹ sẽ tô màu với sự trợ giúp của người phụ việc. Màu sắc được trộn bằng hỗn hợp làm từ rau, thịt động vật (chủ yếu là mỡ) và các nguyên vật liệu sẵn có của địa phương. Các bức tranh không có phối cảnh xa gần, thay vào đó là sự linh hoạt trong đường nét và gam màu mạnh được sử dụng nhằm tạo nên sự sống động và hấp dẫn của các bức tranh. 

Thông thường bích hoạ mô phỏng một câu chuyện, câu chuyện này được kể lại bằng một bức nhiều cảnh, các cảnh lại được phân chia bằng những đường biên hoạ tiết cây cỏ, một vài khoảng trống được sử dụng để viết lời giải thích. Những chủ đề chủ yếu là các câu chuyện rất phổ biến trong cuộc sống hàng ngày thời kỳ đó.