Bia rượu mỗi thời

ANTD.VN - Người Việt uống rượu từ bao giờ chẳng ai biết cả. Văn bản cổ xưa nhất có nhắc đến sự ra đời của rượu là sách “Lĩnh Nam chích quái” vào đời Lê. Đại khái nói rượu có mặt từ buổi bình minh dựng nước. 

Bia rượu mỗi thời ảnh 1Cấp cứu người ngộ độc rượu tại Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội)

Chuyện rượu chè của người Việt không phải là thứ được ngợi ca. Chính sử có nhắc đến thường là nêu tên những vua quan đắm say tửu sắc hoặc những kẻ ăn chơi vô độ với lời phê phán không thương tiếc. Vì thế nên người Việt không bao giờ có một ông thần rượu giống như Bacchus của thần thoại Hy Lạp. Nhiều nhất cũng chỉ có anh Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao. Anh này là biểu tượng của thói nát rượu càn rỡ ở nông thôn một thời. 

Người Việt ở khắp 63 tỉnh thành trong cả nước đâu đâu cũng có rượu. Những địa phương miền Bắc có rượu ngon nổi tiếng cũng rất nhiều. Rượu Sán Lùng ở Lào Cai, rượu ngô Bản Phố ở Bắc Hà, rượu Vân Bún ở Bắc Giang, rượu làng Vân ở Bắc Ninh, rượu Chương Xá ở Hưng Yên, rượu Kiện Khê ở Hà Nam, rượu Lai Thành-Kim Sơn ở Ninh Bình… Giờ những thứ rượu này đã thành thương hiệu đặc sắc được sản xuất hàng loạt ở chính vùng đất sinh ra nó.

Người Hà Nội không có truyền thống nấu rượu. Hoặc giả là xưa kia cũng có nhưng đến thời thuộc Pháp bị cấm đoán rất ngặt nghèo. Thi sĩ Xuân Diệu từng là nhân viên “nhà đoan” (douane-Sở quan thuế) chuyên đi bắt rượu lậu. Thời ấy dân chúng thù ghét nhau thường bỏ bã rượu vào ruộng của nhau rồi đi báo “nhà đoan”. Phạt nặng cho đến tù tội là chuyện thường.

Không nấu rượu nhưng người Hà Nội luôn có rượu từ những vùng nổi tiếng trên miền Bắc mang về. Hà Nội sau tiếp quản 1954 chỉ có một nhà máy bia và một nhà máy rượu. Nhà máy bia trên đường Hoàng Hoa Thám được người Pháp xây dựng từ 1890 có tên là Hommel. Dân Hà Nội quen gọi là Nhà máy bia Ông Mền. Nhà máy rượu duy nhất lúc ấy nằm ở góc đường Nguyễn Công Trứ - Lò Đúc cũng được người Pháp xây dựng từ 1898 lấy tên hãng rượu Fontaine của Pháp.

Bia rượu mỗi thời ảnh 2Nhà văn Đỗ Phấn

Bia là thứ nước uống có cồn cao cấp đóng chai lúc ấy dân thường ít khi được dùng. Thực ra là nó cũng rất đắt, hiếm người đủ tiền mua. Phải đợi đến những năm 1966, 1967 năng suất bia hơi của nhà máy tăng lên người dân mới có cơ hội uống hàng ngày. Tuy nhiên nó vẫn chưa thể gọi là rẻ. Ba hào một cốc vại nửa lít trong khi một cân gạo mậu dịch có giá bốn hào. Đủ tiền uống bia đã là sang trọng dù rằng những cửa hàng bia hơi mậu dịch vô cùng nhếch nhác. Nhiều nơi bán ở vỉa hè chẳng có bàn ghế gì.

Đến cuối những năm chống Mỹ dù nhà máy bia tăng công suất cũng không còn đáp ứng được nhu cầu của dân Hà Nội nữa. Đã thấy người ta xếp hàng mua bia dài đến vài trăm mét. Bia phải bán kèm với những hàng hóa phế phẩm của mậu dịch. Lúc thì đôi dép nhựa trẻ em hai chiếc cùng chân phải. Có khi là vài quả bóng bàn thứ phẩm nhuộm màu cho trẻ con chơi…

Giờ thì bia rượu ê hề khắp phố. Chẳng còn cảnh xếp hàng chen chúc nữa. Hàng quán mở ra chi chít đến tận ngoại thành. Người uống bia rượu hình như cũng vì thế mà đông đảo lên. Thế nhưng đáng buồn là vẫn thỉnh thoảng có người chết vì uống phải rượu rởm. Thứ chưa từng thấy trong lịch sử uống rượu của người Hà Nội.

Rượu nhà máy chỉ có vài loại. Lúa Mới, Nếp Mới, rượu chanh, rượu cam nồng độ cồn khá cao. Dân uống rượu Hà Nội chẳng ưa chuộng lắm. Và cũng chỉ được mua bằng bìa mua hàng Tết mỗi năm một chai. Về sau đến lúc đủ rượu bán tự do thì hầu như chỉ còn những người sang Nga mua mang theo làm quà hai loại rượu Lúa Mới và Nếp Mới. Đó chính là vodka Việt nấu bằng gạo rất được người Nga ưa chuộng. Tất nhiên thời kỳ ấy Liên Xô cũng cấm rượu rất ngặt nghèo.

Đồ uống có cồn thông dụng nhất lúc bấy giờ là rượu trắng người ta tự nấu. Dân dã gọi là rượu “quốc lủi” để phân biệt với rượu “quốc doanh”. Tùy theo bài men và nguồn nước từng vùng sẽ cho ra thứ rượu đặc sắc của mình. Độ cồn nặng nhẹ tùy theo túi tiền của người mua.

Tất nhiên đến cuối cuộc chiến tranh, rượu cũng trở thành mặt hàng khan hiếm. Phần do Nhà nước cấm nấu vì vi phạm chính sách lương thực. Phần nữa cũng do hoàn cảnh thiếu thốn kéo dài đến hết thời bao cấp không còn nhiều người Hà Nội đủ tiền uống nó thường xuyên. Buôn bán rượu từ nông thôn ra Hà Nội là cả một nỗi gian nan không tả xiết. Đến mức nhà văn Nguyên Hồng từ Nhã Nam mỗi lần về Hà Nội xách theo chai rượu quê lỡ gặp quản lý thị trường phải giả vờ đấm chiếc lưng còng than thở đau xương luôn cần đến chai rượu thuốc ấy. Hình như bộ râu bạc của ông từ khi ngoài 40 tuổi cũng góp phần làm cho khuôn mặt già cả đáng tin hơn. 

Thanh niên mang rượu ở quê ra lỡ bị bắt phải dùng cách khác. Nhiều anh ngả can rượu ra uống tì tì trước mặt cán bộ thị trường để chứng tỏ rằng mình chỉ mua uống thôi. Chẳng buôn bán gì cả. Nhưng cũng có khi đã uống sẵn ngà ngà ở quê rồi không thể ních thêm dù một giọt. Vậy là mất trắng.

Dĩ nhiên Hà Nội vẫn có rượu. Vài anh láu cá buộc bịch nilon rượu trong áo mưa lòe xòe vẫn mang được ra Hà Nội. Cũng có kẻ lừa đảo buộc trong áo hai bịch như thế đi bán dạo. Một bịch rượu và một bịch nước có tí bỗng lờ lờ. Cho khách uống thử rượu thật nhưng khi bơm ra chai để bán luôn là rượu giả. Khách thấy vẫn chỉ một vòi thò ra khỏi ve áo không thể biết. Mắc lừa vô khối. Đám lừa đảo này cũng chỉ rộ lên được vài tháng là biến mất như chưa từng có mặt ở trên đời.

Những khi khan hiếm quá đã thấy có những tửu đồ ra hiệu thuốc mua về những chai rượu bổ Canhkina để uống độ nhật. Bí nữa có thể mua chai thuốc điều kinh của phụ nữ tên là “Cao ích mẫu” để thay vào. Vẫn còn sướng chán so với nước Nga bấy giờ nhiều người phải uống cả nước hoa thay rượu. 

Hết thời bao cấp, người Hà Nội vẫn uống rượu trắng vài năm nữa rồi bỏ hẳn. Không phải vì có rượu khác ngon hơn mà chỉ vì rượu quê đã bắt đầu được nấu gian dối và cho thêm khá nhiều hóa chất độc hại. Tửu đồ thấy tận mắt các tửu hữu lần lượt ra đi. Thế là kinh.

Giờ thì bia rượu ê hề khắp phố. Chẳng còn cảnh xếp hàng chen chúc nữa. Hàng quán mở ra chi chít đến tận ngoại thành. Rượu tây nhập khẩu có đến vài trăm loại tha hồ chọn. Giá cả thật ngạc nhiên luôn rẻ hơn ở chính quốc. Người uống bia rượu hình như cũng vì thế mà đông đảo lên. Thế nhưng đáng buồn là vẫn thỉnh thoảng có người chết vì uống phải rượu rởm. Thứ chưa từng thấy trong lịch sử uống rượu của người Hà Nội.

Tin đọc nhiều