Bị xử lý ra sao?

ANTĐ - Tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, một số ý kiến nhấn mạnh, phải thông qua Luật Đầu tư công để củng cố lòng tin của nhân dân vào chủ trương, chính sách của Nhà nước đã bị xói mòn trong lĩnh vực đầu tư công. Cần có chế tài với người quyết định chủ trương đầu tư sai, bởi đây là cái gốc của lãng phí, tham nhũng, kém hiệu quả. Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, quyết định chủ trương đầu tư và quyết định dự án đầu tư là hai việc khác nhau, cần quy định minh bạch. Tiêu chí để đưa ra Quốc hội, HĐND cấp tỉnh quyết định đầu tư cần quy định rõ trong luật.

Một trong những điểm “nóng” trong lĩnh vực đầu tư công là hàng loạt dự án tỷ đô đã rơi vào nhà thầu nước ngoài. Theo báo cáo mới nhất của Bộ Công Thương, từ năm 2003-2013, cả nước có 20 dự án nhiệt điện thì 15 dự án nằm trong tay tổng thầu Trung Quốc.

Hệ quả là tỷ lệ nội địa hóa của các nhà máy nhiệt điện chỉ đạt 7%. Nếu tính riêng các dự án do Trung Quốc làm tổng thầu thì tỷ lệ này gần như bằng 0%! Trong khi đó, các nhà máy thủy điện do các nhà thầu Việt Nam đảm đương, tỷ lệ nội địa hóa là 30%. Các doanh nghiệp trong nước có thể tự thiết kế, chế tạo thiết bị cho cả các nhà máy thủy điện lớn như Sơn La, Lai Châu với tỷ lệ nội địa hóa tới 40%. Rõ ràng là do chủ trương đầu tư và quyết định dự án đầu tư “có vấn đề”, chứ không do năng lực của doanh nghiệp Việt Nam thua kém.

Tương tự, trong 10 năm qua, trong ngành công nghiệp xi măng gây nhiều tai tiếng, ô nhiễm môi trường, cả nước có 24 nhà máy thì 23 nhà máy do nước ngoài đảm nhiệm từ tư vấn, mua sắm thiết bị, xây lắp. Với các dự án xi măng mà doanh nghiệp Trung Quốc làm tổng thầu, tỷ lệ nội địa hóa chỉ bằng 0%. Nhiều doanh nghiệp trong nước cũng như giới chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo, đã có rất nhiều dự án quy mô hàng trăm triệu USD, thậm chí cả tỷ USD đều do các công ty Trung Quốc trúng thầu.

Tại nhiều dự án, họ sử dụng triệt để hàng, thiết bị Trung Quốc, cả nhân công, thậm chí chở từ chiếc bu lông, ốc vít sang. Tổng giá trị các hợp đồng doanh nghiệp Trung Quốc giành được từ các cuộc đấu thầu trong 10 năm qua đã lên tới cả chục tỷ USD. Thủ tướng chính phủ đã có nhiều chỉ thị về việc sử dụng thiết bị trong nước với những dự án, gói thầu dùng ngân sách Nhà nước. Ngay cả khi doanh nghiệp nước ngoài trúng tổng thầu vẫn có thể chia thành các gói riêng như tư vấn, mua sắm, xây lắp để doanh nghiệp trong nước có thể tham gia. Tuy nhiên, việc thực thi còn hạn chế, thiếu nhất quán.

Chỉ thị 494/2010 của Thủ tướng Chính phủ căn cứ Luật Đấu thầu đã cấm các dự án dùng vốn Nhà nước đấu thầu quốc tế, nếu doanh nghiệp trong nước đáp ứng được. Hành lang pháp lý đã mở ra, vấn đề là do thực hiện không nghiêm chủ trương đầu tư và quyết định dự án đầu tư. Câu hỏi được đại biểu Quốc hội đặt ra là: người tham mưu sai, người quyết định sai sẽ bị xử lý ra sao?