Bí thư Thành ủy Hà Nội: Xử lý nghiêm vi phạm an toàn thực phẩm, không để "nhờn" luật

ANTD.ViN -  Chiều 9-3, UBND TP Hà Nội đã tổ chức Hội nghị Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm (ATPP) Hà Nội. Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đặc biệt nhấn mạnh, cần xử lý nghiêm các vi phạm ATTP; không để “nhờn” luật bởi những việc liên quan trực tiếp đến sức khỏe người dân thì không có cơ hội để làm lại...

Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải yêu cầu mạnh tay xử lý các vi phạm an toàn thực phẩm

Năm 2016, công tác đảm bảo ATTP đã được các cấp, ngành thành phố triển khai nghiêm túc. Các lực lượng chức năng đã kiểm tra 102.644 lượt cơ sở, phát hiện 16.521 cơ sở vi phạm ATTP, phạt tiền 4.985 cơ sở với số tiền trên 28 tỷ đồng. 

Còn nhiều bất cập

Tuy nhiên, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền cho biết qua kiểm tra, cũng có nơi Chủ tịch UBND xã phường chưa thường xuyên đi kiểm tra như chỉ đạo của thành phố, vào cuộc chưa quyết liệt; xử lý vi phạm chưa mạnh mẽ, chủ yếu là nhắc nhở.

Để truy xuất nguồn gốc thực phẩm, Giám đốc Sở Công Thương Lê Hồng Thăng cho biết, sở đã mời các doanh nghiệp cùng chính quyền địa phương họp bàn để hình thành chuỗi phân phối tuy nhiên các chuỗi này chưa nhiều. Sở  Công Thương đã 2 lần gửi công văn đến các quận huyện đề nghị rà soát xem có doanh nghiệp sản xuất nào khó khăn để giúp đỡ nhưng đến nay vẫn không nhận được phản ánh của doanh nghiệp nào.

Về việc bảo quản thực phẩm, lực lượng Quản lý thị trường cho biết, qua kiểm tra các kho thực phẩm, có tình trạng để tiết kiệm điện, doanh nghiệp không đảm bảo chế độ bảo quản ở mức -18 độ C khiến chất lượng thực phẩm không đảm bảo. Đại diện lực lượng Quản lý thị trường cũng cho biết, có tình trạng quay vòng hoá đơn để hợp thức hoá nguồn gốc hoa quả ở đầu mối Long Biên...

Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu cho rằng, việc xử phạt hành chính với các vi phạm ATTP hiện nay chưa thực sự hiệu quả, vì phạt xong doanh nghiệp vẫn hoạt động, tiền phạt lại được tính vào giá sản phẩm, người dân phải gánh...

Lơi một ngày là hỏng

Trong công tác đảm bảo ATVSTP, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải chỉ rõ điểm yếu nhất hiện nay là việc tuyên truyền với người tiêu dùng chưa hiệu quả. “Làm sao để người tiêu dùng tẩy chay không ra đi chợ cóc thì mới hết tình trạng dẹp rồi lại tái diễn. Cơ quan chức năng đã đưa ra danh sách các cơ sở kinh doanh đủ điều kiện ATTP hay các cơ sở vi phạm lên mạng nhưng người dân đã đọc nhiều chưa? Chúng ta cần chú trọng công tác này, để đưa thông tin đầy đủ, cần thiết đến với người dân”, Bí thư Thành ủy nói.

Nhấn mạnh việc kiểm tra nguồn gốc xuất xứ thực phẩm theo chuỗi là cách làm đúng, Bí thư Thành ủy yêu cầu các sở ngành phải có kế hoạch cụ thể từng việc một. Lấy dẫn chứng về việc hàng hoá vào chợ đầu mối phải có dán tem, Bí thư Thành ủy đặt câu hỏi: Tem ở đâu? Ai dán? Có đảm bao không? Đơn vị nào được phép dán tem... Bí thư Thành ủy nói: “Chúng ta đang duy trì 60 chuỗi là rất tốt, nhưng chỉ cần lơi một ngày là hỏng ngay. Cần có những đầu việc cụ thể, chỉ rõ trách nhiệm”

Nhắc nhở việc phải quy rõ trách nhiệm trách nhiệm của các Ban quản lý chợ vì công tác đảm bảo ATTP chỉ thực sự tốt khi các chợ đầu mối hoạt động nghiêm chỉnh, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh việc phải xử lý nghiêm các vi phạm, không để sai phạm lặp đi lặp lại. “Người kinh doanh không đủ điều kiện hoạt động thì phải rút giấy phép kinh doanh vĩnh viễn, đây là lĩnh vực liên quan trực tiếp đến sức khỏe người dân, không thể có cơ hội làm lại”, Bí thư Thành uỷ nhắc nhở.

Tra nguồn gốc thực phẩm bằng smartphone

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, Trưởng ban chỉ đạo công tác ATTP đề nghị các đơn vị quán triệt nghiêm túc và triển khai ngay các phần việc cần thiết. Chủ tịch UBND TP cho biết trong thời gian tới, thành phố sẽ làm bằng được việc dán tem xuất xứ các loại thực phẩm để người dân có thể kiểm tra bằng smartphone.

Bên cạnh đó, các sở ngành cần phối hợp chặt chẽ với các quận huyện xử lý nghiêm, kiên quyết dẹp bỏ chợ cóc; làm tốt công tác quản lý vỉa hè, tuyên truyền tới người dân. Với các chợ truyền thống, thành phố sẽ rà soát lại các chợ này, bỏ kinh phí sửa chữa, chỉnh trang lại trong 2017 để đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm. Đặc biệt, trong lúc chờ đợi kêu gọi đầu tư xã hội hoá các khu giết mổ công nghiệp, chính quyền địa phương cần kiểm tra thường xuyên các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, tuyệt đối không để tình trạng mất vệ sinh...

Trước tình trạng mới có 24,5% cơ sở kinh doanh thực phẩm được cấp phép, Chủ tịch UBND TP yêu cầu các sở ngành cần kiểm tra, hướng dẫn cấp phép với các cơ sở đủ điều kiện. Những cơ sở không đủ điều kiện thì phải dừng hoạt động, thống kê danh sách công bố công khai để người dân biết và giám sát. Cùng đó, cần phố biến kiến thức cơ bản nhất để người dân phát hiện các thực phẩm không đảm bảo ATTP.