Bí thư Thành ủy Hà Nội lý giải việc “mở cửa từng bước”, cảnh báo tâm lý chủ quan

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trao đổi với báo chí, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã lý giải việc vì sao thành phố phải thận trọng mở cửa từng bước, đồng thời cảnh báo tâm lý nhiều người dân còn rất chủ quan.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 tại quận Hoàng Mai

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 tại quận Hoàng Mai

Đầu tiên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, thành phố sẽ đi từng bước chắc chắn để thiết lập trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh.

Nguyên tắc nhất quán trong phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố Hà Nội là thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương, coi bảo vệ sức khỏe, an toàn tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết.

Theo Bí thư Thành ủy, nhờ thực hiện quyết liệt và có hiệu quả công tác phòng chống dịch thời gian qua, từ 16-9, thành phố quyết định nới lỏng một số hoạt động. Đến ngày 21-9 tiếp tục nới lỏng thêm một số hoạt động nữa…

Mới đây nhất, ngày 28-9, Hà Nội đã cho phép thêm hoạt động thể dục, thể thao ngoài trời (nhưng không được tập trung quá 10 người), cho mở toàn bộ trung tâm thương mại (các cửa hàng ăn uống chỉ được phép bán mang về) và cửa hàng may mặc, thời trang, hóa mỹ phẩm.

“Sở dĩ phải mở từng bước, thận trọng như vậy vì nguy cơ dịch vẫn còn, biến chủng mới của Covid-19 rất nguy hiểm, khó lường, có tốc độ lây lan nhanh; trong khi tỷ lệ tiêm vaccine mũi 2 còn rất thấp, chưa tạo được miễn dịch cộng đồng và phải chờ nguồn phân bổ vaccine từ Bộ Y tế” – đồng chí Đinh Tiến Dũng lý giải.

Đặc biệt, Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu rõ, tâm lý một bộ phận người dân còn rất chủ quan. Mặc dù thành phố cho phép hoạt động thể dục, thể thao ngoài trời với yêu cầu không được tập trung quá 10 người, nhưng nhiều nơi công cộng đã có hiện tượng tụ tập đông người, một số người còn không đeo khẩu trang.

Để bảo vệ vững chắc thành quả chống dịch của Thủ đô, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đề nghị mỗi người dân Thủ đô tiếp tục chung sức, đồng lòng cùng thành phố, tự giác thực hiện nghiêm “5K”, quét mã QR khai báo y tế khi đến các cơ sở kinh doanh, dịch vụ, không tụ tập quá 10 người nơi công cộng...

Qua kiểm tra và phản ánh của báo chí, người dân, có tình trạng thực hiện không nghiêm ở một số địa phương, chẳng hạn cửa hàng dịch vụ ăn uống chỉ được bán hàng mang về nhưng vẫn cho khách ngồi ăn uống tại chỗ.

“Thế nên, tôi đề nghị các quận, huyện, thị xã phải chỉ đạo thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh ngay. Các cửa hàng phải ký cam kết chấp hành nghiêm quy định của thành phố và các biện pháp phòng, chống Covid-19. Vì chỉ cần một chút lơ là, dịch bùng phát trở lại thì thành quả sẽ mất” – Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Một vấn đề đang được quan tâm là chủ trương phục hồi kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp của thành phố Hà Nội như thế nào?

Trao đổi về nội dung này, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, mặc dù thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố, nhưng Hà Nội không đóng cửa siêu thị, chợ dân sinh, cửa hàng tiện ích mà chỉ điều chỉnh lại hoạt động để bảo đảm phòng, chống dịch.

Nhờ đó, việc cung cấp nhu yếu phẩm, thuốc chữa bệnh trong 60 ngày giãn cách vừa qua không bị đứt gãy; duy trì hoạt động thương mại, bảo đảm sản xuất một số ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp...

Đồng thời, thành phố cũng đã triển khai tổ chức sản xuất an toàn, ổn định ở “vùng xanh” để cung ứng hàng hóa cho “vùng đỏ”; tổ chức cho người dân thu hoạch rau màu, vụ lúa hè thu...

“Chủ trương của thành phố là an toàn đến đâu mở ra đến đó; vừa mở, vừa thăm dò, đánh giá, không mở ồ ạt. Chống dịch để sản xuất và sản xuất để phục vụ chống dịch” – Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định.

Về các nhiệm vụ trọng tâm tới đây, người đứng đầu Đảng bộ Hà Nội lưu ý 3 vấn đề. Đầu tiên vẫn phải là tiếp tục nâng cao ý thức phòng, chống dịch của người dân, doanh nghiệp. Thứ hai, tiếp tục nâng cao năng lực của hệ thống y tế từ thành phố xuống cơ sở.

Thứ ba, tiếp tục kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế tạo điều kiện phân bổ vaccine để trong tháng 10-2021 cơ bản tiêm phủ mũi 2 cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên đã tiêm mũi 1; chuẩn bị sẵn sàng triển khai tiêm chủng cho người dân dưới 18 tuổi khi có vaccine và hướng dẫn của Bộ Y tế.