Bí thư cấp ủy - Tư lệnh đích thực trong “cuộc chiến” khốc liệt với dịch Covid-19 (Bài 5): Phép thử đặc biệt năng lực, trách nhiệm người đứng đầu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Qua câu chuyện chúng tôi ghi lại ở các kỳ báo trước, độc giả phần nào thấy được tính chất phức tạp, khốc liệt, khó lường của đại dịch Covid-19. Đằng sau thành quả chúng ta đã đạt được hôm nay là nỗ lực không biết mệt mỏi của cả hệ thống chính trị mà ở đó, Bí thư cấp ủy thực sự trở thành “tổng chỉ huy” trong mọi “trận đánh”.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với thành viên Tổ Covid-19 cộng đồng ở quận Hoàng Mai (Hà Nội)

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với thành viên Tổ Covid-19 cộng đồng ở quận Hoàng Mai (Hà Nội)

Để có cái nhìn toàn diện hơn về vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong “cuộc chiến” chống Covid-19 cũng như trong tất cả công việc trên địa bàn quản lý; đồng thời làm rõ nguyên nhân và giải pháp trị “căn bệnh” làm việc “lơ mơ”, hời hợt, qua loa, đại khái đang tồn tại ở một bộ phận cán bộ, Đảng viên hiện nay, nhất là ở vị trí lãnh đạo, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương.

Chủ trương đúng đắn, cấp thiết

- PV: Trong “cuộc chiến” chống Covid-19, Thường trực Ban Bí thư yêu cầu: “Người đứng đầu cấp ủy trực tiếp chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh tại địa phương, chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các hoạt động phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn, phạm vi quản lý”. Đồng chí đánh giá thế nào về định hướng đặc biệt quan trọng này?

- Đồng chí Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương: Là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội, sự lãnh đạo của Đảng đương nhiên có tính thống nhất trên mọi lĩnh vực. Trong cuộc chiến chống Covid-19, Đảng, Nhà nước ta xác định dịch bệnh như một loại “giặc”, từ đó nhanh chóng đưa ra các chỉ đạo, kích hoạt sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với tinh thần “Chống dịch như chống giặc”.

“Tôi muốn nhấn mạnh rằng, khẩu hiệu “Chống dịch như chống giặc” là phương châm hành động thể hiện quyết tâm cao nhất tiêu diệt “kẻ thù” (đẩy lùi dịch bệnh).

Bộ Chính trị, Ban Bí thư đưa ra yêu cầu “người đứng đầu cấp ủy trực tiếp chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh tại địa phương chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các hoạt động phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn, phạm vi quản lý” là chủ trương hoàn toàn đúng đắn và cấp thiết trong tình hình mới.

Điều này xuất phát từ thực trạng một số địa phương, bộ, ngành đã có biểu hiện lơ là, chủ quan, không thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo chỉ đạo và khuyến cáo của các cơ quan chức năng ở thời điểm đó.

“Sự gương mẫu của người đứng đầu, trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ và đạo đức, lối sống - chính là tấm gương sáng góp phần tạo niềm tin, truyền cảm hứng, động viên tinh thần sâu rộng tới mọi tầng lớp nhân dân. Người đứng đầu gương mẫu, quyết liệt, làm đến nơi đến chốn thì cơ quan, tổ chức, đơn vị đó sẽ phát triển. Ngược lại, người đứng đầu “lơ mơ”, hời hợt thì dễ để xảy ra sai sót, hiệu quả công việc không cao”.

Đồng chí Nguyễn Đức Hà (Nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương)

Việc xác định trách nhiệm người đứng đầu trong phòng, chống dịch Covid-19 cũng thể hiện nguyên tắc thống nhất, xuyên suốt của Đảng “Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”; “Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, giới thiệu những đảng viên ưu tú có đủ năng lực và phẩm chất vào hoạt động trong các cơ quan lãnh đạo của hệ thống chính trị. Đảng lãnh đạo thông qua tổ chức đảng và đảng viên hoạt động trong các tổ chức của hệ thống chính trị, tăng cường chế độ trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu”.

- Như đồng chí vừa đề cập, có tình trạng một số địa phương, bộ, ngành lơ là, chủ quan, không thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch. Mới đây, qua kiểm tra trực tiếp, Thủ tướng Chính phủ phát hiện, có địa phương chưa kịp kiện toàn vị trí Bí thư hoặc có Bí thư nhưng lại “lơ mơ”, không nắm chắc việc dẫn tới hiệu quả công việc thấp. Đồng chí nhận định thế nào từ những câu chuyện này?

Ở bất kỳ giai đoạn nào, người đứng đầu cấp ủy có vai trò rất quan trọng, là người định ra đường lối phát triển, tổ chức triển khai mọi hoạt động của đảng bộ, chi bộ theo Nghị quyết của Đảng; lãnh đạo việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ tại địa bàn mình quản lý. Trong “cuộc chiến” chống Covid-19, vai trò của người đứng đầu càng quan trọng hơn bất cứ lúc nào. Họ chính là “tư lệnh”, là “linh hồn” của toàn bộ chiến dịch.

Thời gian qua, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước đã chỉ đạo rất sâu sát, quyết liệt nên công tác phòng, chống dịch đã thu được kết quả rất khả quan. Mặc dù, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư bùng lên đã gây ra những tổn thất rất nặng nề về kinh tế - xã hội, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, tính mạng của người dân. Chúng ta đã sống trong một thời gian giãn cách xã hội kéo dài. Vất vả vô cùng! Khó khăn vô cùng! Nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đến nay, chúng ta đã cơ bản kiềm chế được dịch bệnh và từng bước nới lỏng giãn cách xã hội, phục hồi phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, bên cạnh những tấm gương rất sáng, chủ động, sáng tạo với những biện pháp hay, cách làm mới thì vẫn còn có nơi bộc lộ nhiều sơ hở, thiếu sót. Bí thư cấp ủy lơ là, chủ quan, không nắm rõ tình hình dịch bệnh trong lúc “nước sôi lửa bỏng” hay ca trực thiếu người lãnh đạo chính là biểu hiện của việc thiếu trách nhiệm.

Là người được giao trách nhiệm lãnh đạo địa phương ở tất cả mọi mặt, mà trong giai đoạn cao điểm chống dịch lại không sâu sát thì chỉ huy thể nào được? Cổ nhân đã nói “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”. Ý thức phòng, chống dịch của người dân liên quan mật thiết đến trách nhiệm của cấp ủy. Người đứng đầu cấp ủy còn “lơ mơ” thì tuyên truyền, kiểm tra, giám sát người dân thế nào?

Một nhân viên y tế với ngọn cờ chiến thắng trong thời điểm dỡ bỏ phong tỏa y tế ở ngõ 328-330 Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) vào 0h ngày 29-9-2021

Một nhân viên y tế với ngọn cờ chiến thắng trong thời điểm dỡ bỏ phong tỏa y tế ở ngõ 328-330 Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) vào 0h ngày 29-9-2021

Không cho phép “lơ mơ”, qua loa, đại khái...

- Vậy theo đồng chí, đâu là nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, do cán bộ không đủ năng lực chỉ đạo, điều hành hay còn lý do nào khác? Làm thế nào để khi quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo cấp ủy, chúng ta hạn chế tối đa được tình trạng “ngồi nhầm chỗ” này, thưa đồng chí?

- “Né tránh trách nhiệm, thiếu trách nhiệm, trung bình chủ nghĩa, làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả...” là 1 trong số 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ mà Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã chỉ ra. Như vậy, có thể khẳng định, câu chuyện người đứng đầu cấp ủy ở chỗ này, chỗ kia còn “lơ mơ” trong phòng chống dịch là do bản thân cán bộ thiếu tu dưỡng, rèn luyện, thiếu tinh thần trách nhiệm.

“Bình tĩnh, thận trọng không có nghĩa là độc đoán, bảo thủ. “Thành trì” chống dịch hôm nay có thể là “rào cản” kìm hãm sự phát triển kinh tế ngày mai. Ở cương vị người đưa ra quyết sách, Bí thư cấp ủy cần có sự quyết đoán dựa trên cơ sở trí tuệ, khoa học chứ không phải quyết đoán theo kiểu độc đoán”.

Đồng chí Nguyễn Đức Hà (Nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương)

Tuy vậy, xét toàn diện, không thể phủ nhận trách nhiệm của cấp ủy cơ sở. Bàn về đánh giá cán bộ, Đảng ta vẫn luôn khẳng định “đánh giá cán bộ là một khâu khó và yếu nhất hiện nay”. Khách quan mà nói, không ai muốn chọn sai cả đâu! Nhưng nhìn người, chọn người là vấn đề cực khó. Về mặt lý luận, việc đánh giá cán bộ không thể chỉ căn cứ vào những biểu hiện bên ngoài mà phải đi sâu tìm hiểu bản chất của họ. Tuy nhiên, chúng ta không thể biết được suy nghĩ trong đầu mỗi người nên có thể bị lừa bởi sự “khéo léo che đậy” hay “động tác giả” của họ.

Cũng phải nói thêm, lựa chọn cán bộ nói chung, lãnh đạo cấp ủy nói nêng để phát huy hết sở trường không phải là vấn đề đơn giản. Bố trí sai cán bộ, hậu quả rất lớn, nếu bố trí sai người đứng đầu thì hậu quả khôn lường. Thực tế vừa qua, khi xử lý những đại án tham nhũng kinh tế cho thấy, chúng ta có thể tính toán được thiệt hại, thất thoát bằng tiền, nhưng mất mát về cán bộ thì không thể đong đếm được.

Để hạn chế tối đa tình trạng “ngồi nhầm chỗ”, tôi cho rằng việc bổ nhiệm cán bộ cần phải xuất phát từ yêu cầu cách mạng, việc lựa chọn cán bộ ở giai đoạn nào phải phục vụ nhiệm vụ cách mạng ở giai đoạn đó, dựa trên nguyên tắc đúng người, đúng việc.

Tất nhiên, cùng với việc lựa chọn đúng, cũng phải có cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả. Chúng ta đã có những bài học rất đau lòng về việc chọn được cán bộ giỏi, phát huy rất tốt năng lực, sở trường, được khen tặng, suy tôn anh hùng nhưng sau đó, chỉ vì buông lỏng, thiếu kiểm soát mà dính kỷ luật, thậm chí bị xử lý bằng pháp luật.

Đồng chí Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương

Đồng chí Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương

- Không chỉ trong phòng, chống dịch Covid-19, Bí thư cấp ủy còn là người chịu trách nhiện toàn diện về mọi mặt công tác ở địa bàn, nếu cái gì cũng “lơ mơ”, thiếu tinh thần trách niệm thì rất nguy hiểm. Vậy làm thế nào để siết lại vai trò của người đứng đầu cấp ủy ở các địa phương, đơn vị, chúng ta đã có đủ các quy định về việc này hay chưa, thưa đồng chí?

- Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng công tác cán bộ. Người cho rằng: “Cán bộ là cái gốc của mọi việc”; “muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Thấm nhuần lời dạy của Bác, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh: “Xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt thì công tác cán bộ là then chốt của then chốt”. Trong những năm gần đây và trong nhiệm kỳ Đại hội XII vừa qua, Đảng ta đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, trong đó chú trọng nhất là công tác cán bộ. Chưa có một nhiệm kỳ Đại hội nào, Ban Chấp hành Trung ương ban hành tới 4 Nghị quyết và 1 Quy định về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng ban hành trên 120 văn bản gồm: Nghị quyết, Chỉ thị, quy định, quy chế, quy trình, kế hoạch, hướng dẫn... về công tác xây dựng Đảng, trong đó có nhiều văn bản về công tác cán bộ.

Từ thực tiễn nhiệm kỳ Đại hội XII, Đảng ta đã rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu về vấn đề xây dựng, bồi dưỡng người đứng đầu. Chính vì thế, Đại hội lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh: “Phải xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”.

Sự gương mẫu của người đứng đầu cả về thực hiện chức trách, nhiệm vụ và đạo đức, lối sống chính là tấm gương sáng góp phần lan tỏa, truyền cảm hứng, động viên tinh thần sâu rộng trong toàn xã hội. Ngược lại, nếu chỉ một vài người trong đội ngũ này có vi phạm dù vi phạm ở mức độ nào, cũng sẽ gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng.

Mặc dù trong sinh hoạt Đảng, chúng ta có những quy định rất chặt chẽ về thực hiện phê bình và tự phê bình về kiểm tra, giám sát. Nhưng thực tế thời gian qua cho thấy, đã có những tổ chức đảng bị kỷ luật do để người đứng đầu chính quyền và cán bộ vi phạm đến mức bị khởi tố. Vì thế, để siết lại vai trò của người đứng đầu thì khi bố trí công việc cần gắn với trách nhiệm.

Phong cách điều hành, quản trị sâu sát cơ sở của lãnh đạo cấp cao như Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội rất cần thiết. Lâu nay, chúng ta vẫn còn bệnh hình thức nên mới có tình trạng “làm thì láo, báo cáo thì hay”. Chủ trương của Đảng là sâu sát thực tiễn, bám sát cơ sở nên cần phải từ cơ sở đi lên. Nếu cơ sở làm không tốt mà vẫn báo cáo tốt thì kết quả sẽ nặng tính hình thức. Những chuyến “vi hành” kiểm tra đột xuất sẽ giúp lãnh đạo cấp trên phát hiện những sơ hở, thiếu sót của cấp dưới để điều chỉnh cho phù hợp.

Từ nghiên cứu lý luận đến tổng kết thực tiễn, chúng ta thấy rằng, không phải cứ quy định đầy đủ thì không có sai phạm. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng đề cập đến việc tiếp tục hoàn thiện thể chế về kiểm soát quyền lực, nhất là quyền lực của người đứng đầu, đặc biệt là phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân. Điều đó cho thấy, Đảng đã nhìn ra hướng giải quyết, vấn đề đặt ra là tổ chức thực hiện như thế nào mà thôi.

Cán bộ, Đảng viên phải gần dân, luôn hướng về cơ sở (Trong ảnh: Cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Ứng Hòa, Hà Nội xuống đồng cứu lúa giúp dân trong thời gian Hà Nội giãn cách xã hội)

Cán bộ, Đảng viên phải gần dân, luôn hướng về cơ sở (Trong ảnh: Cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Ứng Hòa, Hà Nội xuống đồng cứu lúa giúp dân trong thời gian Hà Nội giãn cách xã hội)

Tư lệnh giỏi không có chuyện “nói hay, làm dở”

- Nhìn từ bài học về phòng, chống dịch Covid-19, có thể thấy tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác dễ dẫn đến hậu quả khó lường. Theo đồng chí, chúng ta phải nghiên cứu loại “vaccine” nào để phòng, chống căn bệnh làm việc hời hợt, nắm chủ trương không chắc, không rõ, thực thi nhiệm vụ không đến nơi đến chốn, chất lượng, hiệu quả công việc không đạt yêu cầu của một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay?

- Xuất phát từ thực tế, lâu nay, việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng nói chung, không chỉ trong chống dịch Covid-19, vẫn có sự “rơi rụng” ở mỗi cấp. Có khi Trung ương rất quyết liệt, nhưng về đến tỉnh, huyện lại bớt “nóng” đi một chút, chưa kể còn tới xã, phường, rồi đến người dân. Đại dịch Covid-19 chính là phép thử năng lực, trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo. Qua đó cũng chỉ ra cho chúng ta những bài học nhãn tiền về sự “lơ mơ”, hời hợt, chủ quan, mất cảnh giác dẫn đến hậu quả khôn lường.

Nhìn từ bài học phòng, chống dịch Covid-19, có thể thấy cái gốc của vấn đề vẫn là lựa chọn đúng người, bố trí đúng việc; kết hợp chặt chẽ giữa xây và chống. Để lựa chọn đúng người, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách; xây dựng tiêu chuẩn người đứng đầu cấp ủy phù hợp với từng địa phương.

Để bố trí đúng việc, một mặt, phải thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao chất lượng, trình độ mọi mặt cho cán bộ, đảng viên thông qua giao việc, giao nhiệm vụ. Cán bộ có nền tảng vững chắc, trưởng thành qua rèn luyện sẽ nhận thức đúng đắn về tình hình thực tế, không chủ quan, lơ là hay hoang mang, sợ sệt trước khó khăn.

Mặt khác, trao trách nhiệm thì phải có sự kiểm soát. Cho nên, phải thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá cán bộ, lấy hiệu quả công việc làm thước đo chủ yếu. Như tôi đã đề cập, việc đánh giá cán bộ là việc khó, cần phải đặt ra chuẩn mực mang tính định lượng, tiêu chí đánh giá cụ thể, chi tiết, phù hợp với tình hình của địa phương, cơ quan, đơn vị. Lãnh đạo giỏi thì không có chuyện “nói hay, làm dở”, “anh nói thế nhưng hành động của anh thế nào, sản phẩm cuối cùng là cái gì?”.

Về phía cán bộ, đảng viên, cần phải thường xuyên tự soi, tự sửa, gương mẫu nêu cao ý thức trách nhiệm với công việc, không ngừng học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19, cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu tuyệt đối không được chủ quan, lơ là. Bình tĩnh, thận trọng không có nghĩa là độc đoán, bảo thủ. “Thành trì” chống dịch hôm nay có thể là “rào cản” kìm hãm sự phát triển kinh tế ngày mai. Ở cương vị người đưa ra quyết sách, người đứng đầu cấp ủy cần phải có sự quyết đoán dựa trên cơ sở trí tuệ, khoa học chứ không phải quyết đoán theo kiểu độc đoán.

Trị căn bệnh làm việc hời hợt, nắm chủ trương không chắc, không rõ, thực thi nhiệm vụ không đến nơi đến chốn cũng chính là đấu tranh ngăn chặn được một bước tình trạng suy thoái trong Đảng, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!