Bí thư cấp ủy - Tư lệnh đích thực trong “cuộc chiến” khốc liệt với dịch Covid-19 (Bài 4): Lãnh đạo biết “nhóm lửa”, sức mạnh, niềm tin sẽ nhân lên

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong câu chuyện với chúng tôi về 156 ngày đêm quận Hoàng Mai (Hà Nội) chiến đấu chống SARS-CoV-2 với 88 điểm phải phong tỏa tại toàn bộ 14 phường, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Hoàng Mai Nguyễn Xuân Phong nhiều lần nhấn mạnh: “Sự đồng thuận trong dân, huy động được sức mạnh nhân dân cùng cấp ủy Đảng, chính quyền chống dịch là yếu tố then chốt dẫn tới thành công”.
Các đồng chí Thường trực Quận ủy Hoàng Mai trong một buổi kiểm tra công tác phòng chống Covid-19 của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng

Các đồng chí Thường trực Quận ủy Hoàng Mai trong một buổi kiểm tra công tác phòng chống Covid-19 của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng

Khoanh vùng nhanh, cắt đứt nguồn lây

Hoàng Mai là quận cửa ngõ ra vào nội thành ở phía Nam, lượng người qua lại vô cùng lớn. Đây cũng là địa bàn có quy mô dân số lớn nhất Hà Nội với khoảng 700.000 người (cả tạm trú). Không chỉ riêng dịch Covid-19, Hà Nội xuất hiện dịch bệnh nào, Hoàng Mai cũng có ngay dịch đó.

>>> Bài 1: Bí thư mà “lơ mơ” thì làm sao chỉ huy được

>>> Bài 2: Cuộc họp cấp ủy lúc 2h sáng và “chiến dịch” di dân khẩn cấp chưa từng có

>>> Bài 3: Tình huống “cân não” của Bí thư Quận ủy và 21 ngày không quên ở Văn Miếu

Đợt dịch Covid-19 lần thứ tư trên địa bàn Thủ đô bắt đầu từ ngày 29-4, liền sau đó, Hoàng Mai cũng xuất hiện ổ dịch ở chung cư Viễn Đông Star (phường Thịnh Liệt). Đến trưa 6-10, Hoàng Mai ghi nhận 386 ca F0 tại 14 phường với 88 điểm phong tỏa - số điểm phong tỏa nhiều nhất trong 30 quận, huyện, thị xã của Hà Nội. Trong đó, có 3 khu vực “nóng” nhất là tại ngõ 24 Kim Đồng (phường Giáp Bát), tòa HH4C Linh Đàm (phường Hoàng Liệt) và các tòa A1-A4-A5 Đền Lừ (phường Hoàng Văn Thụ).

Có số ổ dịch rất lớn, nhiều nơi phức tạp vì phát sinh trong khu chung cư, mật độ dân cư dày đặc, nhưng trong đợt dịch thứ tư quận Hoàng Mai không phải phong tỏa diện rộng, chỉ giới hạn trong tầng, tòa nhà, ngõ, đoạn phố…

“Tôi và đồng chí Bí thư Quận ủy Nguyễn Quang Hiếu cũng như Ban Thường vụ Quận ủy luôn đặt câu hỏi: Phong tỏa diện rộng (toàn bộ khu chung cư, phường) có giải quyết được triệt để việc lây lan virus hay không? Phong tỏa rộng nhưng “ngoài chặt, trong lỏng” có khi lại tạo tác dụng ngược và gây ra nhiều khó khăn cho nhân dân. Thử hình dung, khu chung cư HH tại Linh Đàm là tổ hợp dân cư cực lớn, dân số 32.000 người (gần bằng dân số 3 phường quy mô nhỏ), nếu quyết định phong tỏa toàn bộ sẽ gây náo loạn như thế nào? Vấn đề an sinh cho từng ấy người dân ra sao?

Bản chất ở đây là phải khóa chặt nguồn lây. Bởi vậy, dù phong tỏa hẹp nhưng phải làm nghiêm ngặt, cách ly gia đình với gia đình, tầng với tầng, chặt đứt chuỗi lây lan của virus” - Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Hoàng Mai Nguyễn Xuân Phong phân tích.

Dù có đến 88 điểm phong tỏa, nhiều điểm phức tạp, nhưng thành công lớn nhất của quận Hoàng Mai là đã khống chế dịch thành công, không để lây lan diện rộng, được các tầng lớp nhân dân tin tưởng. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trực tiếp hỏi lãnh đạo quận về phương pháp chống dịch tại ổ dịch ngõ 24 Kim Đồng và tòa nhà HH4C Linh Đàm. Đối với các nội dung, yêu cầu của Thủ tướng về phòng chống dịch, Hoàng Mai đều làm rất tốt, được Thủ tướng khen ngợi…

Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Hoàng Mai Nguyễn Xuân Phong chỉ đạo triển khai thí điểm “Vùng xanh” ở phường Mai Động

Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Hoàng Mai Nguyễn Xuân Phong chỉ đạo triển khai thí điểm “Vùng xanh” ở phường Mai Động

Không bàn lùi, không để người dân hoang mang

Điểm cốt yếu trong phương pháp chống dịch Covid-19 ở Hoàng Mai là huy động được sức mạnh từ mọi tầng lớp trong nhân dân cùng tham gia dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Ban Thường vụ Quận ủy và đặc biệt là đồng chí Bí thư Quận ủy. Để nhân dân tin tưởng, đồng hành, công tác an sinh xã hội phải được xem trọng với tinh thần vì dân, luôn đảm bảo công khai, minh bạch.

Đừng nói suông, chỉ tay năm ngón

Muốn khích lệ nhân dân cùng chung sức chống dịch, cán bộ, đảng viên, nhất là các đồng chí Bí thư cấp ủy phải “3 cùng” với nhân dân chứ không chỉ nói suông, chỉ tay năm ngón. Nguyên tắc này được áp dụng triệt để trong công tác phòng chống dịch ở Hoàng Mai. Theo đó, Quận ủy Hoàng Mai đã phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy phụ trách địa bàn, mỗi quý phải giao ban với các Bí thư chi bộ một lần để kịp thời nắm bắt ý kiến, tâm tư người dân. Trong chiến dịch lấy mẫu xét nghiệm diện rộng và tiêm vaccine hồi đầu tháng 9-2021, nếu các đồng chí Thường vụ Quận ủy không trực tiếp về cơ sở cùng gỡ khó, các phường sẽ rất lúng túng bởi đều là việc rất mới, chưa có tiền lệ. Bí thư Đảng ủy các phường đã rất vất vả ngày đêm chống dịch, nếu không có người hỗ trợ kịp thời thì mấy ai dám làm, muốn làm. Vì thế, Bí thư Quận ủy Hoàng Mai quán triệt, yêu cầu các đồng chí Thường vụ Quận ủy phải bám sát, “lăn” vào việc với các phường. Đặc biệt trong 4 đợt Hà Nội giãn cách xã hội, các đồng chí Thường vụ Quận ủy gần như “ăn ngủ” với phường, có như vậy mới nắm chắc địa bàn và đưa ra ý kiến chỉ đạo hợp lý, kịp thời…

Khi dịch xâm nhập, câu hỏi đầu tiên Thường trực Quận ủy đặt ra là: “Khi phong tỏa, người dân lo lắng nhất điều gì?”. Câu trả lời chính là an sinh, là nhu yếu phẩm, dịch vụ y tế. Nếu được đáp ứng đầy đủ, nhân dân sẽ đồng thuận ở yên trong khu phong tỏa. Nhưng tuyên truyền làm sao để nhân dân tin, kịp thời thực hiện? Với các khu chung cư lớn như HH Linh Đàm, Quận ủy chỉ đạo lập ngay các nhóm Zalo của từng tầng và tòa nhà để nhận thông tin trực tiếp từ Quận ủy, Đảng ủy phường, tổ dân phố.

Cứ thế, các nhóm Zalo, Facebook này tích cực tuyên truyền với thông điệp “chính quyền và nhân dân ở cạnh chung cư HH4C”.

“Tôi chỉ đạo đưa ngay tới 2 tấn gạo, đóng 5kg/túi cùng với 6 tấn rau, củ, quả sẵn sàng tại Sở Chỉ huy phòng chống dịch của quận, hộ dân nào thiếu sẽ đăng ký qua các nhóm Zalo... Vậy là nhân dân rất yên tâm, không hoang mang nên khi phong tỏa tòa nhà HH4C vào sáng 20-8, quận nhận được sự đồng thuận rất lớn. Thường xuyên có mặt tại Sở Chỉ huy, tôi nhận ra trong khó khăn nhân dân càng đoàn kết, gắn bó và chia sẻ với nhau nhiều hơn” - Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Hoàng Mai nhớ lại.

Thêm một mô hình chống dịch hiệu quả xuất phát từ sáng kiến của lãnh đạo Quận ủy Hoàng Mai sau đó được nhân rộng ra toàn Hà Nội và được Thủ tướng Chính phủ khen ngợi. Đó là mô hình Tổ tự quản an toàn phòng chống Covid-19 tại các tổ dân phố trực tiếp giám sát, quản lý “Vùng xanh an toàn”.

Mô hình này do Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Hoàng Mai Nguyễn Xuân Phong chỉ đạo thí điểm thành công tại phường Mai Động, sau đó báo cáo Bí thư Quận ủy cho nhân rộng ra 14 phường thuộc quận. Điểm cốt lõi ở mô hình này là tạo ra sự đồng thuận và huy động được sức mạnh, lực lượng trong nhân dân cùng tham gia chống dịch.

“Khi Quận ủy họp bàn về mô hình này, vẫn còn ý kiến bàn lùi. Một vài phường có địa bàn rộng lo ngại vì “chúng tôi nằm mơ cũng thấy Covid-19, ngày đêm lặn lộn chống dịch rồi thì lấy đâu ra người trực chốt “Vùng xanh” nữa…”. Quan điểm của tôi là không được bàn lùi, ban đầu có thể khó khăn nhưng sau đó sẽ thuận lợi.

Thực tế đã chứng minh, triển khai được vài ngày, nhân dân thấy cán bộ trực chốt vất vả nên đã mang nước, mì tôm… ra tiếp tế, rồi dần dần vui vẻ tham gia trực cùng. Từ một vài điểm như thế, tôi đã chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền và khích lệ các đơn vị khác làm theo. Khi ngọn lửa đã được nhen nhóm rồi thì mình dồn sức nhân lên, thổi bùng thành cả phong trào. Lực lượng trong nhân dân còn rất lớn, quan trọng là người lãnh đạo phải biết “nhóm lửa”, nếu không chỉ mãi là vài đốm lửa yếu ớt, không bùng cháy được.

“Điều đáng quý là qua các lần bùng dịch lớn như thế này, cộng đồng dân cư đã nhìn cấp ủy Đảng, chính quyền bằng niềm tin và sự tôn trọng hơn trước rất nhiều. Niềm tin vì sao lại được nhân lên như thế? Bởi trong lúc khó khăn nhất, nhân dân đã thấy được chính quyền luôn ở bên cạnh, cùng đồng hành với họ” - Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Hoàng Mai đúc rút.

Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND phường Tương Mai Đào Thị Thu Hằng trao quà an sinh hỗ trợ người dân

Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND phường Tương Mai Đào Thị Thu Hằng trao quà an sinh hỗ trợ người dân

Tôi rèn bản lĩnh qua những tình huống đặc biệt

Những thử thách chưa từng có phát sinh trong đợt dịch thứ tư chính là cơ hội đặc biệt để người cán bộ, đảng viên rèn luyện bản thân. Đâu đó cũng có trường hợp thấy khó là né tránh, thấy hiểm nguy là bàn lùi, nhưng ở Quận ủy Hoàng Mai không có chỗ cho những con người như vậy. Lãnh đạo Quận ủy cho rằng, chính trong những tình huống đặc biệt, bản lĩnh người đảng viên, bản lĩnh của Bí thư cấp ủy phải được thể hiện, với những quyết định táo bạo, “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” trước Đảng, trước nhân dân.

Đồng chí Nguyễn Xuân Phong nhớ lại những giờ phút căng thẳng trong đêm 22-5, khi quận Hoàng Mai phát hiện bé trai người Ấn Độ, cư trú tại tòa Park 9, khu đô thị Times City dương tính với SARS-CoV-2.

Ngay sau đó, Bí thư Quận ủy Hoàng Mai đã chỉ đạo cùng lúc 2 nhiệm vụ: Tạm phong tỏa một đơn nguyên của tòa Park 9 và triển khai ngay phương án dự phòng để bảo đảm cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trên địa bàn diễn ra an toàn, đúng luật. Toàn bộ hòm phiếu của khu vực bỏ phiếu số 14, phường Mai Động được đặt tại tầng 1, tòa Park 9 (nơi có một đơn nguyên đang bị cách ly y tế) được chuyển gấp sang tầng 1, tòa Park 12.

Công tác chuẩn bị tại điểm bầu cử mới được gấp rút triển khai trong đêm 22-5. Thường trực Quận ủy trực tiếp chỉ đạo tại hiện trường, cùng các thành viên tổ bầu cử khẩn trương hoàn thiện các khâu chuẩn bị. Đến 1h30 sáng 23-5, công tác chuẩn bị hoàn tất. Đúng thời điểm này, quận nhận được thông tin về trường hợp nghi mắc Covid-19 sống tại tầng 15, Park 11.

Qua truy vết, lực lượng chức năng quận phát hiện toàn bộ tổ bầu cử khu vực bỏ phiếu số 15, phường Mai Động đều từng tiếp xúc với người này. Lúc đó, nhiều đồng chí rất hoang mang và đặt câu hỏi, bây giờ phải làm thế nào trong khi đúng 7h sáng 23-5, mọi công việc phải hoàn tất để nhân dân đi bầu cử, thời gian chỉ còn vài giờ.

Cũng trong đêm 22-5, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh trực tiếp gọi điện tới Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm đặt vấn đề, liệu quận Hoàng Mai có phải phong tỏa toàn bộ khu đô thị Times City với hơn 30.500 dân hay không? Hoàng Mai có đảm bảo được an toàn, không để dịch bệnh lây lan ở khu vực này hay không?

“Đồng chí Nguyễn Minh Tâm đã gọi điện xin ý kiến Bí thư Quận ủy Nguyễn Quang Hiếu. Sau khi trao đổi, đồng chí Bí thư Quận ủy và tôi thống nhất báo cáo thành phố, quận Hoàng Mai vẫn đảm bảo được và đề nghị thành phố cho thêm thời gian để quận “thần tốc truy vết, xét nghiệm” rồi mới quyết định. Sau đó, đồng chí Nguyễn Quang Hiếu quyết định chỉ phong tỏa tạm thời tòa Park 9 và Park 11 để truy vết. Cùng với đó, công tác chuẩn bị cho kỳ bầu cử vào sáng 23-5 được tiếp tục.

Tại buổi kiểm tra công tác bầu cử trên địa bàn quận Hoàng Mai sáng 23-5, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đã biểu dương, ghi nhận, đánh giá cao sự vào cuộc nhạy bén, khoa học, kịp thời của quận Hoàng Mai” - đồng chí Nguyễn Xuân Phong nhớ lại.

Tổ bầu cử mang hòm phiếu bầu đến từng căn hộ tại tòa Park 9 Times City, Hoàng Mai bị phong tỏa do Covid-19 trong ngày 23-5

Tổ bầu cử mang hòm phiếu bầu đến từng căn hộ tại tòa Park 9 Times City, Hoàng Mai bị phong tỏa do Covid-19 trong ngày 23-5

Dân gọi điện kiểm tra Bí thư Đảng ủy phường

“Luôn có mặt tại điểm nóng, dân gọi là có mặt” - đó là phương châm làm việc của Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND phường Tương Mai (quận Hoàng Mai) Đào Thị Thu Hằng khi ứng phó với Covid-19. Từ đầu năm 2021, Đảng ủy phường Tương Mai đã có Nghị quyết xác định một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2021 là phòng, chống Covid-19.

Ban Chỉ đạo chống dịch của phường đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bí thư Đảng ủy phường được thành lập từ rất sớm. Nhờ chuẩn bị từ sớm nên khi Hà Nội bước vào đợt dịch thứ tư, phường không hề bị động. Các ban, ngành, đoàn thể, từng đồng chí trong Thường vụ Đảng ủy đều biết mình phải làm gì và làm như thế nào.

Tối 23-7, Hà Nội ban hành Chỉ thị 17 về giãn cách xã hội toàn thành phố thì cũng trong đêm ấy, Đảng ủy phường họp triển khai ngay. Nghị quyết của Đảng ủy phường được ban hành với trọng tâm là công tác an dân. Ngay đêm đó, tất cả nhóm tuyên truyền qua Zalo, Facebook của các chi bộ, tổ dân phố vào việc. Thông tin lan tỏa rất nhanh đến người dân để đến sáng 24-7, toàn bộ nhân dân trên địa bàn đã nắm được, không hoang mang, lo lắng.

Cùng với đó, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường cam kết: Đảng ủy sẽ trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác phòng, chống dịch. Bà con yên tâm, ủng hộ công tác chống dịch của phường. Phường cũng công khai số điện thoại của 6 đồng chí lãnh đạo phường với thông điệp: Trong thời gian giãn cách, có bất cứ khó khăn, vướng mắc gì, bà con chủ động gọi điện để được hỗ trợ. Liền sau đó, một người dân đã gọi đến số điện thoại của nữ Bí thư, khi được hỏi “bác có việc gì cần giúp đỡ”, đầu dây bên kia trả lời: “Không, tôi chưa có việc gì cả. Tôi chỉ gọi để… kiểm tra!”.

Không để cán bộ cơ sở phải “tự bơi”, nữ Bí thư Đảng ủy phường Tương Mai yêu cầu các đồng chí trong Ban Thường vụ về từng địa bàn, cùng Bí thư chi bộ chống dịch. “Địa bàn nào nóng, tôi đều có mặt để nắm bắt tình hình, có phương án chống dịch ngay. Lúc ca bệnh đầu tiên trong đợt dịch này xuất hiện tại chung cư 60 Nguyễn Đức Cảnh, 10 phút sau khi nhận thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, tôi và lực lượng chống dịch của phường đã có mặt đầy đủ tại hiện trường, ai vào đúng vị trí người đó.

Khi cán bộ CDC Hà Nội đến nơi, thấy tôi ở đó đã tròn mắt: “Bí thư phường đã có mặt ở đây rồi à?”. Nhiều giai đoạn chống dịch căng thẳng, công việc ở phường “ngập mặt” tới mức không nhớ được là thứ mấy trong tuần vì ngày nào cũng làm từ sáng sớm tới tối mịt, những cuộc họp Sở Chỉ huy vào nửa đêm là bình thường.

“Tôi nói với các đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng ủy, những lúc như thế này, các đồng chí không kề vai sát cánh cùng cơ sở, để bà con thấy được sự hiện diện, đồng hành của Đảng ủy thì bà con cũng chẳng cần các đồng chí ở vị trí ấy nữa” - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Tương Mai thẳng thắn.

“Ốm gọi phường, đói gọi phường”

Đến hết ngày 30-9, phường Tương Mai đã trao khoảng 2.000 suất quà, tương đương 1 tỷ đồng đến các trường hợp khó khăn trên địa bàn, không phân biệt thường trú hay tạm trú, cũng không hạn chế về số lần nhận hỗ trợ với hộ khó khăn.

“Tôi cam kết với nhân dân, không để bất kỳ hộ dân nào bị thiếu đói trong giãn cách. Tất cả khó khăn trong cuộc sống hàng ngày sẽ được phường giải quyết. Người dân khi có nhu cầu về y tế đều được tiếp cận một cách nhanh nhất. Bà con yên tâm ở nhà giãn cách, “đói gọi phường, ốm gọi phường”.

Nhiều trường hợp ốm đau trong giai đoạn đó đã được phường hỗ trợ kịp thời, như một trường hợp gọi điện cho tôi trình bày: “Em đang bị kẹt ở Hưng Yên, không về Hà Nội được. Mẹ em ở nhà đang bị sốt mà không có ai đưa đi viện”. Ngay lập tức, tôi chỉ đạo Trạm Y tế phường đến tận nhà đưa bà đi khám bệnh…

Hay như trường hợp gia đình ở phố Nguyễn An Ninh, nhà có 3 bố con (mẹ mất sớm), cháu lớn 10 tuổi, bé 4 tuổi. Bố là F1 phải đi cách ly tập trung, hai con là F2 cách ly tại nhà. Khu vực đó đang bị phong tỏa do có F0, người thân không thể đến chăm sóc các cháu nên tôi phân công một nữ cán bộ phường làm thay.

Mỗi sáng, cô ấy đưa thực phẩm đến, ngày 3-4 lần gọi điện qua Zalo để hỏi han các cháu. Buổi tối, trước giờ đi ngủ, cô ấy lại gọi điện nói chuyện. Ngoài thực phẩm hàng ngày, tôi yêu cầu lúc nào trong nhà cũng phải có sẵn nước uống, bánh, sữa để nếu đêm hôm các cháu đói có ngay để dùng. Từ khu cách ly, bố cháu rưng rưng gọi điện về cảm ơn Đảng ủy, UBND phường trong lúc dịch bệnh khó khăn vẫn chăm sóc chu đáo các cháu. Người thân các cháu cũng nhắn tin cảm ơn vì phường đã lo cho cuộc sống của 2 cháu quá tốt…

Mỗi ngày, đọc những dòng tin nhắn cảm ơn như thế của bà con gửi về mà chúng tôi vô cùng xúc động. Giản dị thôi, nhưng đó là động lực rất lớn để chúng tôi vượt qua những cực nhọc trong cuộc đấu trí hàng ngày với Covid-19…” - đồng chí Đào Thị Thu Hằng cho biết.

Một mình Bí thư thì có trăm tay, nghìn mắt cũng thua

“Trong chống dịch bây giờ, không có chuyện gì giấu được nhân dân. Anh đừng vội nói to, là Bí thư, người đứng đầu mà thấy giặc tới lại thoái lui, né tránh hay bàn lùi thì còn ai nghe nữa? Càng là điểm nóng, điểm khó thì Bí thư, cấp ủy viên càng phải có mặt. Ở đây không phải thể hiện cái gì cả, mà đơn giản là nếu anh không đi vào đó, ở ngoài a lô, đùn đẩy cho cấp dưới thì làm sao nắm chắc được tình hình để chỉ đạo, điều hành.

Quan trọng hơn, sự có mặt của anh ở đó cũng tạo ra niềm tin, sự sẻ chia rất lớn với đội ngũ của mình. Và người dân vốn đang hoang mang, lo lắng khi nhìn thấy anh sẽ yên tâm hơn rất nhiều. Họ không cảm thấy đơn độc khi đối mặt với Covid-19, họ luôn có người đồng hành, có điểm tựa để làm việc, cống hiến, chấp hành... Niềm tin nhờ đó mà lan tỏa, được nâng lên. Sức mạnh tập thể từ đó mà hình thành, chứ một mình Bí thư thì dẫu có trăm tay, nghìn mắt cũng thua”.

Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch UBND phường Tương Mai Đào Thị Thu Hằng

(Còn nữa)

Bài 5: Phép thử đặc biệt năng lực, trách nhiệm người đứng đầu

Tin cùng chuyên mục