Bí thư cấp ủy - Tư lệnh đích thực trong “cuộc chiến” khốc liệt với dịch Covid-19 (Bài 3): Tình huống “cân não” của Bí thư Quận ủy và 21 ngày không quên ở Văn Miếu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Là 1 trong 3 phường ở Thủ đô Hà Nội phải phong tỏa toàn bộ để phòng chống dịch Covid-19, 21 ngày đêm “phong thành” liên tiếp ở phường Văn Miếu (quận Đống Đa) là khoảng thời gian không thể nào quên với toàn thể cán bộ, chiến sĩ và nhân dân quận Đống Đa.

>>> Bài 1: Bí thư mà “lơ mơ” thì làm sao chỉ huy được

>>> >>> Bài 2:Cuộc họp cấp ủy lúc 2h sáng và “chiến dịch” di dân khẩn cấp chưa từng có

Bí thư Quận ủy Đống Đa Đinh Trường Thọ tặng “Túi an sinh” cho người dân gặp khó khăn trong khu vực cách ly y tế

Bí thư Quận ủy Đống Đa Đinh Trường Thọ tặng “Túi an sinh” cho người dân gặp khó khăn trong khu vực cách ly y tế

Lựa chọn khó khăn

Nhớ lại thời điểm trước khi diễn ra cách ly y tế diện rộng, nét mặt Thành ủy viên, Bí thư Quận ủy Đống Đa Đinh Trường Thọ vẫn còn nguyên vẻ suy tư: “Suốt đợt dịch vừa qua, thời điểm “cân não” nhất là khi chúng tôi bàn bạc để đưa ra quyết định cách ly 14 ngày đối với 2 phường Văn Miếu và Văn Chương. Các cuộc họp diễn ra liên tục, vấn đề được nâng lên đặt xuống ở rất nhiều góc độ song dường như rất khó tính toán được hết các diễn biến sau khi đưa vào thực tế vì có quá nhiều “biến số”. Hai phường với gần 21.000 dân, địa hình phức tạp, cuộc sống đang sôi động bỗng chốc thay đổi hoàn toàn, tâm lý người dân sẽ bị ảnh hưởng ghê gớm…”.

Quận Đống Đa là địa bàn có mật độ dân cư cao nhất Thủ đô, nơi có nhiều khu nhà tập thể cũ chật chội, nhiều ngõ hẹp, sâu, nguy cơ bùng phát dịch bệnh lớn hơn bất cứ khu vực nào khác tại Hà Nội. Phường Văn Miếu và Văn Chương có đầy đủ những yếu tố này.

Sau khi những ca bệnh đầu tiên xuất hiện tại phường Văn Miếu, bám sát chỉ đạo từ cấp trên để nhất quán phương châm chống dịch, trên cơ sở diễn biến rất nhanh của dịch, lãnh đạo quận Đống Đa nhiều lần tham vấn ý kiến của các chuyên gia dịch tễ đầu ngành trên toàn quốc và hướng dẫn của Sở Y tế Hà Nội để đi đến quyết định cách ly y tế đối với địa bàn này. Từ 18h ngày 21-8, quận Đống Đa quyết định phong tỏa toàn bộ 2 phường Văn Miếu và Văn Chương trong 14 ngày.

“Chủ trương ban đầu của Đống Đa là phong tỏa hẹp nhất khu vực có ca bệnh chứ không phải muốn làm thế nào cũng được. Ban đầu, các điểm có F0 ở Văn Miếu, Văn Chương được phong tỏa theo hướng đó cho tới khi xuất hiện thêm nhiều ổ dịch mới. Để đưa ra quyết định ấy (phong tỏa 2 phường - PV), chúng tôi đã đặt ra vô vàn câu hỏi: Khoanh vùng như thế nào để hiệu quả mà không ảnh hưởng lớn đến người dân? Lực lượng ở đâu để huy động khi cách ly y tế địa bàn phức tạp, dân cư đông? Làm thế nào để đảm bảo an sinh cho người dân? Nếu phát sinh các vấn đề khẩn cấp sẽ xử lý thế nào? Quan trọng nhất là phải làm người dân yên tâm, đồng hành cùng chúng tôi chống dịch…” - Bí thư Quận ủy Đống Đa Đinh Trường Thọ nói.

Cán bộ phường Văn Miếu làm “shipper” giao hàng đến từng địa chỉ

Cán bộ phường Văn Miếu làm “shipper” giao hàng đến từng địa chỉ

Nhắc lại những ngày cuối tháng 8 “nắng lửa” ấy, đồng chí Nguyễn Thị Vân Anh - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Văn Miếu nhớ như in không khí khẩn trương, hối hả: “Ban chỉ đạo phòng chống dịch phải suy tính rất nhiều mới đưa ra quyết định này. Đồng chí Bí thư Quận ủy gọi liên tục về phường để nắm tình hình. Đồng chí Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Lê Tuấn Định trực tiếp về địa bàn chỉ đạo công tác lập các vùng cách ly y tế. Tình thế khẩn cấp, ai cũng lo lắng, sốt ruột”.

Thêm một yếu tố đặc biệt nữa được tiết lộ, đó là khu vực Văn Chương - Văn Miếu giáp ranh với 3 quận trung tâm Ba Đình, Hoàn Kiếm và Hai Bà Trưng, nơi các khu dân cư lớn đan xen, quần tụ với mật độ rất cao. Đây có thể xem là khu vực ngã tư xung yếu, nếu không kịp thời khoanh vùng, dập dịch, Covid-19 có thể từ đây “tấn công” ra toàn thành phố và không loại trừ khả năng sẽ dẫn tới tình trạng như ở một số tâm dịch phía Nam. “Kịch bản” đen tối này cũng là một trong những yếu tố quyết định việc phải đi tới phong tỏa, cách ly y tế đối với hai phường này.

Đường phố Văn Miếu vắng lặng trong những ngày giãn cách, nữ cán bộ Công an đi tuần tra để đảm bảo an ninh trật tự trong khu cách ly

Đường phố Văn Miếu vắng lặng trong những ngày giãn cách, nữ cán bộ Công an đi tuần tra để đảm bảo an ninh trật tự trong khu cách ly

Đề cao trách nhiệm cấp ủy

Cùng với quyết định cách ly, Bí thư Quận ủy Đống Đa quyết định thành lập Sở chỉ huy chống dịch vùng tại 4 phường, trong đó có Văn Miếu và Văn Chương, đứng đầu là Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Trịnh Hữu Tuấn. Sở chỉ huy này như bộ máy chính quyền thu nhỏ đặt tại vùng cách ly, thực hiện phương châm “4 tại chỗ” gồm: Lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ. Khi có vấn đề phát sinh, người đứng đầu Sở chỉ huy có thể quyết định, xử lý nhanh chóng. Ngoài ra, quận còn phải bố trí cán bộ để “làm thay” nhiệm vụ của phường Văn Chương trong bối cảnh hầu hết cán bộ của phường này phải cách ly y tế do liên quan ca Covid-19.

“Trong những ngày đầu cách ly y tế, chúng tôi phải hỗ trợ người dân đảm bảo an sinh; bố trí lực lượng đi chợ hộ để đáp ứng tối đa nhu cầu của người dân. Người dân phải yên tâm thì mới ủng hộ lực lượng phòng chống dịch. Công tác tuyên truyền đến người dân lúc đó cần ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, chỉ cho họ cần làm gì để phòng chống dịch, chứ không thể nói về Nghị quyết, Chỉ thị. Trong xét nghiệm, tiêm chủng, các Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy phải trực tiếp có mặt để vừa chỉ đạo, vừa giám sát, kiểm tra việc thực hiện. Các đồng chí này phải chịu trách nhiệm trước cấp ủy về kết quả công việc được giao. Ngoài ra, 3 đồng chí Ủy viên Thường trực Quận ủy đứng đầu 3 đoàn kiểm tra thường xuyên về thị sát các địa bàn…” - đồng chí Đinh Trường Thọ nói.

Tất cả các chủ trương, đường lối, ý kiến chỉ đạo đều được lãnh đạo Quận ủy nhanh chóng phổ biến tới các đồng chí Bí thư chi bộ - những người gần dân nhất. Những chỉ đạo, quyết sách này đã giúp Đống Đa từng bước khống chế được sự lây lan của dịch bệnh. Sau hơn 1 tháng cao điểm chống dịch liên tục không ngừng nghỉ, Bí thư Quận ủy Đống Đa đánh giá: “Dịch bệnh tại quận Đống Đa đã cơ bản được kiểm soát. Bây giờ chúng tôi mới có thời gian nhìn lại các biện pháp chống dịch. Về cơ bản, giải pháp phong tỏa khi đó là hợp lý, đúng thời điểm…”.

Phường Văn Miếu lấy mẫu test Covid-19 cho người dân ngay trên đường phố trong khu phong tỏa để đảm bảo giãn cách

Phường Văn Miếu lấy mẫu test Covid-19 cho người dân ngay trên đường phố trong khu phong tỏa để đảm bảo giãn cách

Nữ Chủ tịch phường “xắn tay áo” khuân vác giúp dân

18 giờ ngày 21-8, phường Văn Miếu thực hiện cách ly y tế khi dịch bệnh đang lan rộng. Nói về thời điểm ấy, đồng chí Nguyễn Thị Vân Anh, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Văn Miếu chia sẻ: “Khi đón nhận quyết định từ cấp trên, trong khi nhiều người chạy ra khỏi vùng dịch vì lo sợ thì anh em cán bộ phường nhanh chóng tập trung đầy đủ, không thiếu một người, sẵn sàng cho những ngày dự liệu vô cùng khó khăn phía trước”.

“Việc đầu tiên chúng tôi nghĩ tới là phải an dân. Người dân chưa từng bị cách ly chắc chắn sẽ lo lắng việc ăn ở, đi lại thế nào. Nếu không thông tin đầy đủ và hỗ trợ kịp thời, người dân không thể yên tâm ở nhà trong thời gian phong tỏa” - Chủ tịch phường Nguyễn Thị Vân Anh nhớ lại.

Trụ sở UBND phường Văn Miếu vốn không rộng rãi, bị “bao vây” tứ bề bởi các ổ dịch nhỏ, chuyển thành nơi tập kết vật tư y tế và sắp xếp thành các phòng ở tạm cho cán bộ phường làm công tác chống dịch. Phường Văn Miếu với gần 10.000 dân bước vào 21 ngày phong tỏa chống Covid-19, với 10 cán bộ UBND phường (phường có 12 cán bộ nhưng 1 nghỉ sinh con, 1 bị cách ly do là F1) với sự hỗ trợ của các lực lượng của quận, thành phố và nhân dân. Khối lượng công việc lớn quá sức tưởng tượng ập lên vai những người cán bộ cơ sở.

Việc đến tay không thể không làm, có còn ai nữa đâu! Tất cả cán bộ phường Văn Miếu đều xắn tay áo giải quyết bất cứ việc gì phát sinh trên địa bàn. Từ Chủ tịch UBND phường đến tạp vụ hay bảo vệ đều phải tham gia bốc vác, sắp xếp hàng hóa. Để phục vụ bữa ăn cho gần 10.000 nhân khẩu, mỗi ngày, cùng các lực lượng hỗ trợ khác như Công an, quân đội, cán bộ phường Văn Miếu phải bốc dỡ hàng chục tấn lương thực, thực phẩm từ bên ngoài gửi vào, đưa lên xe điện chở tới các chốt ở từng ngõ xóm. Tại đây, cán bộ phường cùng các lực lượng chống dịch, thành viên Tổ Covid-19 cộng đồng sẽ căn cứ trên danh sách có sẵn đưa hàng đến tận tay người dân.

Nữ Chủ tịch UBND phường Văn Miếu Nguyễn Thị Vân Anh không ngại ngần khuân vác hàng hóa trong những ngày phường cách ly y tế

Nữ Chủ tịch UBND phường Văn Miếu Nguyễn Thị Vân Anh không ngại ngần khuân vác hàng hóa trong những ngày phường cách ly y tế

Thời điểm này, Fanpage “Tôi yêu phường Văn Miếu” với hàng chục nghìn thành viên ra đời. Bà con Văn Miếu cùng chia sẻ thông tin, động viên nhau vượt qua những tháng ngày lịch sử. Cũng trong 21 ngày cách ly, phường Văn Miếu có 5 gia đình xảy tang sự. Vì các gia đình đều không đi lại được nên việc lo giấy tờ, các thủ tục tang lễ… đều cần cán bộ phường hỗ trợ. “Đây không phải việc dễ dàng vì tâm lý chung và truyền thống của người Việt Nam là gia đình nào cũng muốn phải chu toàn với người đã khuất. Phường luôn cử riêng một người đi cùng, hỗ trợ gia đình lo cho xong xuôi mọi việc mới thôi. Qua những việc thế này, chính quyền và người dân càng thông cảm, dễ chia sẻ và gần gũi với nhau hơn” - vị nữ Chủ tịch UBND phường nói.

Cũng từ trang Fanpage này, hình ảnh cán bộ phường Văn Miếu không phải trong trang phục công sở mà mặc bộ bảo hộ kín mít hoặc quần soóc, áo phông khuân vác, chở hàng… lọt vào ống kính của người dân với nhiều sự cảm kích.

Về những hình ảnh rất đời thường này, nữ Chủ tịch UBND phường tâm sự: “Thời tiết những ngày cách ly y tế quá nóng, chúng tôi chọn mặc đồ ngắn để tiện xoay xở. Nếu vẫn “quần chùng, áo dài”, cộng thêm bộ đồ bảo hộ, mấy lớp khẩu trang thì chỉ leo 3 vòng cầu thang là mồ hôi ướt như tắm, không thể chịu nổi. Anh chị em ai cũng đen cháy da, mắt thâm quầng thiếu ngủ nhưng không hiểu sức lực ở đâu ra mà 5h sáng hôm sau ngủ dậy, ai lại vào việc người đó. Không ai có thể hình dung tôi cũng cắp được bao gạo 50kg đi băng băng…”.

Trong những ngày ở tại phường, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn, cán bộ phường chỉ được ngủ 3-5 tiếng mỗi ngày. “Buổi sáng, chúng tôi ăn mì tôm, có hôm thêm trứng luộc. Trưa, tối ăn cơm hộp. Anh em đi làm ngoài đường, ngoài chốt, nhiều hôm tới 22 giờ đêm mới được về ăn tối. Trụ sở phường không có bình nóng lạnh, tối đi làm về, anh chị em xếp hàng chờ tới lượt tắm và tự đun nước nóng bằng ấm. Mọi người vẫn động viên nhau là nếu hôm nay không cố gắng lên thì dịch bệnh bao giờ mới đẩy lùi được?” - vị nữ Chủ tịch phường bùi ngùi.

21 ngày chống dịch tại phường Văn Miếu vừa mới qua, nhưng hẳn là cả đời công tác, anh Vũ Thế Nguyên - cán bộ tư pháp phường không quên được. Từ cán bộ “áo trắng cổ cồn”, tác phong nghiêm cẩn, khi tham gia chống dịch, anh Nguyên trở thành một con người hoàn toàn khác. Sụt tới 4kg chỉ sau 1 tuần đầu, anh Vũ Thế Nguyên xuất hiện trên Fanpage “Tôi yêu phường Văn Miếu” với quần soóc, áo phông, lái xe ba bánh (mượn của người dân) chở hàng vào từng khu dân cư. Lưng quần quá rộng vì sút cân, anh Nguyên phải “chế” dây buộc tạm để đi lại, mang vác.

“Tôi ít phải làm việc nặng, đây là lần đầu tiên. Người thân gọi điện hỏi thăm thấy tôi gày gò, đen nhẻm còn rớt nước mắt. Như vậy cũng thường thôi, khi kết thúc nhiệm vụ dài ngày về nhà, con tôi vẫn sợ vì tôi mới ở Văn Miếu về. Nói chuyện với tôi, con lấy tay che miệng, vợ tôi đưa cơm còn phải giữ khoảng cách. Cảm giác tủi thân và xót xa lắm. Nhưng sợ cũng phải, vì không thể biết dịch bệnh lây lan thế nào” - anh Nguyên nói. Vị cán bộ này từng một lần “suýt rụng tim” vì trong mấy ngày đầu phong tỏa, mẫu gộp xét nghiệm Covid-19 của anh có kết quả dương tính. Rất may, khi xét nghiệm mẫu đơn, anh Nguyên lại… âm tính.

Không chỉ có đồng chí Vũ Thế Nguyên, cán bộ phường Văn Miếu khi chuyển hàng tới người dân cũng gặp không ít “tai nạn”. Đó là người cán bộ trật tự xây dựng dù không thuộc quân số của phường Văn Miếu cũng tình nguyện tham gia, rồi phải nằm im hai ngày liền vì chệch đĩa đệm do mang vác nặng. Một cán bộ nữ trẻ khác bị sưng khớp gối do vận động quá nhiều, sau 2 ngày nghỉ đỡ đau lại tiếp tục nhiệm vụ…

Tết Độc lập 2-9 đặc biệt ở trung tâm Thủ đô

Sau 21 cách ly y tế toàn phường, từ một tâm dịch được đánh giá là rất phức tạp vì các ổ dịch nằm rải rác, lỗ chỗ như “tổ ong”, len lỏi khắp các ngõ hẹp, phường Văn Miếu đã cơ bản kiểm soát dịch Covid-19 trong đợt bùng phát này. “Chúng tôi mong tình huống này không bao giờ lặp lại. Nếu lặp lại, chúng tôi cũng không biết có thể làm nổi như vừa rồi không nữa” - nữ Chủ tịch UBND phường Văn Miếu bộc bạch.

Thời điểm đó, lực lượng cán bộ vốn đã mỏng, lại nhiều người gặp tình huống không ngờ tới. Đồng chí Lục Anh Tú - Phó Chủ tịch UBND phường Văn Miếu, trong một buổi đôn đốc tiêm chủng trên địa bàn phường đã tham gia sơ cứu, đưa một cụ ông bị ngất đến Bệnh viện Xanh-Pôn bằng xe cá nhân. Người này sau đó bất ngờ được xác định dương tính với SARS- CoV-2. Người nhà của cụ cũng bị lây nhiễm. Trở thành F1, đồng chí Lục Anh Tú buộc phải cách ly y tế. Đúng dịp phường bị phong tỏa, thiếu người kinh khủng nên phường đề xuất cho phép cách ly y tế đồng chí Tú tại 1 phòng riêng trong trụ sở, để có thể vừa cách ly, vừa tham gia hỗ trợ công việc điều hành hàng ngày qua điện thoại, san sẻ bớt gánh nặng với anh em trong phường.

“Rất thiếu thốn, vất vả, không chỉ trong 21 ngày cách ly y tế mà cả giai đoạn trước đó, phường cũng đã phải gồng mình lên để chống dịch. Lực lượng mỏng nhưng nhờ có sự đồng tâm hiệp lực và hỗ trợ của các lực lượng, đặc biệt là từ người dân, chúng tôi đã thực sự vượt qua được. Nỗ lực đó đã được người dân ghi nhận, chia sẻ, đó cũng là yếu tố động viên chúng tôi mỗi ngày. Bên cạnh đó, các đồng chí trong Quận ủy nói chung, đồng chí Bí thư Quận ủy nói riêng nhiều lần đến tận nơi vừa kiểm tra, chỉ đạo, vừa động viên anh em cán bộ phường cũng tạo thêm động lực cho anh em vượt khó” - đồng chí Nguyễn Thị Vân Anh nói.

Trải qua hơn 1 tháng phường Văn Miếu căng mình chống dịch, đồng chí Nguyễn Thế Dũng (70 tuổi), Bí thư chi bộ Tổ dân phố số 2, Đảng bộ phường Văn Miếu nhớ như in từng ngày: “Suốt đợt dịch, chúng tôi cùng anh em cán bộ phường làm ngày, làm đêm. Ở cùng người dân trong khu cách ly, chúng tôi nhận chỉ đạo từ ngoài vào về việc tuyên truyền bà con ai ở đâu thì ở yên đó, thông báo, vận động, rà soát đưa bà con đi tiêm chủng, xét nghiệm; nhận lương thực, thực phẩm gửi từ ngoài vào và phát cho từng hộ gia đình, không một ai bị thiếu. Cấp ủy phường Văn Miếu chỉ đạo rất nhanh chóng và chi tiết, chúng tôi làm theo dễ dàng”.

Đồng chí Nguyễn Thế Dũng nhìn nhận, trước tình huống bất ngờ và khó khăn, vai trò của người lãnh đạo cấp ủy càng phải thể hiện rõ nét. Công tác dân vận không hề đơn giản, khi thực hiện cũng có nhiều người không muốn chấp hành nhưng sự chỉ đạo nhất quán, thấu đáo từ những người đứng đầu cấp ủy quận, phường đến chi bộ dân cư sẽ làm người dân thay đổi.

Đặc biệt là nói phải đi đôi với làm, người đứng đầu không ngại khổ, ngại khó, lăn xả vào làm những việc chưa từng có thì người dân sẽ cảm nhận được và tự nguyện đồng lòng, giúp sức. “Như ở tổ dân phố chỗ tôi, bây giờ người dân đã có ý thức tự phòng chống dịch tốt hơn. Dịch đã bị đẩy lui nhưng họ vẫn hạn chế ra ngoài, ít tiếp xúc và chỉ cần thông báo là sẽ đến điểm tiêm phòng, xét nghiệm đúng giờ, giữ khoảng cách an toàn... Họ hiểu đây là vì sức khỏe, an toàn của chính họ và gia đình, cộng đồng” - đồng chí Nguyễn Thế Dũng nói.

Người Bí thư chi bộ già bùi ngùi nhớ lại ngày Tết Độc lập 2-9 chưa từng có trong khu phong tỏa. “Mọi năm, chúng tôi đều quần tụ với gia đình hay đưa con cháu đi chơi, du lịch đâu đó. Ngày 2-9 năm nay, phường Văn Miếu mang đến một hình ảnh rất khác lạ. Từ đường lớn đến các ngõ, ngách… đều vắng lặng, những con phố dài hun hút không một bóng người nhưng màu cờ Tổ quốc vẫn rực đỏ trước cửa mỗi gia đình. Vượt qua đại dịch, dường như mỗi người dân Văn Miếu đều thêm thấm thía tình yêu với mảnh đất văn hiến, con người nơi đây!”.

(Còn nữa)

Đón xem bài 4: Lãnh đạo biết “nhóm lửa”, sức mạnh, niềm tin sẽ nhân lên

Tin cùng chuyên mục