Bí thư cấp ủy - Tư lệnh đích thực trong “cuộc chiến” khốc liệt với dịch Covid-19 ( Bài 1): Bí thư mà “lơ mơ” thì làm sao chỉ huy được

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Lời tòa soạn: Được Đảng, Nhà nước giao trọng trách “trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại địa phương”, Bí thư cấp ủy chính là tư lệnh đích thực trong “cuộc chiến” phòng, chống Covid-19 ở các cấp độ, từ Trung ương tới xã, phường, tổ dân phố… Phóng viên An ninh Thủ đô đã tới các tâm dịch “nóng” nhất ở Thủ đô Hà Nội như ngõ 328-330 đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân); phường Văn Miếu (quận Đống Đa)… để tìm hiểu xem những vị tư lệnh này đã chỉ huy ra sao trong các “trận đánh” Covid-19.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với thành viên Tổ Covid-19 cộng đồng đang thực hiện nhiệm vụ tại khu vực phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân, Hà Nội)

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với thành viên Tổ Covid-19 cộng đồng đang thực hiện nhiệm vụ tại khu vực phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân, Hà Nội)

“Làn sóng” dịch Covid-19 lần thứ tư ở Việt Nam được đánh giá là khốc liệt gấp nhiều lần so với 3 đợt dịch trước. Tốc độ lây lan khủng khiếp với chu kỳ chỉ khoảng 2 ngày của biến thể Delta khiến dịch bệnh loang nhanh ra khắp cả nước. Sau khi tấn công vào nhiều tỉnh, thành phố ở phía Bắc, Covid-19 tiếp tục xâm nhập các tỉnh miền Trung và đặc biệt là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với sức tàn phá khủng khiếp. Dịch bệnh liên tục diễn biến phức tạp, kéo dài tới nay đã gây ra những hệ lụy vô cùng to lớn đối với tình hình kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân cả nước.

4 đợt giãn cách xã hội không thể nào quên

Tại Hà Nội, chỉ 2 ngày sau khi trường hợp dương tính đầu tiên của đợt dịch thứ tư trên cả nước được ghi nhận tại Yên Bái, ca bệnh đầu tiên tại Thủ đô được công bố vào ngày 29-4-2021. Dần dần, toàn bộ 30 quận, huyện, thị xã của Hà Nội đều xuất hiện ca dương tính. Thanh Xuân là địa bàn có số ca bệnh nhiều nhất (745) và Ba Vì ít nhất (8). Đống Đa, Thanh Trì, Hoàng Mai, Đông Anh, Hai Bà Trưng… là các quận, huyện ghi nhận nhiều ca Covid-19.

Từ ngày 29-4 đến trưa 4-10-2021, Hà Nội ghi nhận 4.279 trường hợp dương tính, kéo theo hàng trăm nghìn trường hợp F1, F2. Con số này có thể “không thấm vào đâu” so với các tâm dịch lớn nhất cả nước như TP.HCM hay Bình Dương, nhưng so với chính Hà Nội trong các đợt dịch trước, đây là con số khổng lồ. Thêm nữa, tại Thủ đô Hà Nội - với vai trò trung tâm đầu não đặc biệt quan trọng, nơi tập trung nguồn lực, trái tim của cả nước, con số này đủ cho thấy sự căng thẳng, diễn biến phức tạp cũng như mức độ khẩn nguy nếu không nhanh chóng kiểm soát được bệnh dịch.

Chỉ ít ngày sau khi tái xuất, virus SARS-CoV-2 đã “tấn công” trực diện vào những thành trì quan trọng của ngành Y tế tại Hà Nội. Hàng loạt bệnh viện lớn tại Thủ đô phải phong tỏa do phát hiện ca bệnh. Chiều 5-5, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Đông Anh) phải cách ly y tế sau khi ghi nhận 14 ca Covid-19 đầu tiên. Tiếp đó, Bệnh viện Quân Y 105 (Sơn Tây) cũng bị phong tỏa từ ngày 6-5. Sau đó 1 ngày, tới lượt Bệnh viện K Trung ương bị phong tỏa; Bệnh viện Đa khoa Medlatec - cơ sở Nghĩa Dũng phải dừng tiếp nhận bệnh nhân…

Cấp ủy địa phương với người đứng đầu là Bí thư được xem là hạt nhân quan trọng nhất trong chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 ở cơ sở. Yêu cầu khẩn cấp trong phòng, chống dịch buộc họ phải thực sự ra sức vì dân, vì nước, dồn toàn bộ thời gian, trí tuệ, sức lực vào “cuộc chiến” với “kẻ thù vô hình” SARS-CoV-2. Nếu họ không thể hiện được năng lực, vai trò, trách nhiệm của mình, thậm chí lại lơ mơ, làm việc qua loa, đại khái, hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.

Từ ngày 27-4 đến 23-7-2021 (88 ngày), thành phố ghi nhận 917 ca mắc, trung bình 10,4 ca/ngày. Từ giữa tháng 7-2021, số ca mắc tăng mạnh, xuất hiện những chùm ca bệnh phức tạp tại cơ sở khám, chữa bệnh, nhà máy trong khu công nghiệp, chợ, khu dân cư... Do đó, ngày 23-7, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã thống nhất áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trên toàn thành phố; triển khai từ 6h ngày 24-7-2021. Ít ai lúc đó nghĩ rằng, Hà Nội sẽ phải trải qua 4 đợt giãn cách khắc nghiệt liên tiếp kéo dài gần 2 tháng…

Bằng nỗ lực cao nhất của toàn bộ hệ thống chính trị và người dân, tình hình dịch bệnh ở Thủ đô dần được kiểm soát song cũng phải tới đợt giãn cách thứ tư, số ca mắc trung bình/ngày mới giảm mạnh (31 ca/ngày so với 71,2 ca/ngày tại lần giãn cách thứ nhất). Số ca nhiễm trong cộng đồng giảm (từ 49,15% xuống 10,6%); số ca chuyển nặng phải chuyển tầng điều trị giảm, tỷ lệ chữa khỏi tăng… Tất cả các chùm ca bệnh đều được xử lý nhanh, gọn, thu hẹp dần phạm vi phong tỏa, kiểm soát chặt chẽ khu vực có dịch, không để lan rộng. Thành phố cơ bản kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh; kịp thời khoanh vùng đúng và trúng các đối tượng nguy cơ cao.

Có được thành công này là nhờ nhân dân tuyệt đối tin tưởng các chỉ đạo quyết liệt của Trung ương, thành phố trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Nhân dân cũng đánh giá cao việc lãnh đạo thành phố rất quan tâm công tác an sinh xã hội; chỉ đạo chăm lo hỗ trợ hộ nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Việc thiết lập các đường dây nóng đã giúp người dân kịp thời phản ánh và đề nghị được hỗ trợ trong những ngày thành phố thực hiện giãn cách xã hội…

Tới thời điểm này, Hà Nội tiếp tục xuất hiện ca bệnh không rõ nguồn lây. “Bóng ma” Covid-19 vẫn lẩn khuất trong cộng đồng, chờ cơ hội bùng phát trở lại. Vì thế, Hà Nội thực tế vẫn đang trong trạng thái cảnh giác cao độ, không hề buông lỏng. Covid-19 chưa cho phép thành phố được nghỉ ngơi…

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại huyện Thanh Trì (Hà Nội)

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19

tại huyện Thanh Trì (Hà Nội)

Xác định rõ sứ mệnh, nhiệm vụ ưu tiên số 1

Không một báo cáo, tài liệu nào có thể truyền tải hết được khối lượng công việc khổng lồ, chưa từng có tiền lệ, sự mất mát, hy sinh mà các các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân ta đã trải qua trong công cuộc phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua. Toàn quân, toàn dân và hệ thống chính trị đã dồn toàn lực đêm ngày chống dịch, không một phút nghỉ ngơi. Trong hàng nghìn, hàng vạn “pháo đài” phòng, chống Covid-19 được xây dựng trên khắp cả nước, không thể không nhắc tới vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của người Bí thư cấp ủy - vị tư lệnh đích thực trong những trận đánh ác liệt với kẻ thù vô hình SARS-CoV-2.

Từ thời điểm dịch bệnh có dấu hiệu khởi phát trở lại trong đợt dịch thứ tư, ngày 27-4-2021, Thường trực Ban Bí thư đã có Điện gửi Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19; các Tỉnh ủy, Thành ủy; cơ quan, đơn vị liên quan về tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19, trong đó nêu rõ: “Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, người đứng đầu cấp ủy trực tiếp chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh tại địa phương, chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các hoạt động phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn, phạm vi quản lý”.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban cán sự Đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cũng nhiều lần nhấn mạnh: “Bí thư cấp ủy các cấp trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống dịch tại địa phương, nhất là tại các địa phương đang thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội” và “Cấp ủy, tổ chức đảng là hạt nhân, các đảng viên phải thể hiện vai trò gương mẫu trong phòng, chống dịch bệnh”.

Đặc biệt quan tâm đội ngũ ở cơ sở, lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhiều lần nhắc nhở: Cần tập trung phát huy vai trò, trách nhiệm của các đồng chí Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn; Đảng ủy, UBND xã, phường, thị trấn phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm trực tiếp về kết quả phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn; bảo đảm công tác lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, xuyên suốt, toàn diện, thống nhất, quyết liệt và có kết quả.

Đồng chí Bí thư chi bộ, Trưởng ấp, khu phố cần tập trung tạo sự đồng bộ, thống nhất, kịp thời trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành công tác phòng, chống dịch bệnh, góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu ấp, khu phố. Tại Hà Nội, bước vào đợt giãn cách xã hội đầu tiên theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu: “Trực tiếp Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND các cấp phải chỉ đạo sát sao, hiệu quả toàn diện, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19”.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại “vùng đỏ” Văn Miếu - Văn Chương (Đống Đa)

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại “vùng đỏ” Văn Miếu - Văn Chương (Đống Đa)

Ngày 30-7, thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã ký ban hành Chỉ thị số 05-CT/TU về “Tăng cường trách nhiệm của hệ thống chính trị và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19”. Trong đó nêu rõ: “Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội từ thành phố đến cơ sở, trước hết là Bí thư cấp ủy, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương, cán bộ chủ chốt các cấp cần nhận thức sâu sắc hơn nữa ý nghĩa, tầm quan trọng về giãn cách xã hội để tập trung phòng, chống dịch Covid-19; xác định rõ đây là sứ mệnh, là nhiệm vụ chính trị ưu tiên số 1 để bảo vệ an toàn, tính mạng nhân dân, bảo vệ cuộc sống yên bình và tương lai phát triển của Thủ đô, của đất nước…”.

Từ đầu vụ dịch thứ tư tới nay, đồng chí Bí thư Thành ủy, các đồng chí trong Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, lãnh đạo UBND TP Hà Nội liên tục tới các “điểm nóng” để vừa nắm tình hình thực tế, kiểm tra, chỉ đạo ngay tại hiện trường và động viên lực lượng chống dịch… Chỉ riêng “vùng đỏ” tại 2 phường Văn Miếu - Văn Chương (quận Đống Đa), trong vòng 1 tuần, đồng chí Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đã 2 lần tới thị sát, đôn đốc công tác phòng chống dịch.

Trước đó, ngày 27-4-2021, ngay khi có những dấu hiệu cho thấy dịch bệnh Covid-19 có thể quay trở lại với những diễn biến phức tạp hơn, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đã thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy ký Công văn số 112-CV/TU về tăng cường phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố, trong đó nhấn mạnh yêu cầu kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng chống dịch tại Thủ đô và hàng loạt biện pháp quan trọng khác…

Từ đó tới nay, gần như hàng tuần, Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đều có các cuộc họp thường xuyên hoặc đột xuất để bàn thảo, xem xét, quyết định các giải pháp phòng, chống dịch. Sau mỗi cuộc họp, các bản Thông báo kết luận của Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy với tính định hướng rất cao đều nhanh chóng được lan tỏa tới mọi cấp, ngành, địa phương trên địa bàn thành phố cũng như trong cộng đồng dân cư, được xem như kim chỉ nam cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại Thủ đô.

Thông điệp cứng rắn về trách nhiệm

Là Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Cán sự đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặc biệt quan tâm tới vai trò của Bí thư cấp ủy trong công tác chỉ đạo ứng phó với dịch Covid-19.

Liên tục trực tiếp tới các tâm dịch để kiểm tra sự sâu sát của lãnh đạo cơ sở trong công tác phòng chống dịch, qua những cuộc trao đổi trực tiếp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát hiện ra tình trạng “lơ mơ”, nắm không chắc về quan điểm, chủ trương hay tình hình phòng, chống dịch ở một số cán bộ cấp ủy địa phương.

Ngày 13-9, tại cuộc họp trực tuyến với hơn 300 xã, phường, thị trấn của 2 tỉnh Kiên Giang và Tiền Giang, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt câu hỏi với Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình - nơi dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp: “Ngày hôm qua xét nghiệm trong cộng đồng, tỉnh phát hiện bao nhiêu ca F0? Phải rất cụ thể chứ cứ lơ mơ thì làm sao chỉ huy được?”.

Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang ấp úng trả lời có 154 ca F0. Tuy nhiên, khi Thủ tướng hỏi ở đâu thì vị lãnh đạo này đành báo cáo thật là “không nhớ nổi”. Những câu trả lời bị động, thể hiện sự lúng túng của Bí thư Tỉnh ủy khiến Thủ tướng rất sốt ruột, yêu cầu chấn chỉnh ngay: “Tôi đã gọi điện cho anh nhiều lần rồi anh Bình. Tôi nói là anh phải kiểm soát hàng ngày, để xem là tốc độ lây nhiễm hay số ca mắc trong cộng đồng tăng hay giảm. Hiện nay, các anh tổ chức xét nghiệm có đúng như hướng dẫn của Bộ Y tế chưa? Việc này rất quan trọng, tỉnh anh từ chỗ xanh rờn giờ chuyển sang đỏ quạch rồi…”.

Qua sự việc này, thông điệp của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Cán sự đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ gửi tới các địa phương là rất rõ ràng. Bí thư cấp ủy - người đã được Đảng, Nhà nước giao trọng trách “trực tiếp chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh tại địa phương” - phải bằng mọi cách thực hiện bằng được nhiệm vụ đó.

Hàng loạt đầu việc chưa từng có tiền lệ, tính chất phức tạp và sự nguy hiểm đặc biệt của Covid-19 buộc người đứng đầu cấp ủy phải bám rất sát tình hình địa bàn, thậm chí là từng phút; dùng hết thời gian, sức lực, trí tuệ và kinh nghiệm tích lũy được của mình để vận dụng linh hoạt, sáng tạo các chỉ đạo của cấp trên về phòng chống dịch ở địa phương mình, để làm sao đạt được hiệu quả cao nhất trong phòng chống dịch, đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe của nhân dân. Ở đây, không thể có chỗ cho sự “lơ mơ”, làm việc kiểu hời hợt, qua loa, đại khái, thiếu tinh thần trách nhiệm, càng không thể mắc sai lầm. Bởi, đôi khi chỉ chậm chân thôi, chúng ta đã phải trả giá bằng nhiều sinh mạng người dân.

“Pháo đài” không thể thiếu chỉ huy

Sự việc ở Kiên Giang là lần thứ 2 Thủ tướng Chính phủ chấn chỉnh, nhắc nhở về vai trò, trách nhiệm, phương pháp làm việc của Bí thư cấp ủy trong phòng chống Covid-19. Trước đó, hôm 31-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trực tiếp tới ổ dịch “nóng” nhất thành phố Hà Nội - phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân để kiểm tra. Trong nhiều hạn chế, thiếu sót mà người đứng đầu Chính phủ đã chỉ ra tại cuộc kiểm tra, điểm cốt lõi nhất là quận Thanh Xuân đã chậm kiện toàn nhân sự Bí thư Đảng ủy ở phường Thanh Xuân Trung.

Thủ tướng phê bình quận Thanh Xuân ngay tại chỗ và nhấn mạnh: “Một tháng rồi Đảng ủy phường không có Bí thư. Trong lúc nước sôi lửa bỏng mà thiếu người đứng đầu Đảng ủy phường, tức thiếu chỉ huy là không được. Đây rõ ràng là khuyết điểm và cần phải được khắc phục ngay”. Xã, phường là nơi gần dân nhất, hiểu dân nhất và Chính phủ đã chỉ đạo “lấy xã, phường là “pháo đài”, người dân là chiến sĩ…” trong phòng, chống Covid-19. Trong “pháo đài” đó, Bí thư cấp ủy chính là vị tư lệnh đứng phía sau mọi quyết sách quan trọng nhất. “Pháo đài” mà lại thiếu chỉ huy thì vận hành ra sao, thần tốc chống giặc kiểu gì?

Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng, chỉ một ngày sau, 1-9, Quận ủy Thanh Xuân đã có quyết định điều động, chỉ định ông Nguyễn Xuân Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Thanh Xuân tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy phường Thanh Xuân Trung, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Tất nhiên, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của vị tân Bí thư Đảng uỷ phường Thanh Xuân Trung khi đó là phối hợp với các đơn vị liên quan chỉ đạo ráo riết việc dập ổ dịch “nóng” nhất thành phố ở ngõ 328 và 330 Nguyễn Trãi.

Cũng ngay trong tối 1-9, khoảng 1.200 người sống trong ổ dịch nguy hiểm nhất Thủ đô ở phường Thanh Xuân Trung bắt đầu lần lượt được di dời khỏi “điểm nóng” trong một “chiến dịch” khổng lồ chưa từng có tiền lệ được thiết lập trong chưa đầy 24 giờ.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Ngày 29-7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch Covid-19. Theo đó, Tổng Bí thư yêu cầu: “Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 từ Trung ương tới cơ sở phải quyết liệt hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo; tập trung cao nhất công sức, thời gian, ưu tiên mọi nguồn lực; chủ động nắm chắc và dự báo, kiểm soát tốt tình hình; tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, không để bị động, bất ngờ trong ứng phó với diễn biến mới của dịch bệnh; linh hoạt, sáng tạo tổ chức thực hiện có hiệu quả công việc hệ trọng này”.

(Còn nữa)

Bài 2: Cuộc họp cấp ủy lúc 2h sáng và “chiến dịch” di dân khẩn cấp chưa từng có