Bị siết chặt, sữa vẫn chưa giảm giá

ANTĐ - “Mệnh lệnh hành chính” yêu cầu các doanh nghiệp phải loại chi phí quảng cáo ra khỏi giá sữa từ ngày 15-4 tới đây và Nghị định 100/2014/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1-3 vừa qua, cấm quảng cáo sữa cho trẻ em dưới 2 tuổi liệu có khiến giá sữa giảm? Hàng triệu người tiêu dùng đang chờ câu trả lời từ thị trường sữa.

Bị siết chặt, sữa vẫn chưa giảm giá ảnh 1Người tiêu dùng chưa được hưởng lợi từ quy định mới quản lý giá sữa

Giá sữa quyết không giảm?

Theo Nghị định 100/2014/NĐ-CP, từ ngày 1-3-2015, các sản phẩm thay thế sữa mẹ dành cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi; thức ăn bổ sung dùng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi; bình bú và vú ngậm nhân tạo dưới mọi hình thức; sử dụng hình ảnh bào thai hoặc trẻ nhỏ trong quảng cáo sữa dùng cho phụ nữ mang thai sẽ bị cấm quảng cáo. Về mặt lý thuyết, giá sữa bán lẻ đến tay người tiêu dùng sẽ giảm do cắt giảm chi phí quảng cáo. Các doanh nghiệp  không được tính chi phí này vào giá thành sản phẩm. Theo số liệu được cơ quan quản lý công bố cuối năm 2014, có lúc chi phí này chiếm đến hơn 30% chi phí kinh doanh. 

Trên thực tế, hơn 1 tháng qua, quảng cáo sữa trên các phương tiện truyền thông đại chúng giảm hẳn. Trước đây, nếu vào “giờ vàng” (khoảng 20h hàng ngày) của các kênh truyền hình, quảng cáo sữa luôn chiếm tỷ lệ lớn. Song hoạt động quảng cáo về bề nổi hiện nay gần như không có. Theo logic, khi chi phí quảng cáo được tiết giảm thì giá sữa phải giảm. Nhưng từ đầu tháng 3 đến nay, giá sữa trên thị trường không có bất kỳ biến động nào có lợi cho người tiêu dùng. Giá một số loại sữa phổ biến tại thị trường Việt Nam và thường quảng cáo vào “giờ vàng” vẫn cao ngất ngưởng. Cụ thể, Enfamil A+1 360 Brain Plus 900gam 525.000 đồng/hộp;   Enfamil A+2 360 Brain Plus 900gam giá 500.000 đồng/hộp; Friso Gold Pedia 900gam giá dao động từ 515.000- 524.000 đồng/hộp; S26 số 4 hộp 900gam giá 425.000 đồng/hộp; Abbott Grow số 3 hộp 900gam trung bình 258.000 đồng/hộp. 

Định kỳ mua sữa cho con 4 hộp 900 gam/tháng, chị Nguyễn Thu Thủy (khu đô thị Trung Hòa- Nhân Chính) cho biết: “Tôi thường xuyên so sánh giá sữa giữa các đại lý để lựa chọn, nhưng lâu nay chưa thấy nơi nào giảm giá bán lẻ. Đại lý vẫn áp dụng hình thức khuyến mãi tặng quà cho khách hàng khi tích nắp lon sữa. Khách hàng tích được ít nắp thì được tặng khăn mặt hoặc thú nhồi bông, tích được nhiều nắp thì được tặng xe đạp, xe máy điện cho trẻ…”.

Thăm dò thêm tại một số website bán hàng qua mạng cho thấy, giá bán các loại sữa trong thời gian gần đây vẫn không có biến động. Một số đại lý ghi mức chiết khấu 5-10%, nhưng giá bán sau giảm trừ vẫn ngang  mức giá bán lẻ ngoài các đại lý lớn và đa số nằm trong khung giá trần do Bộ Tài chính quy định. 

Siết nhiều vòng vẫn… chưa chặt

Bên cạnh Nghị định 100 có hiệu lực vừa tròn 1 tháng, Bộ Tài chính cũng vừa áp giá trần thêm 10 sản phẩm nữa của 2 doanh nghiệp là Công ty TNHH Nestle Việt Nam và Công ty TNHH FrieslandCampina Việt Nam. Tuy nhiên, trong khi hiệu quả từ Nghị định 100 còn mờ nhạt, thì 10 sản phẩm sữa mới được áp giá trần lại không dễ tìm trên thị trường. Cụ thể, Dutch Baby Mau lớn Gold dành cho trẻ 0-6 tháng tuổi đang được nhiều đại lý báo “Sản phẩm đang tạm thời hết hàng”. Dutch Baby Tập đi Gold, Dutch Lady Tò mò Gold… khi được hỏi nhân viên cửa hàng sữa đều lắc đầu. Điều này cho thấy quy định áp trần giá sữa chưa mang lại hiệu quả. 

Cũng theo Nghị định 100 thì hoạt động tiếp thị sữa cũng bị cấm, nhưng do không được kiểm tra thường xuyên nên tình trạng này vẫn tiếp diễn. Ví dụ, tại đại lý sữa lớn ở khu tập thể Thành Công, hàng chục nhân viên các hãng sữa vẫn xếp hàng để phát tờ rơi, giới thiệu sản phẩm với khách dừng xe. 

Để tăng cường quản lý giá sữa, từ ngày 15-4 tới đây, Bộ Tài chính yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sữa phải loại bỏ chi phí quảng cáo ra khỏi cơ cấu giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ dưới 24 tháng tuổi. Đây được coi là bước cụ thể hóa quy định cấm quảng cáo sữa. Tuy nhiên, liệu doanh nghiệp có “lách luật”, loại chi phí quảng cáo ra khỏi cơ cấu giá sữa nhưng lại “gài” vào chi phí khác? Một chuyên gia kinh tế cho rằng: “Các doanh nghiệp và hãng sữa đã chi quá nhiều cho quảng cáo; phổ biến nhất là chiếm tới hơn 30% chi phí kinh doanh và nhiều trường hợp vượt cả mức này. Ngoài việc áp dụng các mệnh lệnh hành chính, cơ quan quản lý cần có biện pháp để ngăn chặn doanh nghiệp “lách luật”.