Bí quyết kiểm soát sách và tạo hứng thú đọc

ANTĐ - TS Nguyễn Thị Ngọc Minh, giảng viên khoa Ngữ văn, ĐH Sư phạm Hà Nội đã gắn bó nhiều năm với trẻ em để tìm hiểu tại sao không ít học sinh không thích đọc sách. Nhiều “bí quyết” được chị chia sẻ để thay đổi hẳn thói quen đọc sách của các em...

-  PV: Nhiều cha mẹ quá bận rộn, không có thời gian thì làm thế nào để kiểm soát các cuốn sách trước khi mua về cho con mình đọc?

- TS Nguyễn Thị Ngọc Minh: Tôi vẫn có thói quen tham khảo phần giới thiệu sách. Những nhà phát hành  nghiêm túc thường rất chú trọng việc giới thiệu sách đến người đọc. Nhờ phần giới thiệu, cha mẹ có thể sơ bộ nắm được tinh thần của cuốn sách, qua đó mà phần nào kiểm soát được nội dung.

Bí quyết kiểm soát sách và tạo hứng thú đọc ảnh 1

Đọc sách cùng trẻ ngay từ nhỏ là cách làm tốt, giúp trẻ tìm thấy nhiều điều thú vị

Bên cạnh đó, có cách nhận biết nhanh như nhìn vào trang bìa, mục lục, lời giới thiệu, nếu biết cách đọc thông minh, cha mẹ cũng đã có thể dự đoán chính xác 50% chất lượng của cuốn sách. Ngoài ra, vốn tri thức của cha mẹ cũng rất quan trọng để có thể chọn sách hiệu quả. Việc tự trang bị cho mình một phông nền tri thức sâu rộng, một kho dữ liệu những từ khóa trong các lĩnh vực tri thức khác nhau sẽ giúp bố mẹ hiểu được đâu là những tri thức hữu ích sẽ theo con suốt cả cuộc đời và đâu là những thông tin chỉ có ý nghĩa trong chốc lát. 

- Tiến sỹ khuyên cha mẹ nên chọn sách thế nào cho con?

- Phụ huynh nên chọn sách phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, sở thích, cá tính của con. Mỗi đứa trẻ có một sở thích, thiên hướng, tiềm năng, cá tính khác nhau. Con trai thường thích truyện phiêu lưu, trinh thám, khoa học, truyện có các nhân vật là các cậu bé trai, gam màu chủ đạo là màu xanh, trong khi đó con gái lại thích truyện tình cảm, truyện gia đình, truyện có nhân vật là các bé gái, màu sắc chủ đạo là màu hồng, cam, đỏ. Cuốn sách khó quá so với hiểu biết của con sẽ làm con cảm thấy nản chí khi đọc. Sở thích của con là tiêu chí quan trọng nhất để lựa chọn sách. Có bạn chỉ thích đọc sách về khoa học tự nhiên, có bạn lại say mê truyện lịch sử, có bạn thích truyện phiêu lưu. Hãy bắt đầu giúp con yêu thích việc đọc bằng cách chọn những cuốn sách mà con thích, phù hợp với mối quan tâm của con.

- Cha mẹ có nhất thiết phải đọc sách cùng con hay không và nên duy trì thói quen này như thế nào?

- Nếu cha mẹ có thời gian để đọc sách cùng con thì thật lý tưởng nhưng vì sức ép của công việc, rất nhiều người không có nhiều thời gian dành cho con cái, chưa nói đến việc đọc sách cùng con. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều cách để thúc đẩy việc đọc sách của trẻ mà không tốn quá nhiều thời gian. Còn gì vui bằng việc hai mẹ con vừa mua một cuốn sách, trên đường về nhà, cùng đoán xem cuốn sách sẽ nói về cái gì.

Một cuộc thi dự đoán về cuốn sách trên đường về vừa là cách thú vị để kích thích trí tò mò, óc tưởng tượng, sáng tạo của trẻ, vừa khiến cho hoạt động đọc trở nên thú vị. Bố mẹ cũng có thể lôi kéo bạn bè của con vào việc đọc: cho con tham gia các câu lạc bộ đọc sách, rủ thêm các bạn của con vào đọc sách, hay thậm chí là mở một thư viện miễn phí cho trẻ con ngay trong nhà là một cách hiệu quả để tạo động lực và môi trường đọc sách cho trẻ. Khi bọn trẻ cùng đọc chung một cuốn sách, chúng sẽ có chung một câu chuyện để nói với nhau, thậm chí chúng có thể tự dạy dỗ nhau một cách hiệu quả hơn cả người lớn.

- Được biết Tiến sĩ đang có dự án đọc sách cho trẻ em. Vậy hiệu quả của dự án này như thế nào?

- Dự án của chúng tôi bước đầu đã tạo nên một cộng đồng đọc sách khoảng 200 học sinh Hà Nội, giúp học sinh yêu thích việc đọc sách, biết cách đọc sách hiệu quả và ý thức được giá trị của sách. Trong số các học sinh này, có những học sinh ban đầu hoàn toàn không thích đọc sách, chỉ thích chơi game và đọc truyện tranh, nhưng sau một thời gian tham gia các hoạt động của dự án thì đã thay đổi hoàn toàn. Đặc biệt, có những bạn đã theo khoảng 3-4 năm, và đã đọc được khoảng 20-30 tác phẩm văn học kinh điển, mỗi cuốn vài trăm trang, có thể thuyết trình, giới thiệu, kể lại cuốn sách một cách rất rành mạch, có thể đưa ra những cảm nhận rất sâu sắc về cuốn sách mà mình đã đọc.