Bị "phanh gấp", doanh nghiệp bất động sản "ngộp thở" vì thiếu vốn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trái phiếu doanh nghiệp bị "phanh gấp", trong khi tiếp cận vốn ngân hàng khó khăn đã ảnh hưởng lớn đến thanh khoản thị trường bất động sản, nhiều doanh nghiệp thiếu vốn trầm trọng.

Doanh nghiệp "ngộp thở" vì thiếu vốn

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA), thị trường bất động sản hiện thiếu trầm trọng thanh khoản, trong đó, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp hiện nay là nguồn vốn.

Theo ông, doanh nghiệp bất động sản hiện có các kênh huy động vốn chính gồm: vốn sở hữu, vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu, vốn huy động từ khách hàng và vốn FDI. Trong đó, vốn chủ sở hữu theo quy định tại luật Đất đai rất thấp, chỉ chiếm từ 15 - 20%. Còn 80 - 85% còn lại phải huy động từ các kênh khác.

Trong khi đó, từ sau khi có Thông tư 20 từ Ngân hàng Nhà nước, doanh nghiệp bất động sản không được vay tiền để mua đất ở các ngân hàng thương mại, chỉ được vay để thực hiện dự án khi đã có đất.

Việc khó tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của các doanh nghiệp. Ngoài ra, Thông tư 20 cũng không cho cá nhân, hộ gia đình vay mua nhà ở xã hội, họ chỉ còn kênh duy nhất là vay ở ngân hàng chính sách.

"Tín dụng là bệ đỡ của nền kinh tế, là mạch máu, bình ô xy, dưỡng khí của thị trường bất động sản. Không tiếp cận được nguồn vốn này, doanh nghiệp gần như "ngộp thở", dẫn đến tắc thở " - ông Lê Hoàng Châu nhấn mạnh.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản đang gặp khó khăn về dòng tiền (Ảnh minh họa)

Nhiều doanh nghiệp bất động sản đang gặp khó khăn về dòng tiền (Ảnh minh họa)

Cũng theo lãnh đạo HoREA, tổng dư nợ cho thị trường bất động sản theo thống kê của NHNN hiện là 2,288 triệu tỉ đồng, tỉ lệ nợ xấu chiếm khoảng hơn 1,6%. Tín dụng bất động sản nếu so với quy mô của nền kinh tế chỉ ở mức bình thường, chiếm 19,16%, không đáng lo ngại.

Do đó, theo ông, NHNN đã khẳng định không siết tín dụng bất động sản thì cần có thêm các chính sách cụ thể hóa chủ trương này. Cụ thể, các doanh nghiệp khỏe mạnh, những khách hàng tin cậy, có tín nhiệm và các dự án đáp ứng đủ điều kiện, đảm bảo tính khả thi phải được tiếp tục vay vốn tại các ngân hàng thương mại. Người tiêu dùng cũng cần rộng cửa tiếp cận nguồn vốn để mua nhà, xây nhà.

Ông Châu cũng cho rằng, ngân hàng thương mại hiện còn cho vay yêu cầu tài sản thế chấp trên dưới 70%. Như vậy, chưa đánh giá tính khả thi của dự án để cho vay. Nếu không thay đổi theo hướng cho vay trên cơ sở đánh giá tín nhiệm, đánh giá chất lượng doanh nghiệp thì rất khó để Việt Nam có thể xuất hiện những tập đoàn lớn, mạnh như Hyundai, Samsung của Hàn Quốc.

Chính sách không nên "phanh gấp"

Theo TS Nguyễn Hữu Huân - Trưởng bộ môn Tài chính Trường Đại học Kinh tế, đại dịch Covid-19 làm gián đoạn hoạt động sản xuất, kinh doanh đã khiến dòng vốn đổ xô vào thị trường chứng khoán và bất động sản, làm giá tăng mạnh. Có thể đây cũng là điều mà NHNN nhận thấy và việc kiểm soát rủi ro, hạn chế dòng tín dụng vào thị trường này hoàn toàn đúng đắn.

Tuy nhiên, kiểm soát tín dụng bất động sản thế nào. Vị chuyên gia dẫn ví dụ từ thị trường Mỹ, trong cuộc khủng hoảng tài chính từ năm 2007 - 2008 bắt nguồn từ cho vay dưới chuẩn. Ở thời điểm đó, các ngân hàng của Mỹ sẵn sàng cho người dân, cả dưới chuẩn vay mua nhà và định giá bằng tài sản hình thành trong tương lai.

Tuy nhiên, khi lãi suất tăng thì những người vay dưới chuẩn không trả nổi, người dân bán tháo làm thanh khoản thị trường giảm mạnh, kéo theo hệ thống tài chính sụp đổ.

Tại Việt Nam, cách nay hơn 10 năm, ngân hàng cho vay dưới chuẩn và đến nay việc xử lý nợ vẫn còn diễn ra. Do đó, theo ông các ngân hàng xác định chuẩn là như thế nào, cần cho vay theo dòng tiền, thu nhập của người vay. “Đó là giải pháp cần quan tâm trong thời gian tới. Cho dù bất động sản có mất tính thanh khoản thì người vay vẫn đủ khả năng trả nợ” - ông nói.

Về phía doanh nghiệp bất động sản, theo vị chuyên gia, cần đa dạng huy động vốn, tránh dựa vào tín dụng quá nhiều (trái phiếu, huy động vốn nước ngoài, ứng dụng công nghệ blockchain…). Còn về phía chính sách, ông cho rằng không nên “phanh gấp”.

Về chính sách, vị chuyên gia cho rằng không nên "phanh gấp", các chính sách của Chính phủ và NHNN cần có tính dự báo được. "Như Fed muốn tăng lãi suất thông báo trước 1 - 2 quý, doanh nghiệp dựa vào tín hiệu của Fed có kế hoạch hoạt động phát triển. Việt Nam đưa ra chính sách có vẻ hơi gấp, nên doanh nghiệp trở tay không kịp. Chẳng hạn, phát hành trái phiếu bị ngưng, trái phiếu cũ đến hạn nhưng không vay được nguồn vốn mới, nên gây ra áp lực lớn. Chính sách cần có lộ trình và dự báo được thì doanh nghiệp sẽ hạn chế rủi ro chính sách, đưa ra được kế hoạch sản xuất kinh doanh” - ông nói.