Bí mật của ông chủ rạp xiếc người Đức trước nạn tàn sát người Do Thái

ANTD.VN - Tháng 4, ngành xiếc quốc tế có một ngày dành riêng cho mình: Ngày Xiếc Thế giới 20-4. Nhắc đến xiếc, có lẽ không nhiều người biết đến cái tên Adolf Althoff và sứ mệnh đầy nguy hiểm của ông khi cứu các đồng nghiệp Do Thái trước cái chết cận kề thời Đức quốc xã.

Bí mật của ông chủ rạp xiếc người Đức trước nạn tàn sát người Do Thái ảnh 1

Ông Adolf Althoff và đoàn xiếc gia đình đã được ghi vào lịch sử là những người Đức đã cứu giúp người Do Thái trước nạn tàn sát của phát xít Đức

Dòng họ Althoff có truyền thống hoạt động, kinh doanh trong lĩnh vực xiếc từ cuối thế kỷ XVII, không lâu sau khi rạp xiếc đầu tiên ra đời ở Đức. Ông Dominik Althoff đã thành lập chương trình xiếc riêng cho mình vào năm 1905 và kết hôn với một diễn viên chuyên biểu diễn với ngựa, Adele Mark. Hai người sinh được 8 người con. Trong số đó, ông Adolf sinh vào một ngày năm 1913 ngay trên nền rạp xiếc của cha mẹ, còn bên ngoài là lễ hội âm nhạc đang diễn ra. 

Ông chủ đoàn xiếc 300 năm tuổi 

Năm 17 tuổi, Adolf phụ trách quan hệ công chúng đồng thời cũng là nhà huấn luyện voi và ngựa tài năng. Ở tuổi 23, ông đã chỉ đạo chương trình riêng cùng em gái mình với tiết mục xuất sắc là cho hổ cưỡi trên lưng ngựa. Ông kết hôn với một thành viên của một gia đình xiếc nổi tiếng khác, Maria von der Gathen và bắt đầu vai trò quản lý cả rạp xiếc Adolf          Althoff, được ca ngợi là “một trong những rạp xiếc có kỹ thuật thành thạo nhất thế giới và là một trong những chương trình biểu diễn được ưa thích nhất ở Đức”. 

Thế chiến II bùng nổ, đoàn xiếc Adolf Althoff khi đó có khoảng 90 nghệ sỹ và nhân viên. Các nghệ sĩ xiếc thường không được đánh giá cao về khả năng chống đối chế độ phát xít giống như giới văn, nghệ sỹ khác, bằng chứng là các đoàn xiếc của Đức thường được Paul Joseph Goebbels - Bộ trưởng Bộ Giác ngộ quần chúng và Tuyên truyền của Đức Quốc xã từ 1933 đến 1945 cử đi phục vụ công tác tuyên truyền quốc tế.

Tuy nhiên, cuộc thanh trừng những nghệ sỹ Do Thái là không tránh khỏi mặc dù họ đóng vai trò quan trọng đối với ngành xiếc của Đức qua nhiều thế hệ. Thời kỳ ấy, trong khi một số công ty xiếc gia đình bị phá sản, một số hãng lớn khác như Carl Krone và Paula Busch gia nhập Đảng Quốc xã, nhưng nhà Althoff từ chối. 

Những người hùng thầm lặng

Anh trai và em gái ông Adolf giấu người Do Thái trong rạp xiếc nhà mình, nhưng ông Adolf còn đi xa hơn nữa. “Trong một rạp xiếc, bạn có thể làm được nhiều việc và có thể giữ bí mật”, ông Adolf Althoff chia sẻ. Hơn 5 năm, ông, vợ ông và gia đình đã liều mạng cứu giúp các nghệ sĩ xiếc người Do Thái. Nhà Althoff đã chở che cho bà Gerda Blumenfeld - người có gia đình đã mất đi cả gánh xiếc bởi hầu hết các thành viên phải vào trại tập trung hay tiếp nhận diễn viên nhào lộn Irene Danner, người bị đuổi khỏi trường học ở Darmstadt chỉ vì là người Do Thái.

Tình hình càng trở nên nguy hiểm hơn sau khi người Do Thái ở Darmstadt bị trục xuất vào năm 1942 và 1943. Gia đình Althoff đồng ý bảo vệ cho mẹ và em gái của Irene. “Chúng tôi cho họ ở lại mà không hề phân vân. Đơn giản là tôi không cho phép để họ rơi vào tay những kẻ giết người. Từ chối cũng giống như tôi là kẻ giết người vậy”, ông Adolf Althoff nói.

Gia đình Althoff cho phép những người Do Thái làm việc dưới tên giả và không có giấy tờ hợp lệ. Trên đường lưu diễn, tới trạm có Gestapo kiểm tra, họ đề ra mật hiệu gõ 1 tiếng hay thì thầm “Đi câu cá” là gia đình những người Do Thái sẽ trốn trong toa xe hoặc chạy vào rừng.

Mỗi khi có đoàn kiểm tra, ông chủ rạp xiếc Adolf lại hào phóng cung cấp vé miễn phí, mang rượu và gấu làm xiếc ra chiêu đãi để mua chuộc. Sau chiến tranh, đoàn xiếc của ông Adolf Althoff vẫn tiếp tục tỏa sáng và vị giám đốc chỉ nghỉ hưu vào thập niên 1970 sau một lần tiếp tục một màn trình diễn và bị hổ cắn. Người đàn ông Đức tài năng và đức độ này đã qua đời năm 1998, thọ 85 tuổi.

Nói về ân nhân của mình, bà Irene Danner cho biết: “Gia đình Althoff đã giúp chúng tôi theo bản năng của họ, chứ không phải để chúng tôi trả ơn. Nếu không có họ, gia đình tôi sẽ không thể sống sót sau cuộc tàn sát người Do Thái”.

Dịp được Đài tưởng niệm các nạn nhân Do Thái Yad Vashem ở Jerusalem vinh danh, ông Adolf Althoff từng nói: “Những người làm xiếc như chúng tôi không thấy sự khác biệt về chủng tộc hay tôn giáo”. Văn hóa nghệ thuật là cầu nối kỳ diệu như thế và người ta càng thấm thía, chủ nghĩa anh hùng thường được nhen lên ở những thời điểm lịch sử đen tối nhất.