Bi kịch từ cho vay nặng lãi

ANTĐ -Thời gian gần đây, nhiều vụ cho vay nặng lãi đã xảy ra và để lại hậu quả đau lòng, người chết, kẻ đối mặt với cảnh lao tù. Trên thực tế, “tín dụng đen” đã được hình thành từ lâu, tuy nhiên, mức độ gây ảnh hưởng đến tình hình kinh tế cũng như an ninh trật tự thì mới bùng phát khiến cho dư luận không khỏi quan tâm…

Ba đối tượng bắt người trái pháp luật để xiết nợ lãi suất cao

Chịu lãi “cắt cổ” phải thắt cổ!

Vụ chết người gây chấn động xảy ra ngày 17-1-2012 tại số nhà 81, ngõ 98, phố Thái Hà, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, của vợ, chồng Vũ Minh Trí và Trương Kim Nhung (cùng SN 1976). Nạn nhân được cơ quan điều tra xác minh là ông Đỗ Mạnh Hoan (SN 1960, trú tại tập thể Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân) chết trong tư thế treo cổ. Cơ quan CSĐT cũng sớm làm rõ vụ việc với nội dung: Cuối năm 2010, do cần vốn làm ăn nên ông Hoan vay của Nhung 460 triệu đồng. Do không có đủ tiền, Nhung phải thêm 200 triệu đồng của Ngô Tiến Dũng (SN 1974, trú tại phường Trung Liệt, quận Đống Đa) để cho ông Hoan vay với lãi suất “cắt cổ”.

Một thời gian sau, do làm ăn thua lỗ, ông Hoan không trả được tiền lãi nên bị Nhung cùng một số người khác thường xuyên kéo đến căn nhà tập thể ở Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân đòi nợ. Từ 460 triệu đồng, ông Hoan đã phải viết giấy nhận nợ 1,5 tỷ đồng, có sự chứng kiến của cô em gái là bà Đỗ Minh Tâm và hẹn 1 tháng sau sẽ thanh toán. Đến hạn, ông Hoan vẫn không có tiền trả nên phải lẩn trốn chủ nợ.

Tháng 5-2011, khi đi trên phố Chùa Bộc, quận Đống Đa, Nhung nhìn thấy ông Hoan nên đã gọi điện cho chồng đến “bắt” giữ. Ít phút sau, Trí cùng Nguyễn Hoàng Việt (SN 1977, trú tại phường Khương Đình, quận Thanh Xuân) và một đối tượng khác tên là Dũng đến ép ông Hoan về nhà Trí tại số 81, ngõ 98, phố Thái Hà.

Tại đây, Trí và Việt đánh ông Hoan, rồi cùng Nhung ép lấy được “sổ đỏ” căn hộ của ông Hoan ở phường Thanh Xuân Bắc đem bán được hơn 1,7 tỷ đồng. Uất ức vì vừa mất nhà và vừa bị “giam lỏng”, ngày 17-1, ông Hoan đã treo cổ tự vẫn.

Trong một vụ việc khác, mặc dù hậu quả chưa xảy ra như trường hợp của ông Hoan nhưng gia đình bà Nguyễn Thị Ph, ở phố Vũ Thạnh (phường Cát Linh, quận Đống Đa) cũng rơi vào cảnh khốn đốn khi phải theo hầu chủ nợ vào những ngày giáp Tết Nhâm Thìn.

Trước đó, tin lời con rể, bà Ph. đứng ra vay hơn 100 triệu đồng với lãi suất tính theo ngày để cho con rể làm ăn. Ai ngờ, do ham mê lô đề, cá độ bóng đá, số tiền trên đã bị con rể “nướng” sạch sành sanh. Không những thế, sẵn có chỗ vay tiền, chàng rể còn lấy uy tín của bà Ph. rồi tự ý vay thêm một khoản khá lớn khác. Khi cộng cả gốc lẫn lãi, số tiền lên ngót tỷ đồng, chàng rể nhanh chân bỏ trốn, để lại vợ con cho gia đình nhà ngoại.

Thế nhưng, do chủ quỹ “tín dụng đen” này là dân “anh chị” nên cuộc xiết nợ đã được lên kế hoạch khá “bài bản”. Ban đầu, chủ nợ cho đàn em đến đòi rồi gặp vợ “con nợ” dọa dẫm, khiến chị ta cũng chẳng dám ra khỏi nhà. Không được, buổi tối hàng chục tên mũ lưỡi trai sùm sụp trên đầu lại kéo đến đầu ngõ chửi bới gây ầm ĩ, khiến người đi qua cũng phải ngán ngẩm. Để còn tâm trí làm ăn, bà mẹ vợ phải trả cả gốc lẫn lãi số tiền đứng ra vay cho con rể nhưng vẫn không xong. Bản tính giang hồ, thích hành xử theo kiểu “luật rừng”, nhóm cho vay nặng lãi đã bắt cả bà Ph. đưa xuống tận quê chàng con rể. Đến lúc này, hai bên gia đình giáp mặt, sự thật đau lòng đã làm rạn nứt thêm mối quan hệ thông gia đã từng bị sứt mẻ trước đó. Khi bà Ph. được sự trợ giúp pháp lý của một người tốt bụng, việc vay, trả mới được giải quyết có lý có tình.

Lách luật

Ai cũng biết, việc cho vay nặng lãi là vi phạm pháp luật và điều này đã được quy định rõ ràng trong BLHS cùng một số quy định khác của pháp luật. Tuy nhiên, “có cầu thì ắt có cung” cùng lấy lý do là “tự nguyện”, nên hình thức cho vay nặng lãi đã phát triển rất mạnh. Nếu hình thức làm ăn lớn thì nhiều quỹ “tín dụng đen” núp dưới danh nghĩa “cho thuê tài chính” để hoạt động, nếu nhỏ lẻ thì chỉ cần những cam kết đơn giản giữa hai bên là có thể thiết lập quan hệ vay, mượn. Tuy nhiên, nhiều “con nợ” khi vay được tiền thì lại bị chủ nợ “xiết” nợ với “101” kiểu tính lãi khiến cho số tiền phải thanh toán là rất lớn.

Theo luật sư Trịnh Anh Dũng - Trưởng Văn phòng Luật sư Trịnh (thuộc Đoàn LSTP Hà Nội): Vừa qua, hàng loạt vụ vỡ nợ xảy ra trên địa bàn cả nước khiến dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Thực tế, những người có nguồn tiền nhàn rỗi cho người khác vay mượn, kèm theo lãi suất tùy theo sự thỏa thuận của hai bên. Hình thức này nhiều khi mang tính tích cực nhưng cũng không ít trường hợp lợi dụng để trục lợi một cách trái pháp luật. Nếu việc cho vay ở mức lãi suất thấp thì đó chỉ là những quan hệ dân sự bình thường. Khi có tranh chấp thì các bên tự thỏa thuận với nhau, nếu không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu tòa án giải quyết thông qua bản án hay quyết định dân sự. Tuy nhiên, người cho vay với mức lãi suất quá cao thì có dấu hiệu phạm tội hình sự.

Bên cạnh đó, người cho vay “tín dụng đen” còn có thể là các băng nhóm chuyên cho vay nặng lãi, được tổ chức một cách chặt chẽ, sẵn sàng sử dụng các thủ đoạn tàn ác, trái pháp luật đối với con nợ và gia đình của họ để thu hồi các khoản tiền lãi “cắt cổ” và nợ gốc. Pháp luật cần phân biệt rõ và có chính sách xử lý nghiêm với những đối tượng này về các hành vi cho vay nặng lãi, cưỡng đoạt tài sản, cướp tài sản… nếu có đủ căn cứ.

Một số điều tra viên thuộc Cơ quan CSĐT-CATP Hà Nội được biết, rất nhiều vụ án từ việc cho vay nặng lãi đã xảy ra. Loại hình tội phạm này diễn ra tinh vi và cũng rất khó kiểm soát. Có trường hợp khi vay, sau khi làm giấy vay nợ, chủ vay đã “cắt” luôn số tiền lãi. Và điều này chỉ là “thỏa thuận ngầm”, không được thể hiện bằng văn bản nên khi xảy ra vụ việc rất khó xác minh, làm căn cứ truy cứu TNHS.

Điều đáng nói, tất cả các vụ cho vay nặng lãi đều là các giao dịch dân sự với các thỏa thuận tự nguyện từ hai phía. Chính vì vậy, khi vụ án bị phát giác rất có thể, người đi vay sẽ bị liên đới. Vì thế, các vụ cho vay nặng lãi chỉ được phát hiện khi nó đã biến thành các tội danh liên quan như: Cưỡng đoạt tài sản; bắt giữ hoặc giam người trái pháp luật; làm nhục người khác…