Bi kịch “tín dụng đen”: Vừa đòi nợ, vừa... cướp

ANTĐ - Năm 2011 là một năm mở đầu cho một loạt những bi kịch xảy ra từ việc cho vay nặng lãi. Những vụ vỡ nợ hàng chục tỷ, hàng trăm tỷ khiến Tết Nhâm Thìn đối với hàng trăm gia đình là nạn nhân của những đường dây vỡ nợ này buồn hiu hắt.

Những cái tên Nguyễn Thị Cúc (thị trấn Phú Minh, huyện Phú Xuyên), vợ chồng Quang - Quyên (thị trấn Phùng, Đan Phượng), Nguyễn Thị Ngừng (Thường Tín, Hà Nội)... là nỗi căm hận, xót xa của hàng trăm nạn nhân mất nhà mất cửa vì những con nợ cỡ... khủng long này. Thậm chí, cả một đoạn thị trấn Phú Minh là nạn nhân của Cúc năm nay dường như không ai muốn sắm sửa gì. Còn mới đây nhất, một bi kịch khác đã xảy ra ở ngay chính nhà chủ nợ khi con nợ đã treo cổ tự tử ngay trong nhà chủ nợ này. Vụ việc xảy ra tại phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội khi chỉ còn vài ngày nữa là tới Tết Nhâm Thìn.

Cho bạn thân của bố vay nặng lãi lên tới 30%/tháng

9h30 sáng 17-1, tại ngôi nhà 81, ngõ 98, phố Thái Hà, phường Trung Liệt, quận Đống Đa (Hà Nội), chủ nhà Trương Kim Nhung, SN 1976, đã phát hiện ông Đỗ Mạnh Hoan, SN I960, ở tập thể Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, là bạn của bố Nhung đã treo cổ tự tử tại tầng 5 của ngôi nhà. Tại cơ quan Công an, Nhung đã giải trình về việc tại sao ông Hoan lại sống trong nhà mình. Theo tường trình của Nhung thì Nhung đã cho ông Hoan vay 460 triệu đồng (trong đó 260 triệu là của Nhung, còn 200 triệu là do Nhung vay của Ngô Tiến Dũng, SN 1974, trú tại phường Trung Liệt, quận Đống Đa) với tỉ lệ l0 nghìn/1 triệu/1 ngày (tương đương với lãi suất 30%/tháng).

Ông Hoan trước đây là cán bộ Nhà nước, chuyên thiết kế các công trình thủy lợi và xây dựng cơ sở hạ tầng cho nhiều địa phương. Ông Hoan là bạn thân của bố Trương Kim Nhung, do nhận nhiều công trình nên ông Hoan rất cần vốn và đã phải vay tiền của Nhung. Thời gian đầu, ông Hoan trả lãi đều đặn, nhưng gần đây, do tình hình chung của ngành xây dựng, các công trình không được thanh toán tiền kịp thời khiến ông Hoan không có khả năng trả nợ Nhung, trong khi số tiền nợ tính cả gốc lẫn lãi đã lên tới hơn 1 tỷ đồng chỉ trong vài tháng. Nhung đã cùng chồng là Vũ Minh Trí, SN 1976 và nhiều đối tượng côn đồ thường xuyên đến nhà ông Hoan ở khu tập thể Thanh Xuân Bắc đòi nợ và ép ông Hoan phải viết giấy nhận nợ 1,5 tỷ đồng. Sự việc này có bà Đỗ Minh Tâm (là em gái của ông Hoan chứng kiến). Sau một tháng, ông Hoan vẫn không có tiền trả nợ, sợ bị vợ chồng Nhung thuê đầu gấu đánh đập, ông Hoan đã phải trốn khỏi nơi cư trú.

Đến tháng 5-2011, Trương Kim Nhung gặp ông Hoan trên phố Chùa Bộc, đã báo cho chồng biết để “xử lý”. Sau đó, Trí đã cùng đối tượng Nguyễn Hoàng Việt, SN 1977, trú tại phố Bùi Xương Trạch, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân và một đối tượng khác tên là Dũng, ở phường Đại Kim, quận Hoàng Mai đã đến phố Chùa Bộc bắt ông Hoan về nhà Trí tại số 81, ngõ 98, phố Thái Hà, quận Đống Đa. Mặc dù ông Hoan là bạn của bố vợ mình nhưng Trí cùng các “anh em xã hội” của hắn đã không ngại ngần đánh đập ông Hoan không lăn tăn suy nghĩ. Sau đó, cả bọn đưa ông Hoan về căn hộ của ông Hoan ở khu tập thể Thanh Xuân Bắc. Thấy căn nhà khóa cửa, Việt đã gọi thợ sửa khóa đến mở khóa và ép ông Hoan đưa “sổ đỏ” căn nhà cho Nhung. Vì sổ đỏ của căn hộ ghi tên ông Hoan và bà Tâm (em gái ông Hoan) nên Nhung đã yêu cầu bà Tâm viết giấy từ bỏ quyền sở hữu căn hộ này. Tuy nhiên, ông Hoan chưa đồng ý trả nợ bằng căn hộ này nên tìm cách lần lữa thì bị vợ chồng Nhung cùng các đối tượng côn đồ khác phá khóa cửa căn hộ và thay vào ổ khóa mới.

Đến tháng 7-2011, Nhung ép hai anh em ông Hoan đến Phòng Công chứng Thái Hà sang tên quyền sở hữu căn hộ cho vợ chồng Nhung. Dù không muốn nhưng vì sự an toàn của mình, ông Hoan đã cắn răng ký vào các loại giấy tờ ở phòng công chứng. Chỉ sau đó vài ngày, Nhung đã bán căn hộ này cho chị Lê Thị Hồng Thu, SN 1980, ở phường Trung Tự, quận Đống Đa lấy hơn 1,7 tỷ đồng.

Vừa đòi nợ vừa... ăn cướp

Tại cơ quan Công an quận Đống Đa, Trương Kim Nhung khai nhận, sau khi bán căn hộ của gia đình ông Hoan ở phường Thanh Xuân Bắc, Nhung đã yêu cầu ông Hoan ở lại nhà mình, không phải là vợ chồng chị ta thương xót gì ông bạn của bố mình không còn nhà để ở mà thực tế, việc bắt ông Hoan ở cùng nhà mình để tiện việc “quản lý”. Nhung đã dùng một phần tiền bán nhà của ông Hoan để trả nợ cho chồng. Nhung cũng cho biết, trong thời gian ông Hoan trốn nợ, Nhung đã vay tiền của nhiều người để trả nợ hộ ông Hoan(?), vì vậy, hiện tại, ông Hoan còn nợ vợ chồng Nhung 1,1 tỷ đồng cả vốn lẫn lãi. Vậy là, từ số nợ 460 triệu đồng, ông Hoan đã bị ép phải trả nợ bằng một căn nhà nhưng vẫn chưa yên thân mà còn bị ép thêm cục nợ 1,1 tỷ đồng. Không những thế, trong những ngày ở lại nhà vợ chồng Trương Kim Nhung (từ tháng 5-2011 đến ngày 17-1-2012), ông Hoan còn thường xuyên bị Trí đánh thâm tím mặt mũi. Cách hôm tự tử chỉ vài ngày, ông Hoan còn bị Trí đánh vào đầu gây thương tích.

Vũ Minh Trí khai nhận, mục đích vợ chồng hắn đưa ông Hoan về nhà mình ở là để cho ông Hoan không trốn đi đâu được và ép ông Hoan bán nhà trả nợ cũng như việc gán cho ông khoản nợ 1,1 tỷ đồng được dễ dàng hơn.

Theo cơ quan điều tra, thực tế số tiền ông Hoan nợ Trương Kim Nhung, tính cả gốc và lãi cũng như các chi phí khác chỉ là 1,05 tỷ đồng. Vì vậy lẽ ra, khi bán căn hộ của ông Hoan được hơn 1,7 tỷ đồng thì vợ chồng Nhung phải trả lại cho ông Hoan 685 triệu đồng, nhưng Nhung đã chiếm đoạt luôn số tiền này, không những thế còn ép ông Hoan nhận thêm số nợ 1,1 tỷ đồng. Số tiền chiếm đoạt của ông Hoan, Nhung đã dùng để trả nợ cho chồng.

Cái chết tức tưởi của ông Đỗ Mạnh Hoan có thể là do vì ông quá uất khi bị ép phải cõng trên lưng số nợ, mặt khác lại bị vợ chồng Nhung cũng như các đối tượng côn đồ bạn của Trí thường xuyên đe doa, khiến ông không còn lối thoát, phải chọn cách treo cổ tự vẫn. Công tác khám nghiệm tử thi cho thấy, trên đầu ông Hoan có vết thương vẫn còn rỉ máu nhưng không phải là nguyên nhân gây nên cái chết của ông, mà nguyên nhân tử vong là do ngạt thở. Hiện cơ quan Công an quận Đống Đa đã bắt khẩn cấp vợ chồng Trương Kim Nhung và Nguyễn Hoàng Việt về hành vi bắt giữ người trái pháp luật.

Bi kịch “tín dụng đen”: Vừa đòi nợ, vừa... cướp ảnh 2
Từ trái qua: đối tượng Trí, Nhung và Việt.

Sập bẫy “tín dụng đen”

Vụ án rất buồn vào ngày cuối năm này, khi cái Tết Nhâm Thìn đang cận kề, chỉ là một tín hiệu rất nhỏ cho một loạt những vụ vỡ nợ được dự báo sẽ phát nổ trong năm 2012 mang tên “tín dụng đen”. Chỉ tính đến cuối năm 2011, nếu như ngoài Hà Nội “báo nợ” với những cái tên “khủng” như Đào Thị Ngừng, Nguyễn Thị Cúc, thì chỉ riêng địa bàn thành phố Vinh, Nghệ An, ít nhất đã có tới 47 vụ vỡ nợ được thống kê. Và kết cục của những vụ vỡ nợ này là những cái chết tức tưởi, đau đớn. 8h sáng 28-12-2011, người dân phường Hà Huy Tập, TP Vinh, Nghệ An đã phát hiện bà Trần Thị Cam, SN 1959) đã treo cổ tự tử trong ki ốt thuê lại để bán bánh mỳ Sài Gòn trên đường Hải Thượng Lãn Ông. Nhiều người cho biết, cách đó vài ngày, có rất nhiều đối tượng đến ki ốt của bà Cam để đòi nợ và đã đe dọa sẽ “xử lý” nếu bà không trả nợ.

Cũng trong những ngày cuối năm 2011, một vụ tự thiêu ngay ven đê sông Hồng có nguyên nhân bắt nguồn từ việc nợ nần không có tiền trả. Nạn nhân là một người đàn ông, đã dùng can xăng tưới lên khắp người mình rồi châm lửa đốt. Thật đau lòng khi mọi người phát hiện thì thi thể của nạn nhân đã cháy đen, biến dạng. Ngay tại Hà Nội, nơi được coi là “phát nổ” đầu tiên về những vụ vỡ nợ, một nạn nhân đã treo cổ tự tử ngay trong chính ngôi nhà của mình khi ngôi nhà bị các đối tượng cho vay nặng lãi đến xiết nợ. Nạn nhân là bà Bùi Thi P, SN 1952, ở khu tập thể Quân đội phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy. Được cấp cứu kịp thời, bà P hiện đã qua cơn nguy kịch nhưng sức khỏe vẫn còn rất yếu. Người thân của bà P cho biết, do bà P bị ức chế tâm lý, ngôi nhà gia đình bà ở bao năm nay bỗng nhiên có một bọn người đến sống giữa nhà mình, ngày đêm chửi bới nên bà không thể chịu đựng nổi dẫn đến hành động đáng tiếc.

Vụ xiết nhà bắt đầu diễn ra từ 20h ngày 4-12-2011, hàng chục đối tượng bặm trợn đã xuất hiện trước cửa ngôi nhà 3B - N3 khu tập thể quân đội (Viện Lịch sử Quân sự; phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy) lớn tiếng đòi nhà. Được biết, ngày 21/4/2010, vợ chồng bà P đã làm hợp đồng ủy quyền cho người con trai được toàn quyền quản lý, khai thác, sử dụng và bán (chuyển nhượng), định đoạt đối với tài sản là căn hộ đó. Ngày 9-4-2011, con trai bà P đã chuyển nhượng tài sản nói trên cho anh Nguyễn Đức T. với giá 5,9 tỷ đồng. Ngày 22-7, anh T. hoàn tất việc sang tên quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở. Nhưng đằng sau vụ xiết nợ này, là sự thật về một đường dây “tín dụng đen” mà con trai bà P thừa nhận, chính anh là nạn nhân. Anh này cũng đã gửi đơn tố giác tội phạm tới các cơ quan chức năng nhằm vạch trần các hành vi, thủ đoạn cho vay nặng lãi, trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản... của một nhóm người mà Nguyễn Đức T chỉ là một mắt xích.

Cái bẫy “tín dụng đen” đang khiến nhiều gia đình tan cửa nát nhà, khuynh gia bại sản. Nhưng mất tài sản chỉ là chuyện nhỏ, rất nhiều những cái chết thương tâm bắt nguồn từ “tín dụng đen”. Còn nhớ, cách đây không lâu, một bạn đọc đã gửi tới CSTC lá thư, trong đó chị cho biết, chị đang là nạn nhân của một bọn người chuyên cho vay nặng lãi. Số tiền nợ ban đầu của chị chỉ là l0 triệu đồng, làm quần quật không đủ trả lãi mỗi ngày, đến bây giờ, số tiền nợ cả gốc lẫn lãi của chị đã lên tới 50 triều đồng. Với số nợ ấy, chị nói rằng, cả đời này, với nghề làm thuê (giúp việc cho các gia đình theo giờ) thì chị cũng không bao giờ có đủ tiền để trả nợ cho chúng.