Bị “hành” bởi văn bản trái luật, doanh nghiệp nên khởi kiện

ANTĐ -Ngày 13-5, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với  Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp nhằm hoàn thiện pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh. Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng CIEM cho hay: “Sau ngày 1-7, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp có hiệu lực, toàn bộ văn bản trái luật sẽ bị vô hiệu hóa”.
Bị “hành” bởi văn bản trái luật, doanh nghiệp nên khởi kiện ảnh 1

Loại bỏ bớt điều kiện kinh doanh tạo thêm cơ hội cho doanh nghiệp

Bãi bỏ những thủ tục bất hợp lý

Ông Nguyễn Đình Cung cho biết, mỗi năm, các bộ ban hành 600-700 thông tư. Nghị định không đổi nhưng thông tư thay đổi liên tục, ảnh hưởng đến doanh nghiệp, chỉ tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý. Theo ông Nguyễn Đình Cung, thực tế số lượng văn bản trái luật  đang có chiều hướng gia tăng. Ngoài những điều kiện mới phát sinh thì doanh nghiệp cũng bị cản trở bởi không ít quy định “hồi sinh” sau một thời gian bị bãi bỏ. 

Nói về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực quảng cáo, ông Trần Hùng - Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam nhận xét: “Có khoảng 20 văn bản liên quan đến Luật Quảng cáo và Nghị định hướng dẫn; Thông tư vài chục cái và chỉ thị, quyết định của UBND các cấp thì hàng trăm cái. Đây là bước lùi về cải cách thủ tục hành chính”.

Theo ông Nguyễn Đình Cung, từ ngày 1-7 tới đây, bên cạnh việc loại bỏ các điều kiện kinh doanh không phù hợp, các bộ, ngành, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố không được phép ban hành thêm điều kiện kinh doanh mới. Thể hiện rõ tinh thần này, Viện trưởng CIEM tuyên bố: “Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sắp có hiệu lực sẽ không có thông tư hướng dẫn. Nếu phát hiện những trường hợp làm trái luật, đặt thêm điều kiện kinh doanh, doanh nghiệp có thể khởi kiện!”.

“Con kiến kiện củ khoai”?

Rất bất bình với hàng loạt điều kiện kinh doanh vô lý, nhưng để kiện cơ quan quản lý cản trở hoạt động của doanh nghiệp thì đại diện các doanh nghiệp lại tỏ ra lo ngại. Ông Trần Hùng chia sẻ: “Con kiến kiện củ khoai? Có sở ngành mời doanh nghiệp đến họp, doanh nghiệp có ý kiến cũng không dám nói, phải nhờ hiệp hội nói hộ. Doanh nghiệp nói thẳng lại sợ bị “thù”. Chiến dịch quảng cáo chỉ có thời điểm, lỡ không được cấp phép thì sao?”.

 Đại diện Hiệp hội Quảng cáo lấy ví dụ, sau 2 năm thực hiện Luật Quảng cáo, Hiệp hội đã gửi văn bản báo cáo những khó khăn vướng mắc cần tháo gỡ đến 12 cơ quan. Nhưng sau thời gian chờ đợi, Hiệp hội chỉ nhận được văn bản bảo lưu ý kiến của 2 cơ quan, 10 cơ quan khác “bặt vô âm tín”. “Nếu có kinh phí và tinh thần thông thoáng, Hiệp hội sẵn sàng thay doanh nghiệp đứng ra khởi kiện để đảm bảo quyền lợi”- đại diện Hiệp hội Quảng cáo chia sẻ. 

Theo luật sư Ngô Việt Hòa - Công ty Luật Russin&Vecchi, quy định doanh nghiệp được kinh doanh mọi ngành nghề pháp luật không cấm rất “đẹp đẽ”, nhưng có khả thi không là chuyện khác. Hiện nay, Bộ Tư pháp đang được coi như cơ quan phân xử tính hợp pháp, hợp lý, minh bạch, thống nhất, đồng bộ của một điều kiện kinh doanh nhất định và việc thực thi điều kiện kinh doanh đó. “Bộ Tư pháp với tư cách là cơ quan ngang cấp có đủ tiếng nói để can thiệp vào công việc nội bộ của bộ, ngành khác không?” - ông Ngô Việt Hòa phân tích.

Từ thực tế trên, vị luật sư này cho rằng, quan trọng nhất vẫn là thay đổi tư duy con người, tư duy nhà quản lý về quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp. “Chỉ khi thay đổi tư duy, mới mong có sự đổi mới triệt để về xây dựng và thực thi pháp luật về điều kiện kinh doanh. Ngược lại, việc ban hành các cơ chế kiểm soát mới hay thành lập thêm các cơ quan kiểm soát sẽ không có nhiều tác dụng, đặc biệt trong dài hạn”- ông Ngô Việt Hòa nhấn mạnh.

Điều kiện kinh doanh tạo ra rủi ro cho doanh nghiệp

“Điều kiện kinh doanh bất hợp lý là thể chế tạo ra rủi ro cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp không lớn được, không tiếp cận được chuỗi giá trị toàn cầu; khó cạnh tranh trong hội nhập khi bị điều kiện kinh doanh vô lý áp đặt. Điều kiện kinh doanh vô lý cũng đặt ra rào cản là chi phí gia nhập thị trường cao và kéo dài, mất cơ hội tiếp cận kinh doanh, gây thiệt thòi cho doanh nghiệp nhỏ, vừa; làm thui chột sáng tạo kinh doanh, loại bỏ cách làm khác, mới; khiến quan hệ cung cầu méo mó, thị trường trở nên không đầy đủ. Phải kiên quyết loại bỏ những điều kiện kinh doanh vô lý”- ông Nguyễn Đình Cung nói.