Bi hài nhà văn, nhà thơ làm kinh doanh

ANTD.VN - Xưa có câu “phi thương bất phú”, vậy là nhà văn cũng phải biết kinh doanh. Thôi thì xoay đủ hướng: người mở hàng cà phê sách, người làm tương, người buôn đồ cổ và có người bán cả... chữ của mình để kiếm tiền một cách lương thiện.

Bi hài nhà văn, nhà thơ làm kinh doanh ảnh 1Nhà văn Võ Thị Xuân Hà và nhà thơ Đoàn Văn Mật

Bán cà phê và viết sách

Từ giã công việc biên tập tại Nhà xuất bản Văn học, trong khi chưa chuyển đến chỗ làm mới, nhà văn Võ Thị Xuân Hà mở quán cà phê sách tại một ngã tư trên đường Tô Hiến Thành, ngay gần trụ sở Hội Nhà văn. Quán khá đông khách, một phần vì cà phê ngon, nhưng phần quan trọng hơn là chủ quán hành nghề viết lách nên rất nhiều bạn văn chương kéo đến tán chuyện. Hồi đó chưa có nhiều loại hình giải trí như bây giờ, điện thoại thông minh, máy tính bảng chưa xuất hiện nên thú vui của nhiều người là đọc sách.

Còn gì thú vị hơn đến một nơi vừa có cà phê lại vừa có những cuốn sách hay ngồn ngộn xếp đầy trên giá gỗ. Bận bịu tíu tít suốt cả ngày với phin tách, cốc thìa, chai lọ... nhưng cứ rảnh ra phút nào là nhà văn lại cắm cúi sau quầy ngồi sáng tác. Sau tập hợp lại, nhà văn cho ra đời cuốn truyện ngắn mang tên “Cà phê yêu dấu”, lấy cảm hứng và tư liệu từ chính công việc kinh doanh của mình. Ăn nên làm ra được mấy năm, nhà văn về công tác tại Ban Sáng tác của Hội Nhà văn, quán cà phê tạm đóng cửa nhưng vẫn nhiều người nhớ đến địa chỉ đó như một kỷ niệm đẹp. 

Thời thế xoay vòng, hơn 10 năm sau, nhà văn Võ Thị Xuân Hà không dứt được duyên cà phê, chị đã mở một quán khác trong một con ngõ trên phố Láng Hạ và thành lập công ty in ấn, xuất bản sách. Quán rộng và đẹp hơn trước, trở thành điểm hẹn độc đáo cho những người đam mê sáng tác vì không chỉ đến đọc sách, khách hàng có thể mua bán, trao đổi, hợp đồng in sách và tổ chức ra mắt, giới thiệu sách luôn tại không gian lãng mạn này. Bạn bè văn chương ở các tỉnh xa khi về Hà Nội thường ghé qua, trước là để thăm nhà văn, sau đó để thưởng thức những ly cà phê được pha theo bí quyết riêng mà chỉ Võ Thị Xuân Hà mới có.

Bi hài nhà văn, nhà thơ làm kinh doanh ảnh 2Nhà văn Hà Nguyễn Huyến thứ hai từ phải sang

Nhà văn bán tương

Trước khi trở thành nhà văn, Hà Nguyên Huyến là một nhân viên Phòng Văn hóa huyện Ba Vì. Lương công chức ba cọc ba đồng không đủ sống, anh xoay sang nghề thợ mộc để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Nhưng cái nghề đục đẽo này chỉ ráo mồ hôi là hết tiền, cuộc sống vẫn không thoát khỏi nỗi cực nhọc. Thấy con trai quá vất vả mưu sinh, bà cụ thân sinh của Hà Nguyên Huyến trước lúc lâm chung đã gọi anh đến, truyền tai cho công thức làm tương, dặn anh phải làm đúng như thế mới bán được hàng và giữ được khách lâu năm.

Theo lời mẹ, Hà Nguyên Huyến bắt tay vào làm những mẻ tương đầu tiên đi chào hàng, không ngờ được người mua nhiệt tình ủng hộ. Anh nghĩ ra nhãn tương “Nguyên Hà” để khẳng định thương hiệu sản phẩm riêng của xứ Đoài. Khách hàng đông dần, thị trường được mở rộng ra các tỉnh lân cận đồng nghĩa với việc các chum sành cỡ đại ủ tương lấp kín khoảnh sân rộng trước ngôi nhà cổ. 

Cuộc sống khá giả lên nhờ những chai tương đặc sánh, vàng ươm ấy, văn nghiệp của Hà Nguyên Huyến cũng hanh thông hơn vì không phải mất quá nhiều thời gian cho nỗi lo cơm áo. Đến khi làng Đường Lâm (Sơn Tây) được chính thức công nhận là làng cổ, ngôi nhà của anh cũng được cấp giấy chứng nhận là một trong những ngôi nhà cổ nhất trong làng thì việc kinh doanh “phất” lên như diều gặp gió. Ngôi nhà cổ kính với những hàng chum sành trước sân trở thành một địa điểm ghé thăm của khách du lịch khắp trong và ngoài nước.

Nhiều cặp đôi đưa nhau về đây thuê không gian để chụp ảnh cưới, những bức ảnh ghi lại màu váy trắng tinh khôi nổi bật trên nền nâu sẫm của chum vại, nâu trầm của gạch lát sân, màu rêu phong trên những bức tường khiến bao người trầm trồ. Không chỉ cho thuê không gian, nhà văn còn mở thêm dịch vụ nấu cơm quê cho du khách có nhu cầu.

Người đứng bếp là các bà, các cô trong họ Hà, cơm nấu nồi đất trên bếp đun củi hoặc rơm, rau muống luộc, canh cua đồng, cà pháo và không thể thiếu được bát tương Nguyên Hà múc ra từ chính những chum sành trong sân nhà. Hà Nguyên Huyến hiện là Trưởng ban Văn xuôi Báo Văn nghệ, có lẽ văn chương làm nên tên tuổi nhà văn xứ Đoài nhưng thương hiệu tương “Nguyên Hà” mới thực sự không chỉ giúp anh đi sâu vào nỗi niềm thèm nhớ của ai đó một lần được thưởng thức đặc sản này, mà còn nuôi giữ đam mê nghiệp văn của mình.

Bị lừa vì buôn đồ cổ 

Nhà thơ Đoàn Văn Mật có thú sưu tầm đồ cổ, thỉnh thoảng gặp khách thì trao đổi, mua đi bán lại kiếm tiền lời. Đã đi vào nghề này thì phải sành sỏi, giàu kinh nghiệm, tuy nhiên cũng không ít lần vì quá tin người nên anh đã... ăn quả đắng.

Một hôm có tay chơi đồ cổ rỉ tai: “Cái đĩa này ông cụ nhà tớ để lại, nay ông mất rồi, tớ lại không chơi nên trao cho cậu”, lập tức nhà thơ bị cuốn vào câu chuyện ký ức do tay chơi kia “sáng tác”, những năm nảo năm nào với từng màu men, họa tiết. Nghe xong, nhà thơ chẳng nỡ mặc cả nửa câu, rút phắt tiền ra trả. Ngày hôm sau, khách đến nhà ồ lên một tiếng: “Trời, thằng đó nó mua của tao!”.

Lần khác đi ngắm nghía một chiếc đồng hồ đắt đỏ mãi Hưng Yên, chủ nhà tâm sự rằng của bố vợ tặng, không bao giờ bán, quý ai thì anh em cùng ngắm thôi. Bỗng một ngày, gã kia “a lô” đồng ý bán với lý do: “Bố vợ ốm liệt giường rồi, bán lấy tiền lo thuốc thang cho ông cụ”. Nhà thơ đội mưa gió, bão bùng tất tưởi đi, đương nhiên không soi xét, mặc cả, lại rút luôn một xấp tiền trao tay. Về đến Hà Nội, mới vỡ lẽ đồ không được như lời quảng cáo. Và nhà thơ thì vốn thương người và tin người, nên thành ra dăm lần để con tim lấn át lý trí.