Bi hài chuyện vợ "giả chết" để doạ chồng

ANTĐ - Nửa đêm tỉnh giấc, không thấy vợ đâu nữa, anh Đ. (trú Cầu Phủ, TP Hà Tĩnh) phát hoảng khi thấy trên bàn một bức thư “tuyệt mệnh” của vợ để lại: “Em không thể chấp nhận cảnh sống sa đọa như anh. Em sẽ chết đi cho anh được thỏa mãn bên người đàn bà khác...”.

Lấy nhau hơn 20 năm, con cái đã trưởng thành, nhưng cuộc sống của gia đình chị H., anh Đ. không được đầm ấm. Tình cảm vợ chồng không mặn nồng do nhiều mối bất hòa mà nguyên nhân đến từ cả hai phía. Chị H. là người đàn bà có máu ghen tuông ghê gớm, còn anh Đ. là người không biết chiều chuộng, nâng niu vợ, nên cuộc sống gia đình lúc nào cũng căng như dây đàn. Chỉ cần chồng có một chút biểu hiện lạ là chị H. chú ý, tra hỏi, vặn vẹo đủ đường khiến anh Đ. tức tối không chịu nổi. Vợ chồng khẩu chiến ì xèo, thậm chí “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” cũng là chuyện không hiếm.

Mới đây, một ngày cuối năm 2011, do có việc ở bên gia đình nội nên vợ chồng chị H. chở nhau về. Khi đi qua đoạn đường làng, thấy chồng ngoảnh nhìn về phía cây cột điện, nơi có cô gái ăn mặc khá mốt đang đứng một mình, chị H. lại lồng lộn nổi cơn ghen. Chị nghiến răng nhéo một cái vào bụng chồng khiến anh suýt buông cả tay lái. “Cô điên hả? Muốn chết à?” - anh Đ. bực tức hét lên. “Tôi đang muốn chết đây, tôi chết cho anh tha hồ mà hú hí” - chị H. đay nghiến cứ như thể vừa bắt quả tang chồng “tình thương mến thương” với cô gái nào đó vậy. Anh Đ. bực lắm, nhưng cố nhịn cho qua chuyện. Anh không phải là người lăng nhăng, chỉ có chút “máu” cờ bạc, nhưng không hiểu sao chị H. lại ghen tuông kinh đến thế.

Đêm hôm đó, mặc dù trời mưa rét, nhưng sau khi nghe điện thoại của bạn gọi, anh Đ. phóng xe đi ngay mà không nói với vợ một lời. Đến khuya, thấy chồng vẫn chưa về, chị H. gọi điện thì anh Đ. không nghe, lòng chị H. nóng như lửa đốt. “Chắc lại tằng tịu với con nào rồi” - chị H. thầm nghĩ và ra đầu cổng đứng ngóng mà vẫn không thấy chồng về. Quá nửa đêm, anh Đ. vẫn chưa về khiến cơn ghen trong chị H. càng bốc hỏa. Chị H. cứ đợi nhưng đến sáng bạch canh mà anh Đ. vẫn không về. Rồi quá trưa cũng không thấy tăm hơi đâu. Cơn tức giận trong chị H. tăng lên theo cấp số nhân, tưởng chừng như có thể ăn tươi nuốt sống chồng mình, nhưng biết anh Đ. ở đâu mà tìm. Ngoài trời vẫn mưa, chị H. chỉ còn biết ôm cơn ghen tức chờ đợi.

Màn đêm lại buông xuống, hàng xóm đã bắt đầu lên đèn, “lão chồng trời đánh” của chị H. vẫn chưa chịu mò về. Lúc mà sự chịu đựng của chị H. đã lên đến đỉnh điểm thì anh Đ. lù lù xuất hiện. Chẳng nói chẳng rằng, cũng chẳng hỏi vợ lấy một tiếng, anh lẳng lặng dựng xe, lên giường nằm. Anh Đ. biết tính vợ, biết chuyện gì sắp xảy ra nên việc lên giường nằm là thượng sách mà anh thường áp dụng để tránh cãi cọ. Chị H. bắt đầu “mở van” cơn ghen.

Anh Đ. im lặng, chị H. càng chửi té tát, lời lẽ tục tĩu. Bao nhiêu lời lẽ xấu xa chị H. đều ném cả vào chồng. Mọi hôm thì anh Đ. cũng coi như không nghe thấy, im lặng cho qua để gia đình được êm ấm, nhưng hôm nay thì không chịu được. Tối qua đánh bạc đã thua nhẵn túi, giờ lại bị vợ ghen tuông, chửi bới thì đúng là bức xúc quá. Anh Đ. vùng dậy “tặng” cho vợ mấy cái bạt tai như trời giáng. Tuy chửi mắng chồng thường xuyên, nhưng đây là lần đầu tiên chị H. bị đánh nên cho rằng “mình bị xúc phạm nghiêm trọng”.

Chửi bới mệt cả sức, đêm khuya, chị H. lẳng lặng thực hiện kế sách “kẻ giả chết” để cho chồng bài học nhớ đời. Viết một lá thư tuyệt mệnh, để lên bàn, chị H. chạy xe máy lên Cầu Phủ. Cho xe nằm ngửa, để đôi dép bên thành cầu rồi đi xuống mép sông, chạy đến lùm cây tít đằng xa ngồi. Đúng như chị H. dự đoán, nửa đêm tỉnh giấc, thấy lá thư tuyệt mệnh vợ để trên bàn, anh Đ. hốt hoảng chạy nhờ người đi tìm vợ. Mọi người kéo ra Cầu Phủ, vì cho rằng chị H. đã nhảy cầu.

Thấy chồng đã đến “hiện trường”, chị H. đi bộ xuống phía hạ lưu (cách cầu gần 1km), nhảy xuống sông cho ướt hết người rồi lên bờ nằm, tạo thành hiện trường giống như xác chết bị trôi dạt vào bờ. Chị H. nằm mãi bên mép sông đợi mọi người tìm thấy, và khi “xác chết” được phát hiện thì chị được chuyển gấp vào bệnh viện vì bị cảm lạnh do nằm đợi quá lâu...

Kịch bản không hoàn hảo, nhưng từ đó gia đình chị H. sống yên ấm hơn. Chị không còn to tiếng với chồng nữa vì ngại người ta nhắc chuyện “kẻ giả chết”, còn anh Đ. cũng không còn bài bạc nữa, vì sợ vợ “từ giả chết đến chết thật” thì nguy.