Vụ giả danh công an, lừa đảo ở TP. HCM:

Bị hại cả tin đến mức khó tin!

ANTĐ - Cơ quan CSĐT Công an quận Tân Bình, TP.HCM vừa khám phá những mắt xích quan trọng trong đường dây lừa đảo công nghệ cao, nghi do băng nhóm nước ngoài kết hợp với người Việt trong và ngoài nước thực hiện xuyên quốc gia.

Tang vật của vụ án

Đội lốt công an, kiểm sát viên 

Bước đầu, cơ quan công an đã tạm giữ hình sự Hoàng Thanh Trung (SN 1979, trú quận 11, TP.HCM); đồng thời đang củng cố tài liệu để xử lý 4 đối tượng khác gồm: Trần Thị Hồng Phụng (SN 1990), Nguyễn Tấn Phúc (SN 1988, bạn trai của Phụng), Trương Văn Giàu (SN 1990, cùng trú tỉnh Tiền Giang) và Lê Thị Tố Chi (SN 1995, trú tỉnh Đồng Nai).

Ngày 14-2, có người gọi điện đến nhà bà B.T.H (SN 1966, trú quận Tân Bình)xưng là cán bộ Viện KSND tỉnh Tây Ninh, đang điều tra về 1 đường dây buôn bán ma tuý quy mô trong đó bà H là mắt xích có liên quan. Đối tượng yêu cầu bà H chuyển 400 triệu đồng vào tài khoản của người tên Nguyễn Văn Đông ở ngân hàng để kiểm tra. Do lo sợ nên bà H đã ra Ngân hàng Phương Nam chuyển 400 triệu đồng vào tài khoản mà đối tượng yêu cầu. Sau đó biết mình bị lừa nên bà H đến công an trình báo.

Cũng trong buổi trưa 14-2, có 1 phụ nữ gọi điện đến số điện thoại cố định của vợ chồng ông N.V.P (SN 1969, trú quận Tân Bình). Người này nói số thuê bao của ông P còn nợ cước 2 tháng hơn 8,9 triệu đồng. Người phụ nữ hướng dẫn ông P bấm số 9 để được giải thích; làm theo yêu cầu này ông P gặp 1 phụ nữ khác nói rằng 1 thuê bao điện thoại cố định ở Hà Nội đăng ký tên ông còn thiếu cước phí và nối máy cho ông P gặp người tên Toàn là “cán bộ trực ban Công an TP Hà Nội” để xác minh. Qua điện thoại, Toàn nói ông P có liên quan đến đường dây rửa tiền buôn bán ma tuý. Toàn lại nối máy cho ông P gặp người tên Hiếu, tự xưng là cấp trên của Toàn. Hiếu truy vấn ông P có bao nhiêu tiền trong tài khoản, sau đó yêu cầu chuyển hết vào một tài khoản ngân hàng X để cơ quan điều tra thẩm định. Ngay sau đó, vợ ông P ra ngân hàng rút gần 300 triệu đồng và chuyển vào 2 tài khoản mà Hiếu yêu cầu. Chờ mãi không thấy tiền được gửi trả, vợ chồng ông P đã liên hệ Công an TP Hà Nội để tìm hiểu và khi phát hiện bị lừa đảo, họ đến CAQ Tân Bình trình báo.

Lần theo dấu vết của các chủ tài khoản ngân hàng, CAQ Tân Bình đã bắt giữ Trung và mời làm việc với 4 đối tượng nói trên. Khi khám xét nơi ở của các đối tượng, công an có thu giữ nhiều thẻ ngân hàng, CMND giả, sim ĐTDĐ và nhiều giấy tờ có liên quan.

Các đối tượng bị CAQ Tân Bình, TP.HCM bắt giữ

Chỉ là “con tốt”

Trong quá trình mở rộng điều tra, CAQ Tân Bình nhận định, đây chỉ là một vài mắt xích thuộc 1 đường dây lừa đảo bằng công nghệ cao, hoạt động xuyên quốc gia.

Trung khai, năm 2013 làm nghề “xe ôm”, có quen người khách tên Cường chưa rõ lai lịch, khoảng 35 tuổi. Cường có chỉ dẫn Trung tìm những người cần tiền, bảo họ chụp ảnh thẻ đưa cho Trung, rồi Trung mang hình ảnh này đến đến đường Hùng Vương, quận 5 mua giấy CMND giả dán ảnh những người này vào, dùng thủ thuật đơn giản để đóng giáp lai rồi giao lại cho những người có mặt trong CMND giả mang đến các ngân hàng tại TP.HCM mở các tài khoản Visa, Mastercard có đăng ký Internet Banking (dịch vụ chuyển tiền qua internet). Với 1 tài khoản được mở như thế này, Cường thông qua Trung trả công cho những đối tượng trên 1 triệu đồng. Sau đó Trung gom số lượng lớn thẻ thanh toán quốc tế hẹn gặp Cường giao lại; Cường trả công cho Trung 1,4 triệu đồng/thẻ Visa hoặc Mastercard và trả lương cố định 5 triệu đồng/tháng.

Trung đã liên hệ với Phụng, Phúc, Giàu, Chi… và nhiều người khác để mở tài khoản thanh toán quốc tế như nói trên. Từ tháng 11-2013 đến nay, Trung đã cung cấp cho Cường 40 bộ tài khoản Visa và Mastercard và biết Cường mua các thẻ Visa, Mastercard để lừa đảo những người khác chuyển tiền vào theo cách đã giăng bẫy bà H, vợ chồng ông P như trên. Công an điều tra xác định, số tiền 150 triệu đồng trong tổng số gần 300 triệu đồng mà vợ chồng ông P chuyển vào tài khoản 2 phụ nữ mà “công an rởm” tên Hiếu yêu cầu, là tài khoản do đối tượng Phụng mở.

Bước đầu công an làm rõ, số tiền các nạn nhân chuyển vào các tài khoản được làm bằng CMND giả đã được rút phần lớn ở Đài Loan (Trung Quốc). Nghi băng nhóm lừa đảo này có yếu tố nước ngoài, hiện cơ quan công an đang mở rộng điều tra.