Bị chậm trễ cấp “sổ đỏ”, người dân có thể khiếu nại và khởi kiện ra tòa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Gia đình tôi làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (“sổ đỏ”). Trong ngõ có 4 hộ cùng số nhà thì 3 hộ kia đã được cấp “sổ đỏ” trước đó nhiều năm. Đến trường hợp nhà tôi thì xuất hiện hộ dân ở ngõ bên cạnh, khác số nhà, khiếu nại, cho rằng con ngõ đi chung của 4 hộ gia đình bên chúng tôi bao gồm cả phần đất của họ. Khiếu nại được gửi đến UBND phường. Qua nhiều khâu xác minh, từ Xí nghiệp nhà quận Hoàn Kiếm đến Công ty Quản lý Nhà Hà Nội, kết luận không quản lý diện tích nhà mà gia đình tôi đang xin cấp “sổ đỏ”. Hồ sơ được chuyển đến UBND phường sở tại. Nhưng hơn 1 năm nay, chính quyền cơ sở vẫn không giải quyết xong thủ tục hồ sơ của gia đình chúng tôi, với lý do có khiếu nại. Xin hỏi, đơn khiếu nại của gia đình hàng xóm không đưa ra được tài liệu chứng minh họ có quyền lợi liên quan đến diện tích lối đi chung của 4 hộ gia đình bên chúng tôi thì khiếu nại đó có hợp lệ? Trong thời hạn bao lâu từ khi tiếp nhận hồ sơ xin cấp “sổ đỏ”, chính quyền cơ sở phải hồi đáp công dân? Gia đình tôi có thể khiếu nại, khiếu kiện các cá nhân, tổ chức liên quan tới cấp nào để đảm bảo quyền lợi? Nguyễn Thị Nhung (phố Nguyễn Gia Thiều, Hoàn Kiếm, Hà Nội)
Luật sư Đặng Văn Sơn - (VPLS Đặng Sơn và Cộng sự, số nhà 31, ngõ 192, đường Tam Trinh, Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội)

Luật sư Đặng Văn Sơn - (VPLS Đặng Sơn và Cộng sự, số nhà 31, ngõ 192, đường Tam Trinh, Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội)

Luật sư trả lời: Mặc dù, câu hỏi của bạn trình bày khá dài nhưng lại không đầy đủ thông tin. Qua câu hỏi của bạn, chúng tôi nhận thấy nội dung bạn quan tâm là: “Các nhà hàng xóm của gia đình bạn đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ). Hiện chỉ còn gia đình bạn chưa được cấp và khi gia đình bạn hoàn thiện thủ tục cấp thì có một hộ gia đình lại tranh chấp ngõ đi chung, rồi khiếu nại”.

Trước hết, về việc cấp Giấy chứng nhận QSDĐ hay cách gọi thông thường là “sổ đỏ” thì gia đình bạn cần có đầy đủ hồ sơ, giấy tờ chứng minh quyền sở hữu nhà theo quy định tại Điều 31 Nghị định 43 của Chính phủ ngày 15-5-2014. Khi có đầy đủ hồ sơ thì bạn sẽ hoàn thiện hồ sơ theo quy định tại Thông tư 24/2014/TT-BTNMT về hồ sơ địa chính do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành, quy định:

Về thời gian cấp, sang tên “sổ đỏ”, “sổ hồng” thì khoản 40, Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP quy định thời gian cấp Giấy chứng nhận lần đầu là: “Đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là không quá 30 ngày”. Như vậy, thời gian cấp Giấy chứng nhận QSDĐ vẫn được giữ nguyên từ ngày 3-3-2017 (ngày Nghị định 01/2017/NĐ-CP có hiệu lực) cho đến nay. Tuy nhiên, bạn cần chú ý thời gian 30 ngày được tính kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ; không tính thời gian các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật; không tính thời gian tiếp nhận hồ sơ tại xã, thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất; không tính thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật, thời gian trưng cầu giám định.

Hồ sơ cấp, sang tên Giấy chứng nhận QSDĐ hợp lệ là hồ sơ bảo đảm đầy đủ các nội dung: Hồ sơ có đủ thành phần hồ sơ để thực hiện thủ tục theo quy định; Nội dung kê khai trong các giấy tờ (đối với các giấy tờ phải kê khai) phải đầy đủ theo quy định và nội dung kê khai giữa các giấy tờ phải bảo đảm thống nhất... Tóm lại, thời gian cấp, sang tên Giấy chứng nhận QSDĐ năm 2022 vẫn giữ nguyên. Và để chính xác từng trường hợp cụ thể thì bạn cần căn cứ vào ngày hẹn trả kết quả trong phiếu tiếp nhận và trả kết quả nhận được khi nộp hồ sơ.

Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được thực hiện không quá 30 ngày khi đầy đủ các hồ sơ. Ảnh minh họa

Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được thực hiện không quá 30 ngày khi đầy đủ các hồ sơ. Ảnh minh họa

Về việc xử lý khi bị chậm cấp “sổ đỏ” thì trước hết, bạn cần hỏi bộ phận tiếp nhận, giải quyết hồ sơ về việc chậm thực hiện. Mặc dù, cách xử sự này không được quy định trong các văn bản pháp luật nhưng trong thực tế thủ tục nào người dân cũng nên hỏi bộ phận tiếp nhận, giải quyết hồ sơ để biết lý do chậm thực hiện thủ tục hành chính và lý do đó có hợp pháp không? Nếu khiếu nại hoặc khởi kiện luôn sẽ mất nhiều thời gian và công sức.

Tiếp đến là khiếu nại việc chậm cấp “sổ đỏ”. Bởi thủ tục cấp, sang tên Giấy chứng nhận QSDĐ là thủ tục hành chính về đất đai nên khi quá thời hạn quy định thì người có yêu cầu cấp, sang tên có quyền khiếu nại, khởi kiện quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính về quản lý đất đai (Điều 204 Luật Đất đai 2013). Theo đó, người có quyền khiếu nại là người có quyền, lợi ích bị quyết định, hành vi chậm cấp, sang tên Giấy chứng nhận xâm phạm. Khi khiếu nại thì có thể tự mình thực hiện hoặc ủy quyền cho người khác thực hiện thay. Đối tượng bị khiếu nại là quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính về quản lý đất đai (hành vi chậm thực hiện thủ tục). Hình thức khiếu nại có thể bằng đơn hoặc khiếu nại trực tiếp. Đơn khiếu nại phải ghi rõ ngày, tháng, năm khiếu nại; tên, địa chỉ của người khiếu nại; tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại và yêu cầu giải quyết của người khiếu nại. Đơn khiếu nại phải do người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ theo Luật Khiếu nại. Còn khiếu nại trực tiếp thì người tiếp nhận khiếu nại hướng dẫn người khiếu nại viết đơn khiếu nại hoặc người tiếp nhận ghi lại việc khiếu nại bằng văn bản và yêu cầu người khiếu nại ký hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản, trong đó ghi rõ nội dung như khiếu nại bằng đơn.

Sau cùng là khởi kiện quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính tại Tòa án nhân dân nếu gia đình bạn bị chậm cấp “sổ đỏ” không có căn cứ, trái pháp luật.

Còn về việc tranh chấp lối đi chung giữa gia đình hàng xóm và các gia đình trong ngõ sẽ được giải quyết như sau: Khi nhà hàng xóm cho rằng, diện tích ngõ đi chung của 4 hộ hiện nay bao gồm cả diện tích của gia đình họ và có tranh chấp nếu hai bên không thỏa thuận được thì bạn có thể yêu cầu Ủy ban nhân dân phường nơi có đất giải quyết tranh chấp. Ủy ban nhân dân phường sau khi nhận được đơn yêu cầu phải tiến hành hòa giải giữa hai bên theo quy định tại Điều 202 - Luật Đất đai năm 2013. Sau khi đã hòa giải nhưng hai bên không thỏa thuận được thì Ủy ban nhân dân phường ra quyết định hòa giải không thành và khi đó bạn có thể gửi đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân quận để yêu cầu giải quyết theo quy định tại Điều 203 - Luật Đất đai năm 2013. Trình tự, thủ tục, bạn nộp đơn khởi kiện và các chứng cứ, tài liệu chứng minh liên quan đến nội dung tranh chấp lên Tòa án nhân dân quận (nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu điện). Thời gian giải quyết là 4 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án. Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời gian chuẩn bị xét xử nhưng không quá 2 tháng so với vụ kiện thông thường.