Tiếp diễn phiên xử phúc thẩm Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm:

Bị cáo nhận trách nhiệm, luật sư vẫn băn khoăn về tội danh

ANTĐ - Sáng nay 11-12, phiên xử phúc thẩm Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm bước sang ngày thứ mười. Đối đáp viện kiểm sát (VKS), một lần nữa Huỳnh Quang Tuấn xin nhận trách nhiệm, song luật sư bào chữa vẫn cho rằng bị cáo không phạm tội như án sơ thẩm quy kết.

Sau khi bị cáo Nguyễn Đức Kiên được HĐXX cho tạm nghỉ phần tự bào chữa của mình, luật sư Kiều Vũ Thị Uyên bào chữa cho bị cáo Phạm Trung Cang và Huỳnh Quang Tuấn đứng lên phát biểu đối đáp. Nữ luật sư trẻ này khẳng định: “Hoàn toàn đồng tình về ý kiến của đại diện VKS khi mô tả hành vi khách quan của hai bị cáo Cang và Tuấn. Bởi sự mô tả đó phù hợp với thực tế vụ án xảy ra”.

Bị cáo nhận trách nhiệm, luật sư vẫn băn khoăn về tội danh ảnh 1Trong ngày thứ mười diễn ra phiên tòa, bị cáo  Kiên vẫn không ngừng nói mình vô tội

Tuy nhiên, luật sư Uyên lại không đồng thuận với quan điểm của cơ quan công tố khi xác định cả 2 bị cáo đã cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Bởi theo phân tích của nữ luật sư bào chữa cho 2 cựu lãnh đạo Ngân hàng ACB này thì, bị cáo Huỳnh Quang Tuấn tuy có tham gia cuộc họp Thường trực HĐQT ngày 22-3-2010 nhưng không hề có ý kiến gì và cũng không phản đối về chủ trương ủy thác cho nhân viên mang tiền đi gửi.

“Không có ý gì và không phản đối không có nghĩa là đồng ý. Bởi không có bất kỳ văn bản pháp luật nào quy định điều này . Và trong hồ sơ vụ án cũng không hề có bút lục nào thể hiện bị cáo Tuấn đồng tình về việc ủy thác gửi tiền” – luật sư Uyên nhấn mạnh. Sau đó, nữ luật sư kiến nghị nếu xác định bị cáo Tuấn phải chịu trách nhiệm thì đó là trách nhiệm gì, có phải là cố ý làm trái không.

Tương tự, đối với bị cáo Phạm Trung Cang, luật sư Uyên cũng cho rằng bản án sơ thẩm quy kết cựu Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB về tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” là không thỏa đáng. Vì bị cáo Cang có đơn từ nhiệm từ ngày 1-1-2011. Trong khi đó, bị cáo chỉ tham gia cuộc họp Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB ngày 22-3-2010 với tư cách Chủ tịch Hội đồng đầu tư.

Theo luật sư bào chữa cho 2 cựu lãnh đạo Ngân hàng ACB này, thời điểm bị cáo Cang ký vào biên bản cuộc họp Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB đồng ý cho nhân viên mang tiền đi gửi thì việc ra chủ trương đó là không trái pháp luật. Vì Ngân hàng Nhà nước gián tiếp xác nhận khi trả lời CQĐT rằng việc ủy thác gửi tiền phải có hướng dẫn, nhưng là đối với Luật Các tổ chức tín dụng 2010, có hiệu lực từ ngày 1-1-2011.

Trước đó, trong quá trình thẩm vấn và tranh luận, cả bị cáo Tuấn và bị cáo Cang đều xin nhận trách nhiệm do đã tham gia vào chủ trương ủy thác cho nhân viên mang tiền đi gửi hơn 718 tỷ đồng và bị Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt hết. Tại phần đối đáp ý kiến VKS, cả 2 bị cáo này tiếp tục xin nhận trách nhiệm về sai phạm của mình và xin được hưởng án treo.