Bị bác đơn, doanh nghiệp vẫn tiếp tục kiện quản lý thị trường

ANTĐ - Sau 4 ngày nghị án, chiều 27-9, HĐXX sơ thẩm vụ án hành chính (TAND TP Hà Nội) đã quyết định bác toàn bộ nội dung đơn khởi kiện của Công ty TNHH Mạnh Cầm (gọi tắt là công ty Mạnh Cầm) đối với Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Công ty Mạnh Cầm phải tự gánh chịu toàn bộ thiệt hại do sản phẩm sữa dê Danlait của doanh nghiệp bị khách hàng tẩy chay và hiện đang tồn nhiều trong kho.

Đại diện Công ty Mạnh Cầm nêu chứng cứ khởi kiện tại tòa

Tại phiên tòa ngày 23-9, đại diện Công ty Mạnh Cầm cho rằng Chi cục QLTT Hà Nội đã sai khi ra quyết định xử phạt hành chính đối với sản phẩm sữa dê của họ. Ngoài ra, cá nhân ông Vương Trí Dũng – Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT còn có hành vi hành chính sai trái là thông tin không đúng với một số cơ quan báo chí về chất lượng mặt hàng này, khiến tất cả các cửa hàng, đại lý bán sữa Danlait đồng loạt mang hàng đến trả lại doanh nghiệp. Theo đại diện doanh nghiệp, trong quá trình bị kiểm tra, Công ty Mạnh Cầm còn bị tạm giữ toàn bộ hàng hóa với tổng số 5.600 lon sữa, trong đó có 400 lon bị rách nát bao bì, dẫn đến nguy cơ không thể sử dụng được. Theo tính toán của Công ty Mạnh Cầm, tổng giá trị thiệt hại mà doanh nghiệp phải gánh chịu qua vụ việc này khoảng 24 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình khởi kiện và tại phiên tòa, nguyên đơn chỉ đề nghị tòa án buộc Chi cục QLTT Hà Nội phải bồi thường hơn 1,2 tỷ đồng là giá trị hàng hóa bị thiệt hại trực tiếp.

Trước khi tuyên bố bác toàn bộ nội dung đơn khởi kiện của doanh nghiệp, Tòa án Hà Nội cho rằng quyết định xử lý vi phạm hành chính của Chi cục QLTT Hà Nội đối với Công ty Mạnh Cầm không sai về nội dung và bản chất sự việc mà chỉ có chút sai sót nhỏ về thể thức văn bản. Bởi, thực tế doanh nghiệp đã mắc lỗi vi phạm về ghi nhãn phụ của hàng hóa. Cụ thể, theo quy định của pháp luật về kinh doanh thương mại, sản phẩm sữa dê Danlait (là thực phẩm bổ sung – theo đăng ký chất lượng của doanh nghiệp) mà Công ty Mạnh Cầm nhập khẩu vào Việt Nam để phân phối thì buộc phải có nhãn phụ mang dòng chữ “theo chỉ định của bác sĩ”. Vậy nhưng Công ty Mạnh Cầm đã không tuân thủ quy định này nên việc bị Chi cục QLTT Hà Nội xử phạt hành chính với lỗi vi phạm về nhãn phụ hàng hóa là hoàn toàn có căn cứ. Về 5.600 lon sữa bị tạm giữ, tòa án cho rằng đây không thuộc danh mục hàng hóa cần phải có sự bảo quản đặc biệt và thực tế là giá trị sử dụng của sản phẩm vẫn còn nguyên nên yêu cầu đòi bồi thường này của doanh nghiệp cũng không được chấp nhận. Đối với việc ông Vương Trí Dũng đã có những phát biểu xoay quanh vấn đề xử lý lô hàng sữa dê của Công ty Mạnh Cầm tại một cuộc báo của thành phố cũng không phải là hành vi hành chính và cũng không gây thiệt hại gì cho doanh nghiệp nên yêu cầu khởi kiện là không đúng.

Bị bác đơn khởi kiện, Công ty Mạnh Cầm không đồng tình và cho biết sẽ sớm kháng cáo lên TAND Tối cao.