Bị áp phí tin nhắn cao gấp 3 thông thường, các ngân hàng kiến nghị giảm ít nhất 50%

ANTD.VN - Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ Thông tin và Truyền thông về việc giảm cước tin nhắn đối với các dịch vụ tài chính - ngân hàng.

Công văn cho biết: Thực hiện Chỉ thị số 11 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, ngành ngân hàng đã triển khai nhiều chính sách và giải pháp cụ thể hỗ trợ cho các đối tượng, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, trong đó có các chương trình miễn, giảm phí giao dịch thanh toán điện tử nhằm hỗ trợ trực tiếp cho người sử dụng.

Đến nay đã có 44/45 ngân hàng thực hiện miễn, giảm phí thanh toán cho khách hàng, chiếm 99,7% thị phần đã miễn giảm phí; nhiều loại phí được giảm từ 75-100% mức phí cũ.

Tuy nhiên, việc giảm phí đang gặp phải trở ngại do chi phí dịch vụ tin nhắn viễn thông dành cho các ngân hàng đang cao hơn nhiều lần so với những tin nhắn thông thường.

Bởi, hầu hết các dịch vụ ngân hàng đều sử dụng dịch vụ viễn thông với các loại tin nhắn như OTP, thông báo số dư tài khoản, thay đổi dịch vụ, thông tin tài khoản...

Cụ thể, MobiFone và VinaPhone đang áp dụng mức 820 đồng/tin nhắn giao dịch tài chính, 500 đồng/ tin nhắn quảng cáo chăm sóc khách hàng. Còn Viettel là 500 đồng/tin nhắn (không phân biệt loại tin nhắn) và từ năm 2019 đã nâng mức giá cước lên 785 đồng đối với tin nhắn giao dịch tài chính.

Trong khi đó, Vietnammobile, Beeline áp dụng 280- 400 đồng/tin nhắn giao dịch tài chính, 500 đồng/tin nhắn quảng cáo chăm sóc khách hàng.

Trường hợp sử dụng đầu số thuê bao cung cấp dịch vụ tin nhắn của đơn vị trung gian, mức phí SMS Branding khoảng 800 đồng/tin nhắn, kể cả sau khi trừ chiết khấu thì mức phí các ngân hàng phải trả cũng rất cao, 720 đồng/tin nhắn.

Các ngân hàng đang phải chịu phí dịch vụ tin nhắn cao gấp nhiều lần thông thường

Như vậy, có thể thấy mức giá cước tin nhắn mà các doanh nghiệp viễn thông đang áp dụng đối với các ngân hàng hiện cao gấp gần 3 lần so với tin nhắn thông thường (tin nhắn giữa các cá nhân đơn lẻ ở mức 250 - 300 đồng/tin nhắn).

Bên cạnh đó, tin nhắn khách hàng gửi tới ngân hàng qua đầu số 8149 là 1.500 đồng/tin nhắn; đầu số 8049 là 1.000 đồng/tin nhắn.

Hiệp hội Ngân hàng cho biết, hiện nay, ngoài tin nhắn SMS, ngân hàng cũng đang có một số kênh khác để tương tác thông tin tới khách hàng với chi phí thấp như tin nhắn thông báo trên ứng dụng, tạo ứng dụng tự sinh OTP...

Tuy nhiên, tin nhắn SMS vẫn là phương thức thông báo được đa số các ngân hàng, khách hàng lựa chọn, đặc biệt là tin nhắn SMS-Brandname với nhận diện riêng của ngân hàng, để tránh kẻ gian giả mạo, lừa đảo khách hàng.

Việc các ngân hàng tiếp tục duy trì, sử dụng tin nhắn SMS cho thấy đây là một nhu cầu thiết yếu để đảm bảo an toàn cho khách hàng và bản thân ngân hàng chứ không nhằm mục đích kinh doanh. Do vậy, các công ty viễn thông thu mức phí cao gấp nhiều lần so với mức thông dụng là chưa hợp lý.

Vì với mức giá cước phí như trên, hầu hết các ngân hàng đã áp dụng miễn, giảm phí giao dịch thanh toán cho khách hàng đều phải bù lỗ khi chi trả phí dịch vụ tin nhắn viễn thông, nhất là khi xu hướng sử dụng dịch vụ ngân hàng số, ngân hàng điện tử ngày càng gia tăng, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát hiện nay.

"Điều này tạo ra áp lực rất lớn cho các ngân hàng trong việc thực hiện chính sách giảm phí dịch vụ thanh toán và mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt theo chủ trương của Đảng và Nhà nước", công văn của Hiệp hội nhấn mạnh.

Vì vậy, Hiệp hội Ngân hàng đề nghị Bộ TT&TT chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông xem xét giảm mức giá cước tin nhắn xuống tương đương với mức giá cước tin nhắn thông thường (áp dụng cho dịch vụ nhắn tin giữa các cá nhân đơn lẻ) hoặc ít nhất giảm 50% mức giá cước tin nhắn hiện đang áp dụng với các ngân hàng.