Bí ẩn trên những con tàu đắm

ANTĐ - Ngay từ thuở xưa, nhiều tàu buôn từ khắp nơi trên thế giới đã từng qua lại hải phận Việt Nam để tới các nước Đông Nam Á, Tây Á, Đông Phi, châu Âu… trên hải trình của “con đường tơ lụa trên biển”. Trong số đó, có nhiều con tàu đã vĩnh viễn nằm lại dưới đáy biển khơi, chôn theo những điều bí ẩn cho đến nay vẫn chưa có lời đáp.

Tranh nhau “xẻ thịt” tàu cổ

Cho đến nay, các nhà khoa học, chính quyền Việt Nam đã tổ chức khai quật khảo cổ học tổng cộng 6 chiếc thuyền tại các vùng biển. Có một điểm chung thú vị của 6 con tàu cổ này: đó là tất cả chúng đều được ngư dân ven biển phát hiện ra. Các nhà khoa học chỉ vào cuộc khi bắt buộc phải xử lý. Bởi chi phí để khai quật một con tàu đắm là rất lớn, như tàu cổ Cù Lao Chàm mất tới 6 triệu USD ở thời điểm những năm 1999. 

Ngay từ những năm 1970 thế kỷ trước, ngư dân ven biển xã An Thới, Phú Quốc ra khơi đánh bắt cá cách đảo Hòn Dầm 5km, thỉnh thoảng họ kéo lên được những đồ gốm sứ cổ, có hoa văn trang trí đẹp. Thế nhưng, ngày đó, việc xuất hiện những đồ gốm sứ trong các mẻ lưới được cho là điềm gở đối với ngư dân. Bởi nơi chúng xuất hiện thường là những vùng biển nguy hiểm, hay xảy ra đắm tàu. Hơn nữa, thời đó, thú chơi cổ vật chưa thịnh hành, người dân không thật sự biết hết giá trị của cổ vật nên sự việc này không được chú ý.

Hay như con tàu cổ ở Cù Lao Chàm, cổ vật trên con tàu cổ này phát lộ lần đầu khi những ngư dân Quảng Nam đi đánh cá và bị sành sứ mắc vào lưới. Ban đầu nhiều người thấy sợ đã gỡ ra vứt lại xuống biển. Nhiều ngư dân còn cho biết, nhiều lần bắt gặp cả pho tượng gốm cứ trôi nổi lềnh bềnh dạt vào mạn thuyền, với một chút mê tín, ai cũng thấy sợ, phải “cầu khấn” rồi nhẹ nhàng đẩy trôi xa thuyền. Về sau có người thấy hay hay mới vớt lên mang về chơi, không ngờ những tượng gốm này sau đó có người tìm mua với giá cao. Đôi khi kiếm được nhiều cổ vật giá trị nhưng những ngư dân nghèo khó không hề biết giá trị thực mà chỉ dùng nó để đổi lấy vài bơ gạo cho nồi cơm hàng ngày của gia đình mình. 

Mãi đến những năm 1990, 1991 người đam mê cổ vật bắt đầu thuê ngư dân lặn tìm với giá cao khiến rộ lên phong trào ngư dân đi săn tìm cổ vật, từ đó, các con tàu cổ dưới đáy đại dương lúc này mới thực sự thu hút sự quan tâm của dư luận. Mùa hè năm 1998, một con tàu cổ bị đắm ở vùng biển huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, cách mũi Cà Mau về phía Nam 90 hải lý được ngư dân vùng biển Phan Thiết (Bình Thuận) phát hiện. Nhóm ngư dân này đã “núp bóng” đánh cá ở ngư trường Cà Mau và tổ chức khai quật trái phép hàng nghìn cổ vật. Cũng chính những ngư dân ven biển Bình Thuận đã tìm ra bốn con tàu cổ bị đắm ở vùng biển Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi. Các nhà khoa học cho rằng, tại Bình Châu có thể còn nhiều con tàu đắm khác và gọi nơi đây là “nghĩa địa tàu cổ”. 

Chỉ có điều, nếu người dân vẫn không biết giá trị của cổ vật, có lẽ, những con thuyền cùng cổ vật đã không tan nát trong tay những ngư dân lóa mắt vì đồng tiền. Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch Quảng Ngãi cũng từng đau xót khi khai quật một con tàu cổ tại vùng biển xóm Châu Tân, thôn Châu Me, vào năm 1999. Phần lớn hiện vật thu được lúc đó đã bị vỡ vụn vì một số ngư dân đã dùng mìn đánh nổ tung tàu để lấy cổ vật. Như con tàu cổ Bình Châu vừa được khai quật, cách đây mới chỉ 1 năm, cả vùng biển Bình Châu đã dậy sóng với tấp nập thuyền bè, các đoàn thợ lặn ra để vớt trộm cổ vật. Chỉ trong vòng vài ngày, dù thời tiết diễn biến nguy hiểm nhưng có đến hàng nghìn cổ vật đã biến mất khỏi con tàu. Khi chính quyền ra tay can thiệp thì đã muộn. Bởi vậy cho đến nay, khảo cổ học những con tàu đắm ở Việt Nam vẫn chỉ là “chữa cháy”: ngư dân phát hiện và khai thác trộm cổ vật rồi các nhà khoa học mới tới để nghiên cứu những gì… còn sót lại.

“Nghĩa địa tàu cổ”

Đêm 15-8, người dân thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi phát hiện thêm một xác tàu đắm chở cổ vật, nằm cách khu vực khai quật tàu cổ trước khoảng 300m về phía Tây Bắc. Như vậy đây là con thuyền đắm thứ 3 được tìm thấy trong khu vực. Cũng giống như những chiếc tàu đắm từng được phát hiện trước đây, ngay trong đêm, nhiều ghe, thuyền của ngư dân địa phương cùng phương tiện lặn đã đổ về địa điểm phát hiện con tàu đắm để khai thác trái phép cổ vật. Cho tới tận sáng ngày 16-8, lực lượng chức năng mới có mặt tại hiện trường để phong tỏa khu vực này. Bên cạnh đó, nhiều thông tin cho rằng, ngoài những chiếc tàu đã được phát hiện ngư dân địa phương cũng biết vị trí nhiều chiếc tàu đắm ở gần đó: Tàu Châu Tân 1 và 2 (cách con tàu vừa được phát hiện khoảng 1 km) được phát hiện năm 1999. Tàu Ghềnh Ráng (thuộc xóm Gành Cả bây giờ, cách con tàu mới được phát hiện khoảng 1,5 km) được phát hiện năm 2000.

Về thông tin còn nhiều xác tàu cổ bị đắm trong khu vực, ông Nguyễn Đăng Vũ - PGĐ Sở VH-TT&DL Quãng Ngãi cho biết: “Căn cứ vào những đồ gốm sứ thỉnh thoảng trôi dạt vào đất liền hoặc mắc lưới, các nhà khảo cổ nhận định, bãi tàu này còn nhiều chiếc tàu cổ khác chưa được khai quật”. Tiến sỹ Đoàn Ngọc Khôi, Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi cũng thông tin thêm, sách Đại Nam nhất thống chí đã ghi chép khu vực có tàu cổ bị chìm là “Tàu Úc”, có nghĩa là vũng tàu, nơi tàu thuyền neo đậu. Xét về mặt địa hình, các tàu buôn dừng lại tàu úc nghỉ ngơi trước khi khởi hành tiếp tục vượt qua mũi Pa-tan-gan, nơi có nhiều dải đá ngầm. Đặc biệt trên con tàu vừa được khai quật vào tháng 6 vừa qua, các nhà khoa học đã phát hiện nhiều dấu vết của một cuộc hỏa hoạn lớn trên con thuyền. Điều này giống với những phát hiện kỳ lạ khi khai quật tàu cổ ở Bình Châu năm 1999. Những cặp bát, đĩa dính chùm với nhau bởi nhiệt độ cao. 2 con tàu hành trình qua vùng biển Châu Thuận cách nhau hơn 200 năm, nhưng tai nạn lại giống hệt nhau”. 

Các nhà nghiên cứu từng đề cập đến nạn cướp biển hoành hành ở vùng biển Quảng Ngãi. Hang ổ và đường đi về của cướp biển là đảo Bé và bãi thuyền cổ ở làng. Thế nên, có ý kiến cho rằng những tàu đắm ở khu vực này là do cướp biển tấn công, đốt phá. Sách Đại Nam thực lục Quốc sử quán triều Nguyễn còn ghi lại: “Năm 1867, thuyền giặc biển 22 chiếc vào cửa Sa Kỳ, lên trên cạn hơn 300 tên, quan tỉnh Quảng Ngãi vì có ít quân, xin điệu quân ở quân thứ Tĩnh Man hội lại cùng đánh...”. Không đồng tình với quan điểm này, Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi phân tích: “Chúng tôi phát hiện một lượng lớn tiền trên tàu vừa được khai quật. Các loại tiền Chính nguyên thông bảo, Tường nguyên thông bảo, Tường phù thông bảo, Khai nguyên thông bảo. Sau này, nhà Nguyễn vẫn sử dụng tiền Khai nguyên thông bảo để giao dịch. Con thuyền vừa được khai quật không phải bị đắm do cướp biển đốt phá”. Như vậy, nguyên nhân dẫn tới việc hai con thuyền đắm ở Bình Châu đều có dấu hiệu bị hỏa hoạn vẫn còn là bí ẩn. Sẽ còn cần rất nhiều những điều tra khoa học mới có thể tìm ra, tại sao tàu Úc lại là nghĩa địa của các con tàu cổ. Và ố phận của những con tàu đó như thế nào cho đến khi vùi thân nơi đây.