Bí ẩn kẻ sát nhân có biệt danh “người rừng” (2)

ANTĐ - "Người rừng" xuất hiện bất ngờ sau lưng vợ chồng bà X. rồi chống dao đứng giữa nhà cười nham nhở: “Thèm một bữa cơm rượu quá, ông bà có vui lòng ủng hộ không?”

Trước đó, vài người đi rừng đã gặp hắn trong núi. Hắn nhồm nhoàm nhai lá cây, nước bọt xanh lè ứa ra bên khóe. Hắn vung dao hét lên: “Tao phải giết thêm vài đứa nữa rồi mới chịu làm con ma rừng...”.

SỰ ĐE DỌA CỦA “NGƯỜI RỪNG”

Mối quan hệ khá đặc biệt với anh Duy đã làm Ngô nổi bật lên giữa những đối tượng nghi vấn. Ngô cũng thừa biết nên trước khi giới hạn an toàn về mặt tâm lý không còn nữa, hắn đã rút chạy vào rừng. Trước khi đi hắn kịp mang theo một con dao sắc bén, dài nửa sải tay. Đây là thứ vũ khí mà Ngô có thể chống thú dữ, đào các loại củ, rễ trong rừng để sống, mở đường lúc bị vây khốn và đe dọa được người khác lúc xuống làng kiếm cơm ăn, rượu uống.

Bản chất hung dữ của hắn xóm làng ai cũng biết, vả lại hắn vừa gây ra trọng án và hiện đang bị dồn đến đường cùng nên nghĩ đến hắn bà con ở ven rừng đều khiếp sợ. Nỗi sợ tên “người rừng” này đã làm thay đổi sinh hoạt vốn rất bình yên ở thôn 6, Mỹ Đức, Đạ Tẻh. Nhiều gia đình vốn sống bằng nghề rừng như chặt lồ ô, khai thác song mây, lấy củi, đốt than... nay không thể kiếm cơm bằng nghề này được nữa.

Người ta sợ vào rừng, sợ giữa rừng vắng đụng đầu với tên “người rừng” hung hãn, có vũ khí. Vì thế cuộc sống của những gia đình nghèo càng thêm khó khăn. Họ khiếp sợ Ngô đến mức từ 16 giờ mỗi ngày, các gia đình đã gom hết đàn bà, con nít, người già vào một chỗ ngủ tập trung. Đàn ông, thanh niên chia theo ca trực suốt đêm. Họ lập hàng rào phòng thủ, chuẩn bị khí giới cùng những công cụ gõ đập phát âm thanh lớn để đề phòng những cuộc tập kích điên dại, bất ngờ của “người rừng”.

Vì thế cứ mỗi chiều, các thôn xóm ven rừng lại trở nên vắng vẻ, đìu hiu; còn ban ngày, một tiếng động lạ, tiếng chó sủa vu vơ cũng đủ làm mọi người hoảng hốt. Nỗi lo của họ không phải là vô cớ. Có người đi lấy củi đã đụng phải Ngô trong rừng. Họ kinh sợ tháo chạy thục mạng.

Một lần khác, vào ngày 30-8-2000, mới sáng sớm Ngô đã xuất hiện trước căn nhà của vợ chồng bà X.

Người chồng ở trên giường vừa đặt một chân xuống đất sợ quá không đứng dậy nổi. Bà vợ đang nhóm bếp cũng thất kinh té luôn vào “ông táo”. Ngô thấy vậy càng đắc chí gầm lên:

- Có chịu nấu cơm cho ông ăn không? (Hắn chặt con dao vào cột nhà nghe phập), hay là để ông giết cả nhà mày?

Người vợ lắp bắp năn nỉ, Ngô ra thực đơn:

- Cơm chiều đấy nhé, phải có một món canh, món xào, món mặn, một lít rượu! Nhớ là ông kén ăn lắm đấy!

Nói xong hắn nhún vài bước đã mất dạng ở cửa sau. Hai vợ chồng sợ quá dìu nhau đứng lên, khi đã hoàn hồn mới thì thầm bàn tính. Người vợ muốn ra báo công an xã, ông chồng một mực không chịu, bảo:

- Coi như cúng cho hắn một bữa. Ra báo xã lỡ hắn biết được thì khốn!

Chị vợ theo lời chồng, chạy vạy vay mượn được mấy chục ngàn đồng tất tả ra chợ. Chị mua cá nấu canh chua, thịt bò xào cải xanh, miếng thịt gà đủ ram mặn một dĩa nhỏ. Chị gặp mấy người quen ở chợ, họ kinh ngạc về bữa chợ hào phóng của chị nên xúm lại hỏi:

- Hôm nay nhà có đám giỗ sao?

Chị vốn không quen nói dối nên lúng túng, người kia tra gặng một hồi thì chị đành khai thật là “người rừng” trên núi xuống, yêu cầu phải cống nạp một bữa cơm rượu tử tế. Lúc này câu chuyện về Ngô đã bước sang ngày thứ 11, là vấn đề thời sự nóng hổi nhất của cư dân vùng này. Vì vậy khi nghe chị X. - một phụ nữ nghèo, tằn tiện phải đãi tên Ngô như làm đám giỗ, chị kia cũng căm tức, nói luôn suy nghĩ của mình:

- Hôm nay nhà bà, biết đâu ngày mai lại đến lượt tôi. Chi bằng ta khử nó trước đi.

Chị X. tỏ vẻ lo lắng:

- Chồng tôi không chịu, cứ sợ công an bắt hụt nó, nó trả thù cả nhà. Nhà tôi lại ở ngay chân núi, lo lắm!

Chị kia chụm đầu, nói nhỏ mấy câu vào tai chị X., chị gật gật tỏ ra phấn khởi...

Từ chợ về, chị X. nấu một nồi cơm trắng (thường ngày nồi cơm nhà chị vẫn độn khoai, mì) và một mâm thức ăn bốc mùi thơm phức. Đạ Tẻh đang vào mùa mưa bão, ngó mâm cơm chị lại lo “người rừng” không xuống núi được. Đến lúc trời nhá nhem tối, mưa vẫn còn nặng hạt, chị X. ngồi canh mâm cơm, anh chồng chắp tay sau lưng đi tới đi lui tỏ vẻ sốt ruột. Bỗng nghe một tiếng đằng hắng, anh ta quay ra cửa bếp đã thấy “người rừng” với đầu tóc húi cua, áo sơ-mi nâu, quần tây màu đen lách vào nhà. Vẫn như hôm trước, trên tay hắn cầm chặt cán dao rừng. Hắn vẫn tỏ ra rất lanh lợi, khịt khịt mũi:

- Nấu nướng như thế là tốt. Cả nhà có bao nhiêu đứa ra hết cả đây cho ông điểm danh. Không thì lúc ông đang chén, một đứa lẻn đi báo công an, ông lại dở bữa rượu... Ra hết đây!

Những người trong nhà líu ríu bước ra. Hắn để mâm cơm giữa nhà, thong thả bới cơm ra chén, vừa ngấu nghiến nhai vừa gật gù như một ông lớn:

- Nhà này được, ông coi như bạn!

Chị X. nhìn hắn ăn mà hồi hộp. Chị thầm cầu nguyện cho hắn chiếu cố đến món canh hoặc hớp một cốc rượu. Hai thứ đó theo lời dặn của người bạn gặp ngoài chợ, chị đã giấu chồng lén cho khá nhiều thuốc ngủ vào. Chỉ cần hắn lăn quay vì thuốc, chị sẽ lấy những sợi dây thừng bó củi đã chuẩn bị sẵn trói tay chân hắn lại - lúc đó dù không muốn vì nhát gan, chồng chị chắc chắn sẽ vào phụ trói hắn cho chặt hơn. Sau đó chị sẽ gõ thùng thiếc la làng, bà con kéo đến bắt tên “người rừng” giao cho xã. Thế là xong đời kẻ thích làm chuyện ác...

Nghĩ đến đó chị thấy thật hả dạ! Thế nhưng thật kỳ lạ, dù rất đói tên Ngô cũng không chịu rớ vào tô canh chua thơm ngát. Cả xã này ai ai cũng biết hắn là con sâu rượu, mở mắt ra đã nốc rượu, bao lâu nay trốn trong rừng lại càng thèm rượu, mưa lạnh thế này cơn thèm phải lên gấp bội. Thế sao hắn lại không chịu đụng đến tô canh, chai rượu. Khi hắn buông đũa, đưa tay áo quẹt mồm và thở khà vì no nê, khoái trá, chị X. hết sức thất vọng và cũng chẳng còn kiên nhẫn nên đánh liều hỏi:

- Canh dở lắm hay sao ông không ăn?

- ...

- Sao ông không uống một ngụm rượu cho ấm?

- ...

Ngô không trả lời vì đang bận cạy thức ăn bám trong răng bằng những móng tay dài, cáu bẩn. Không khí trong căn nhà nhỏ giữa nơi heo hút, vắng lặng và bóng đêm bao trùm này thật ngột ngạt. Bất ngờ Ngô nhổm lên, nghiêng đầu nghe ngóng. Rõ ràng là có tiếng sột soạt của người mặc áo mưa đang di chuyển. Sau đó là tiếng... “oạch” của một người nào đó bị té phía sau nhà. Ngô kẹp con dao rừng vào nách, lao như con thú bị rượt đuổi vào bóng đêm và cơn mưa rừng tầm tã. Thì ra khi hắn vừa xuất hiện ở nhà chị X., một người dân đã tình cờ thấy được và báo cho một tổ CA đang mai phục ở thôn bên cạnh. Các anh CA bất chấp mưa gió, khó khăn vì di chuyển ban đêm trên đường rừng.

Mỗi chiến sĩ CA quấn tạm bợ một mảnh nylon, đi chân đất, quần xắn quá gối chạy băng băng suốt 5 - 6 cây số để đến nhà chị X. nơi chân núi. Khi áp sát mục tiêu, do không thông thuộc địa hình, không thể sử dụng đèn pin, các trinh sát phải mò mẫm trong bóng đêm và cơn mưa rừng như trút nước. Có một đồng chí do quá mệt đã bị trợt té gây tiếng động. Ngô từ trong nhà nghe thấy, tuôn chạy. Anh CA bị té ê ẩm, tê dại cả người nhưng không thấy đau, chỉ bực tức, ân hận vì cái xui của mình. Hiểu được điều đó nên các đồng đội đến đỡ anh dậy, an ủi:

- Tại mưa, đường trơn chứ không phải tại cậu đâu! Đừng buồn nữa, thế nào anh em mình cũng tóm được nó thôi!

Nước mưa bỗng mằn mặn trên môi mỗi người. Cuộc truy bắt tên “người rừng” này thật gian khổ. Hơn 10 ngày nay, CA huyện Đạ Tẻh phối hợp với CA tỉnh Lâm Đồng chia thành nhiều nhóm phong tỏa hết các con đường với quyết tâm không để tên tội phạm này chạy khỏi địa bàn huyện. Để thực hiện kế hoạch đó, các trinh sát đã bám chốt 24/24 giờ mỗi ngày. Mỗi tổ 3 - 4 trinh sát trùm áo mưa trụ luôn trong rừng. Một tổ giao liên vào Ủy ban xã nấu nhờ cơm sau đó vắt thành từng nắm tiếp tế cho các chốt.

Cơm chỉ no được buổi chiều, tối đến gió lạnh làm tăng thêm cái đói nên phải cử người luồn rừng ra xóm mua thiếu mì gói vào chia nhau nhai sống. Tổ được chia bám trên cây phải mang theo một chai cà phê, buồn ngủ không chỉ hỏng việc mà có khi té ngã cụp xương sống chứ chẳng chơi. Tổ ém dưới đất khiếp nhất là vắt với rắn độc, thêm nỗi khổ co ro, khom mình suốt đêm trong tấm nylon bé xíu tê dại cả chân tay.

Trên cây, dưới đất có chung nỗi khổ là thèm thuốc lá. Có anh ghiền quá đề xuất hút theo kiểu “du kích” - tức moi cái lỗ dưới đất rồi cúi mặt xuống hút che đầu thuốc cháy đỏ. Ngại là trong rừng mùi thuốc lá không thể lẫn vào đâu được, đối tượng có thể đánh hơi, hỏng việc lớn, thế là anh em động viên nhau cai thuốc. Gã “người rừng” rất tinh quái trong cuộc rượt đuổi. Hắn vừa xuất hiện ở thôn 7 vào nhà người quen kiếm cơm, khi lực lượng CA, dân quân nghe tin báo di chuyển đến thì hắn đã cắt rừng về thôn 6. Triển khai kế hoạch ở thôn 6 lại nghe tin hắn thập thò ở thôn 3...

Các trinh sát di chuyển liên tục, nhiều ngày phải vượt sông Quảng Trị đến hai, ba lần. Bè của dân đi rừng để dọc bờ sông, trinh sát sử dụng nhưng không quen, ra đến giữa dòng nước chảy xiết điều khiển không được, lật bè, cả tổ rơi xuống nước lóp ngóp. Bởi vậy mới có chuyện nhiều anh phải mặc quần đùi, số anh khác phải vào nhà dân mượn tạm quần áo cho đỡ lạnh. Có những đêm, tổ trinh sát đi theo đường suối, nước ngập tới ngực, áp sát một căn chòi rẫy và trụ tại đó đến sáng. Trong chòi một cặp vợ chồng chong cây đèn hột vịt nhỏ xíu, ấm áp bên nhau ngủ li bì. Họ đâu ngờ rằng ngoài kia là những chiến sĩ CA dầm mình trong mưa đêm, đói lạnh để bảo vệ cho họ khỏi một trận tập kích, cướp bóc của “người rừng”.

Có đêm nghe tin Ngô sẽ về nhà mẹ ruột để lấy lương thực. Căn nhà này nằm giữa đồng ruộng, các trinh sát bò luôn dưới sình, trên đầu ngụy trang một cành cây chờ đợi. Tên tội phạm không về, chỉ có từng bầy kiến lửa làm cho anh em phải quằn quại dưới bùn! Nhiều anh lính trẻ ky cóp mãi mới may được một, hai bộ quần áo để dành đi dạo phố. Nay bươn theo dấu chân tên tội phạm, mấy bộ “đồ vía” rách te tua, dính đầy mủ chuối, mủ khoai, sình đất...

Nhưng tiếc nhất vẫn là những lần bắt hụt Ngô. Đó là hôm Ngô đói và thèm rượu phải mò về nhà cô em ruột ở thôn 4. Giúp cho gã cơm no, rượu say xong, cô em gái còn cho hắn một áo mưa, một nón lá và một gói thuốc lá Trị An. Ngô ôm hết ra bờ con suối chảy giữa hai xã Mỹ Đức - Quảng Trị. Hắn trải áo mưa đánh một giấc ngon lành. Tờ mờ sáng, một mũi truy quét của CA và dân quân từ dưới thôn 4 tiến lên... Bên bờ suối, tấm nylon còn ấm hơi người, bên cạnh là chiếc nón lá, trong nón có gói thuốc Trị An hút dở nhưng tên Ngô thì không thấy đâu. Mọi người chia nhau bao vây hết khu vực nhưng hắn vốn quen thuộc địa bàn rừng núi, đã biến mất. Mọi người dậm chân tiếc rẻ!

Trong lúc mệt mỏi, căng thẳng như vậy Ban chuyên án bất ngờ nhận được một nguồn tin vô cùng quý giá. Tại thôn 7, cứ mỗi ngày vào lúc mặt trời chênh vênh trên đầu ngọn núi, lại xuất hiện một thiếu phụ mang gùi len lỏi vào rừng. Qua tìm hiểu thấy gia đình thiếu phụ này ở chân núi, xung quanh toàn củi, nhu cầu sử dụng củi chỉ để nấu ăn, bởi chị ta không sống bằng nghề khai thác lâm sản. Vậy ngày nào cũng vào rừng làm gì? Trong lúc dân nghề rừng thứ thiệt đang sợ “người rừng” thà chịu nhịn đói, huống hồ chị ta là một phụ nữ ốm yếu? Trinh sát liền bí mật bám theo và thấy chị ta sau khi đi sâu vào rừng, đến một cây dẻ lớn, đặt gùi xuống, chị ta lôi một cà mèn bằng nhựa màu đỏ quấn nhiều lớp bao nylon ra. Chị leo lên cây, đặt cà mèn vào chạc cây, ngó xung quanh rồi từ từ tuột xuống. Bước tiếp theo là chị quơ quào vài cành củi khô chất vào gùi rồi đi ngược trở ra con đường mòn...

(Còn tiếp)