Bí ẩn đất rồng nằm

ANTĐ - Con rồng có vị trí đặc biệt trong văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam. Vì thế, không lạ khi nhiều miền đất thiêng có gắn chữ Long. Miên man trong chiều cuối năm, chúng tôi tìm về Vịnh Bái Tử Long, nơi phên giậu Tổ quốc, chốn rồng thiêng từng oai hùng chống trả giặc ngoại xâm.

Người dân Bái Tử Long hồ hởi với mẻ hải sản vừa thu hoạch

Thiên nhiên kỳ thú

Từng lọt vào top 5 những địa điểm du lịch tuyệt vời nhất Đông Nam Á, Vịnh Bái Tử Long (Quảng Ninh) là miền biển đảo mang nhiều huyền tích. Nơi đây còn in dấu nền văn hóa Hạ Long từ hàng nghìn năm trước và cũng còn lưu giữ khá vẹn nguyên nét tinh khôi hoang dã với những cánh rừng nguyên sinh kì thú. Nguyên Giám đốc vườn quốc gia Bái Tử Long Phạm Tuấn Hùng, người gắn bó với Vịnh Bái Tử Long gần 30 năm nay, ví von: “Nếu như Vịnh Hạ Long đẹp như cô gái thành thị lộng lẫy thì Bái Tử Long là cô gái quê đằm thắm và duyên dáng”.

Mở bản đồ giới thiệu Vịnh Bái Tử Long, ông bảo, Bái Tử Long vẫn như thuở hồng hoang. Chỉ tính riêng trong khu vực vườn quốc gia đã có tới hơn 40 đảo đá lớn nhỏ. Trong đó, đảo Ba Mùn, được mệnh danh là bức tường thành bảo vệ huyện đảo Vân Đồn, là khu bảo tồn động vật hoang dã lớn nhất vùng Đông Bắc, còn được người dân vùng này còn gọi là “đảo thú”. Ngọn núi cao nhất của đảo có tên gọi là núi Quýt, cao gần 400m, đây là đảo lớn duy nhất có rừng nguyên sinh của Vịnh Bái Tử Long. Hệ thực vật trên đảo chia làm ba tầng rõ rệt, phía dưới chân đảo là khu vực của  loài cây ngập mặn như mắm, đước, tiếp đến là rừng tre trúc và phía trên cùng là lãnh địa của cây cổ thụ và dây leo. Ở đảo Ba Mùn, hiện nay còn khá nhiều loài thú móng guốc như hươu, nai, lợn rừng và gấu, báo gấm. Loài bò sát thì nhiều vô kể. Hiện tại, trên đảo Ba Mùn còn rất nhiều loài bò sát như trăn gió, rắn hổ mang chúa, tắc kè, kỳ nhông, kỳ đà… Người ta còn bắt gặp ở đây loài chim quý Hồng hoàng có tên trong sách đỏ!

Rời đảo Ba Mùn, chúng tôi sang đảo Trà Ngọ. Dọc đường cano rẽ sóng, chúng tôi gặp san sát những đảo đá có những hình thù kỳ lạ như hòn Thiên nga, hòn Lã Vọng, Gấu biển và Sư tử biển. Nếu như bên đảo Ba Mùn là vương quốc của các loài cây “tứ thiết”: đinh, lim, sến, táu thì Trà Ngọ là thế giới của vườn thuốc dân gian trên biển. Từ áng Trà Thần lần sâu vào đường mòn thiên nhiên, chúng tôi gặp khá nhiều các loài cây như ngũ gia bì chân chim, tắc kè đá và đặc biệt là cây kim giao cổ thụ. Loài cây này xưa kia được dùng làm đũa ăn cho các bậc vua chúa, các nhà quyền quý vì gỗ cây kim giao có phản ứng khi gặp các chất độc. Trên đảo Trà Ngọ, các loài thú quý như trăn gấm, báo lửa, nai vàng vẫn còn tồn tại. Ở một số hang động dưới chân đảo Trà Ngọ, người dân hay gặp những đàn cá heo xuất hiện vào những ngày đẹp trời.

Bãi bể nương dâu

Nhắc tới Bái Tử Long, ai cũng nhớ về bến cảng Vân Đồn, nơi cửa biển sầm uất thời Lý cách đây gần 1.000 năm, với bộn bề hàng hoá, tấp nập thương nhân từ khắp nơi trên thế giới. Cũng với suy nghĩ ấy, chúng tôi tới đảo Quan Lạn - Minh Châu, nơi có một thương cảng cổ bậc nhất của nước Việt xưa. Những cụ cao niên trên đảo kể rằng, bến Cái Làng xưa là trung tâm của thương cảng sầm uất một thời. Tuy thế, hơn chục năm trở lại đây, khu vực Cái Làng bị cát biển bồi lấp khiến dân làng khó vận chuyển bằng thuyền bè cập bến, người dân chuyển dần ra gần trung tâm xã khiến Cái Làng trở nên hoang vu.

Sau cả nghìn năm, phía dưới chân bến giờ chỉ còn dày đặc những mảnh sành, sứ cổ như dấu tích cuối cùng về một thời oanh liệt. Chính quyền địa phương cho biết, hơn 40 năm nay, các nhà khảo cổ học đã tiến hành khai quật nhiều vùng trên đảo Quan Lạn. Tại khu vực Cái Làng, các nhà khoa học và khảo cổ đã phát hiện ra nhiều nền nhà cổ.  Khắp các bờ vụng, có hàng triệu mảnh sành sứ, có đoạn dày tới gần 1m, được xác định niên đại từ thời Lý đến thời Lê. Hầu hết các loại gốm được phát hiện ở khu vực này sau khi xác minh là các loại gốm vùng Hải Dương, Bắc Ninh, trùng khớp với các loại gốm phát hiện ở bến cửa sông Bạch Đằng, sông Kinh Thầy và Móng Cái. Các nhà khoa học khẳng định, thương cảng Vân Đồn xưa là nơi trung chuyển của “con đường gốm sứ” Việt Nam ra với thế giới.

Rời Cái Làng, chúng tôi tới xã đảo Minh Châu, đảo duy nhất có rừng Trâm cổ thụ, vườn thuốc dân gian trên biển rộng nhất. Người dân đảo rất trọng cây Trâm và gọi đó là thần mộc của đảo Minh Châu. Mỗi cây Trâm cao chừng 10m, mọc rất dày, bao đời nay đã đứng sát bên nhau để chắn gió, chắn cát, chắn sóng dữ mỗi khi có những trận bão biển gầm thét đe dọa xóm làng. Xã đảo có hẳn truyền thuyết về rừng Trâm kể về mối tình chung thủy sắt son giữa nàng Trâm và chàng Chương. Khi nàng Trâm ở nhà chờ đợi chàng Chương ra biển đánh giặc. Chàng đã dũng cảm hy sinh trong trận thủy chiến bảo vệ vùng biển quê hương, nàng Trâm đau đớn khôn nguôi héo mòn rồi cũng qua đời. Thần biển thương tình nhờ sóng đưa xác chàng dũng sĩ về với bãi biển. Một vị thần rừng đi qua nghe chuyện cảm động đã gieo xuống bãi cát những mầm cây xanh tốt, và nơi đó chính là rừng Trâm, còn bãi biển bao quanh ôm lấy rừng cây chính là bãi Chương, ở đây có rất nhiều con Nẹp, một loài hải sản thơm ngon, mà dân làng hiện nay thường gọi tắt là bãi Chương Nẹp. Ngoài cây Trâm, Minh Châu hiện nay có rất nhiều các loài cây quý hiếm dùng để làm thuốc như cây bách bệnh, tắc kè đá, trầu biển, tùng la hán...

Dấu tích oai hùng

Lịch sử Vịnh Bái Tử Long cũng gắn liền với những trang sử chống ngoại xâm hào hùng của dân tộc. Vịnh Bái Tử Long là nơi tưởng nhớ chiến công của Trần Khánh Dư cùng 3 anh em họ Phạm, người xã Quan Lạn đánh tan đoàn thuyền lương của tướng giặc Nguyên Mông Trương Văn Hổ. Hiện nay, còn rất nhiều di tích đình, chùa, miếu trên đảo còn lưu giữ các bản sắc phong các triều đại đã phong tặng cho các tướng sĩ có chiến công hiển hách này. Hàng năm, cư dân vùng đảo Quan Lạn - Minh Châu lại tưng bừng tổ chức lễ hội khao mừng chiến công của quân dân binh vùng biển Bái Tử Long. 

Thời hiện đại, nằm trong vùng đệm Bái Tử Long, cảng Vạn Hoa chính là điểm xuất phát và những kho vũ khí của đoàn tàu không số thời chống Mỹ. Ngoài cảng Vạn Hoa, nơi còn nhiều dấu tích quân sự nhất là hang Quan- hay còn gọi là hang Hải quân nằm cách cảng Vân Đồn gần 2 hải lý. Với diện tích chừng 5.000m2, bên trong hang Quan được xây dựng với nhiều ụ và có cả triền cho tàu neo đậu, lên xuống. Trong hang có một bức phù điêu lớn gắn vào tường hang do các cựu chiến binh hải quân làm, còn ghi đậm dòng chữ “cảng quân sự hang Quan được thi công từ 1-5-1966 và hoàn thành ngày  1-5-1970, do Phòng Công binh hải quân thiết kế và thi công”. Sau ngày hòa bình, những khí tài của cảng quân sự của hang Quan đã được chuyển đi nơi khác và bàn giao lại cho địa phương quản lý, lúc đó dân chài đi biển mới hay nơi đây từng có một quân cảng bí mật...

Còn nhiều lắm những bí ẩn đầy hấp dẫn của Bái Tử Long, một vùng biển đảo hoang sơ. Nhìn trời nước miên man với cơ man đảo mở san sát trước mặt, chúng tôi như chìm vào trong truyền thuyết xưa. Khi ấy, người dân nước Việt mới lập nước đã bị giặc ngoại xâm tràn vào. Ngọc Hoàng đã sai Rồng mẹ mang một đàn Rồng con xuống hạ giới giúp người Việt đánh giặc. Khi những chiếc thuyền giặc từ ngoài biển tiến vào bờ, đàn Rồng đã phun vô số châu ngọc và thoắt biến thành muôn ngàn đảo đá trên biển, tạo nên bức tường thành vững chắc để chặn bước tiến của thuyền giặc. Đoàn thuyền giặc đang lao nhanh, bị chặn đột ngột đã đâm vào các đảo đá hoặc đâm vào nhau vỡ tan tành. Sau khi giặc tan, Rồng mẹ và Rồng con không trở về trời mà ở lại hạ giới, nơi vừa diễn ra trận chiến. Vị trí Rồng mẹ xuống là Hạ Long, Rồng con xuống là Bái Tử Long. Đuôi đàn rồng quẫy nước trắng xóa là Long Vĩ (bán đảo Trà Cổ ngày nay) với bãi cát mịn và dài hơn chục cây số...