Bí ẩn 5 cây thị cổ thụ

ANTĐ - Năm cây thị tồn tại hàng trăm năm tại vùng biển của tỉnh Nghệ An, không còn là sở hữu của một dòng họ, một gia đình, mà người dân nơi đây luôn coi những cây thị này là “thần hộ mệnh” của cả thôn. Trải qua thời gian, quanh những gốc thị này vẫn tồn tại nhiều câu chuyện kỳ lạ được lưu truyền.

Huyền thoại lưu truyền

Ông Thưởng bên cây thị cổ

Ông Lê Minh Thưởng, sinh năm 1941, trong một gia đình nghèo thuộc vùng biển Nghi Thịnh, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Là hậu duệ đời thứ 17 của dòng họ Lê ở thôn 2, ông Thưởng vốn là một cựu quân nhân, một cảnh vệ của Bác Hồ đã về hưu. Tuy đã có tuổi với mái tóc muối tiêu nhưng ông vẫn còn minh mẫn và khoẻ mạnh. Khi được hỏi về những câu chuyện ly kỳ quanh mấy cây thị của gia đình, mà người dân trong làng đang truyền tai nhau, ông Thưởng nói, không biết cây thị có từ năm nào, nhưng từ lúc còn bé chơi trốn tìm cùng bạn bè thì 5 gốc thị đã ở đó rồi. Và một điều đặc biệt rằng trong gia phả của dòng họ Lê còn ghi rõ con cháu đời sau nối tiếp phải bảo tồn cho được những cây thị này.

Nằm sát biển và ở phía Đông của xứ Nghệ, thôn 2, xã Nghi Thịnh mang nhiều dấu tích của lịch sử. Một điều thật lạ, giữa vùng đất gió Lào cát trắng nằm cách bờ biển Cửa Lò chưa đầy một cây số thế mà những cây thị già vẫn bám rễ sâu, hiên ngang sừng sững. Năm cây thị trở thành chỗ dựa tinh thần của dòng dõi con cháu họ Lê và của bà con vùng quê nghèo này. Trong gia phả của dòng họ Lê tại Nghi Thịnh cũng ghi rõ, vào thời Tiền Lê, Đức Thái tổ Lê Lợi phong cho vị quan là Lê Văn Hoan hiệu là Quý Công người quê ở Thanh Hoá được triều đình giao cho cai quản vùng đất duyên hải miền Trung này. Năm cây thị già được trồng vào thời kỳ đó. Theo gia phả thì xa xưa có một cơn đại hồng thuỷ tràn qua vùng đất này. Cơn đại hồng thuỷ dữ tợn lắm, nó cuốn trôi tất cả mọi thứ chỉ duy nhất còn 5 cây thị vẫn hiên ngang xanh tươi đơm hoa kết trái. Thuỷ tổ dòng họ Lê đoán đây là điềm lành nên đã dựng lều lập làng, quy tụ con cháu cho ngàn đời sau sinh sống.

Ông Thưởng cũng cho hay, cây thị già còn là nơi trú ẩn của bộ đội và là nơi tổ chức những buổi họp quan trọng của các tiểu đoàn hành quân qua đây. Trụ sở của quân khu 4 cũng đóng ngay dưới gốc cây thị cổ thụ này, mãi đến năm 1974 mới chuyển vị trí mới. Vì vậy, dưới những gốc cây thị cổ thụ này còn mang dấu tích của căn hầm trú ẩn bí mật của bộ đội và nhân dân thời kỳ chiến tranh ác liệt. Ông Thưởng chỉ tay vào hốc cây rỗng, nói: “Dưới gốc cây này là một hầm chỉ huy của lãnh đạo Quân khu 4, những khi giặc bắn phá ác liệt, dân làng đều chạy vào những gốc thị này tránh đạn, lạ kỳ thay, nhiều nơi bị bắn phá tan hoang nhưng 5 cây thị thì vẫn đứng sừng sững đến bây giờ”.

 

Bảo vật vô giá

Năm cây thị trong vườn nhà ông Thưởng hiện đã già lắm rồi. Nó già tới mức thân cây xù xì mốc meo và không cao hơn được nữa, chỉ còn những cành con, cành cháu… thì vẫn mọc và vươn lên ngạo nghễ. Thân cây rỗng tạo thành lỗ hổng lớn, có cây cả 5 người chui vào cũng lọt. Gốc thị bé nhất có chu vi trên cả chục mét phải 8 - 9 người ôm mới xuể. Những u cục sần sùi, hang hốc, những đụn rễ với những hình thù kỳ quái. Người ta đồn rằng, 5 cây thị nằm quanh nhà thờ của dòng họ Lê thiêng lắm, nên nhà ông Thưởng còn làm cả một am thờ.

Lạ cái là, mặc dầu 5 cây thị đã già lắm rồi thế nhưng hàng năm vẫn đơm hoa kết trái và cho rất nhiều quả, mỗi mùa cho thu hoạch hàng tấn quả và mỗi cây có một hương vị và kích thước quả khác nhau. Người dân trong làng vẫn khẳng định rằng, ở cái đất Nghi Thịnh này có rất nhiều cây thị, thế nhưng quả của cây thị nhà ông Thưởng vẫn có mùi thơm đặc biệt và hương vị thì ngon hơn bất cứ cây thị nào ở đây. “Nhờ có cây thị, con cháu họ Lê đều học hành thành đạt và làm ăn tấn tới”, ông Thưởng tự hào kể cho chúng tôi nghe. Ông Thưởng bảo, “thị” là “mắt”, cây thị là bảo vật của gia đình ông cũng như tổ tiên của dòng họ để lại. Nó là con mắt để dõi theo từng bước đi của con cháu đời sau. Đã có người gặng hỏi mua những cây thị cổ thụ về làm cảnh với giá lên đến hàng tỷ đồng. Thế nhưng, ông Thưởng gạt phắt đi. Có người bảo ông là “lão gàn” dại dột, lấy số tiền đó mà sống thì suốt đời sung sướng. Cuối cùng thì “lão gàn” ấy vẫn khăng khăng giữ cho được bảo vật của tổ tiên để lại, không phải bởi những câu chuyện kì bí mà vì nó còn là dấu tích của lịch sử và là tài sản vô giá mà cả dòng họ trao lại cho ông. “Tổ tiên đã để lại cho chúng tôi, chúng tôi phải có trách nhiệm gìn giữ. Nó không những là tài sản của riêng dòng họ chúng tôi mà cả của người dân trong vùng này nữa. Khuyên răn, dạy dỗ con cháu gìn giữ là bổn phận mà tôi phải làm trước lúc đi theo tổ tiên”, ông Thưởng chia sẻ.

Trọn đời gắn bó với làng quê và với 5 cây thị già, hơn ai hết giờ bản thân ông Thưởng đều mong con cháu mình sau này có thể tiếp tục công việc của ông là bảo vệ những cây thị già đó. Và niềm vui lớn nhất là vừa qua, 5 cây thị đã được công nhận là di sản văn hóa, vậy là từ nay cơ quan chức năng sẽ có chính sách bảo vệ hợp lý. Bởi 5 cây thị này là minh chứng của mảnh đất Nghi Thịnh anh hùng, dù chưa ai chứng minh hay công nhận nhưng bao đời nay 5 cây thị này đã là di sản lớn nhất trong lòng mỗi người dân vùng biển.