Bệnh vô cảm

ANTĐ - Một vụ tai nạn giao thông xảy ra trên đường cao tốc, chiếc xe gây tai nạn bỏ chạy, mặc cho nạn nhân quằn quại đau đớn trên mặt đường. Lúc đó, khá đông các loại phương tiện đi qua, nhưng không ai dừng lại để đưa người gặp nạn đi cấp cứu. Đến khi một đôi thanh niên điện thoại cho Trung tâm cấp cứu 115 đến giải quyết, người bị hại đã phải nằm đó với thương tích đầy mình trong khoảng thời gian gần 30 phút.

Đây không phải lần đầu tiên xảy ra cảnh người gặp tai nạn giao thông bị những người tham gia giao thông bỏ mặc. Trước đây từng xảy ra những trường hợp người gặp tai nạn giao thông, do không được cấp cứu kịp thời đã tử vong.

Theo một số nhà tâm lý học phân tích, đa số các lái xe khi tham gia giao thông thường “cố tránh” các vụ tai nạn. Họ cho rằng nếu dừng lại và chở người gặp nạn đến bệnh viện sẽ vướng vào nhiều rắc rối như phải giải trình lý do vì sao có người bị thương với các cơ quan chức năng… Đôi khi, còn gặp những phiền hà xuất phát từ sự hiểu nhầm của gia đình người bị hại. Trong lúc quẫn bách, người nhà nạn nhân cho rằng ai đưa người thân của họ đến bệnh viện, chính là người gây ra tai nạn. Một số người khác còn cho rằng, khi chở người bị thương trên xe và chẳng may gặp phải tình huống xấu nhất, chiếc xe đó sẽ bị “dớp”, không may.

Trong Bộ luật Hình sự quy định rõ, người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra và những người gặp nạn chẳng được ai đoái hoài tới vẫn diễn ra. Đối với các nhà làm luật, hành vi thờ ơ trước nỗi đau đớn của người khác là không thể chấp nhận được, cần phải xử lý bằng trách nhiệm hình sự. Còn những người trong cuộc, họ lý giải bằng nhiều cách, nhằm chối bỏ trách nhiệm. Do vậy, mặc dù Luật Hình sự đã quy định tội danh và hình phạt cụ thể, để xử lý những người có hành vi bỏ mặc người khác đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, nhưng việc xử lý những trường hợp vi phạm rất khó khăn trong quá trình đi tìm chứng cứ.

Tục ngữ có câu “Thương người như thể thương thân”, vậy mà có người đã thờ ơ, bỏ mặc người gặp tai nạn giao thông. Thử nghĩ xem, nếu tránh được sự trừng phạt của pháp luật, họ có thể thoát được bản án của lương tâm giày vò suốt cuộc đời.