Bệnh viện “vênh” nhau, bệnh nhân bức xúc

ANTĐ - Cùng một triệu chứng bệnh, nhưng khi đi khám cấp cứu tại hai bệnh viện, bệnh nhân Trần Thị Hoa trú tại số 2 ngõ 239 phố Bùi Xương Trạch, phường Khương Đình, Thanh Xuân lại nhận được hai kết luận chẩn đoán và điều trị khác nhau khiến chính bản thân chị hết sức bất bình…

Bệnh viện “vênh” nhau, bệnh nhân bức xúc ảnh 1

Hai lần cấp cứu

Theo anh Nguyễn Văn Quyền (chồng chị Hoa), ngày 14-9, anh đã cùng gia đình đưa chị Hoa đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội để chuẩn bị cho kỳ sinh nở. Ca sinh của chị Hoa diễn ra  bình thường với một bé gái nặng 3,5kg. Ngày hôm sau 15-9, chị Hoa được các bác sỹ cho ra viện với kết luận: Đẻ thường, khâu tầng sinh môn.

Thế nhưng, ra viện được 4 ngày thì chị Hoa bắt đầu có những triệu chúng như sốt cao, bụng chướng to, ra máu nhiều nên ngay lập tức anh Quyền đã đưa chị Hoa  trở lại Bệnh viện Phụ sản để cấp cứu sáng 19-9. Anh Quyền cho biết: “Tôi đưa vợ vào viện từ 6h sáng, nhưng cũng phải đợi tới hơn 7h mới tới lượt. Mặc dù được các bác sỹ làm đủ biện pháp như siêu âm, thông tiểu và các loại xét nghiệm, nhưng họ vẫn không đưa ra được kết luận về tình trạng bệnh của vợ tôi là như thế nào”. Với kết quả khám bệnh là: Bình thường, chị Hoa được cho ra viện lúc 10h30 cùng ngày.

Điều bức xúc nhất của gia đình anh Quyền là sau khi rời Bệnh viện Phụ sản Hà Nội được 2 tiếng thì chị Hoa lại  mệt hơn. Lo sợ cho tính mạng của vợ, anh Quyền lại hốt hoảng đưa vợ đi cấp cứu lần 2, tuy nhiên điểm đến lần này lại là Bệnh viện Xây dựng, còn cháu nhỏ thì gửi tạm sang nhà người thân. Kết quả chẩn đoán lâm sàng của các bác sỹ tại bệnh viện này lại hoàn toàn trái ngược với Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, đó là bệnh nhân bị băng huyết do sót rau. Thậm chí, theo anh Quyền thì Bệnh viện Xây dựng còn cho biết, nếu để chậm vài tiếng đồng hồ nữa, bệnh nhân có thể sẽ phải cắt bỏ dạ con. Chính điều này khiến gia đình anh bức xúc về khả năng chuyên môn của các bác sỹ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Anh Quyền nói: “Việc sót rau của sản phụ là bình thường, nhưng đến khi cho vợ tôi ra viện cả lần 1 lẫn lần 2 họ đều không phát hiện ra thì quả thực là điều khó chấp nhận”. Rất may là hiện nay, sau khi được điều trị, chị Hoa đã hồi phục sức khỏe.

Chỉ là nhiễm khuẩn

Trao đổi với phóng viên Báo An ninh Thủ đô về vấn đề trên, bác sỹ Nguyễn Trí - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết: Về kết luận của Bệnh viện Xây dựng ghi: Băng huyết do sót rau, đã xử lý nạo hút cầm máu.... Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã có buổi làm việc với Bệnh viện Xây dựng tìm hiểu thông tin, tóm tắt như sau: Kết luận khám: Sau đẻ ngày thứ 5, sốt và ra máu nhiều (không nêu cụ thể là lượng máu mất bao nhiêu). Siêu âm: nghi buồng tử cung dày (không đo chiều dày và không lưu hình ảnh). Bác sỹ trực đã hội chẩn và tiến hành nạo buồng tử cung, mô tả lấy ra nhiều máu cục, màng rau và rau vụn (không nêu cụ thể số lượng). Không làm và không có kết quả phân tích tế bào tổ chức nạo từ buồng tử cung.

Cũng theo bác sỹ Nguyễn Trí, vấn đề sót rau sau sinh như gia đình chị Hoa nêu ra là việc có thể xảy ra. Việc xử trí nếu sót rau cũng không quá phức tạp và rất hiếm khi phải điều trị cắt tử cung như gia đình phản ánh. Lý do: sót rau có thể gây nhiễm trùng, nhưng ngày nay chúng ta có đầy đủ kháng sinh khống chế, ít dẫn đến nhiễm trùng nặng. Để phòng sót rau, bác sỹ chủ động đưa tay vào buồng tử cung kiểm tra và làm sạch ngay sau đẻ (gọi là kiểm soát buồng tử cung). Tuy nhiên cách xử trí này không nhiều nơi áp dụng vì tăng nguy cơ viêm niêm mạc buồng tử cung. Cách phòng tốt nhất là kiểm tra bánh rau sau khi bong, nếu thiếu hay nghi ngờ mới tiến hành kiểm soát buồng tử cung để làm sạch. Điều này được áp dụng cho chính bệnh nhân Hoa vì kết quả kiểm tra rau bong thiếu. Như vậy, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội khẳng định: nguy cơ sót rau sau đẻ của chị Hoa là rất thấp.

Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã họp hội đồng chuyên môn, phân tích và đưa ra kết luận: Quy trình khám, chỉ định sinh đường âm là đúng chuyên môn. Quy trình kiểm tra rau sau sinh phát hiện thiếu, kiểm soát tử cung bằng tay là đúng chuyên môn. Ngày 19-9, sau sinh 5 ngày, sản phụ có bí tiểu và sốt, đã được thông tiểu và với kết quả khám tiếp theo, kết luận: “Sau sinh không thiếu máu, nghi viêm niêm mạc buồng tử cung” và hướng điều trị theo đơn ngoại trú là đúng chuyên môn. Bệnh viện Phụ sản Hà Nội không bàn tới thái độ xử trí của bác sỹ trực khoa sản Bệnh viện Xây dựng. Tuy nhiên, để khẳng định chắc chắn như trong giấy ra viện là: “Băng huyết do sót rau” mà không có kết quả giải phẫu bệnh là chưa đủ căn cứ và không đúng quy trình y học. Trên lĩnh vực sản khoa, điều này lại càng nên làm, nhằm khẳng định tổ chức nạo  buồng tử cung là rau đơn thuần, hay rau bệnh lý (còn gọi là chửa trứng bán phần), nghiêm trọng hơn nữa mà thực tế bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã gặp là ung thư tế bào nuôi sau sinh.