Bệnh viện từ chối tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu dẫn đến chết người bị xử lý ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Như Báo ANTĐ đã đưa tin, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xác minh thông tin phản ánh 5 cơ sở y tế ở tỉnh Bình Dương không tiếp nhận cấp cứu khiến một người dân tử vong. Liên quan đến sự việc này, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi: Hành vi không tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu gây hậu quả nghiêm trọng, sẽ bị xử lý ra sao theo quy định hiện hành?

Liên quan đến sự việc 5 cơ sở y tế ở tỉnh Bình Dương không tiếp nhận cấp cứu khiến một người dân tử vong, tại cuộc họp khẩn giữa lãnh đạo UBND TP Dĩ An, Bình Dương, với các cơ sở y tế liên quan, các cơ sở này đã thừa nhận thiếu sót. UBND TP Dĩ An cũng yêu cầu các cơ sở y tế này phải chấn chỉnh ngay việc tiếp nhận bệnh nhân, không để tái diễn.

Hiện Công an tỉnh Bình Dương và các cơ quan liên quan đang xác định vụ việc bệnh nhân tử vong do bị các cơ sở y tế từ chối có dấu hiệu hình sự hay không.

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, tại thời điểm xảy ra vụ việc, tình hình dịch bệnh Covid-19 tại thành phố Dĩ An và tỉnh Bình Dương diễn biến rất phức tạp với số ca nhiễm, ca bệnh nặng và rất nặng có nguy cơ tử vong cao không ngừng tăng gây áp lực rất lớn cho cơ sở, nhân viên y tế tại địa phương.

Theo thông tin ban đầu, bệnh nhân tử vong dù trước đó đã đi 5 bệnh viện nhưng không được tiếp nhận
Theo thông tin ban đầu, bệnh nhân tử vong dù trước đó đã đi 5 bệnh viện nhưng không được tiếp nhận

Mặc dù vậy, đối với các bệnh viện việc cứu chữa kịp thời, cấp bách cho người bệnh, đặc biệt là những bệnh nhân diễn biến nặng có nguy cơ tử vong cao phải được đặt lên hàng đầu.

Nếu có đủ căn cứ cho rằng, cái chết đau lòng của ông N.D do bị từ chối cứu chữa là không thể chấp nhận được.

Do đó, trong sự việc này cần làm rõ có hay không hành vi không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.

Điều 132 BLHS 2015 sửa đổi về “Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” quy định, người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm; Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp thì bị phạt tù từ 1-5 năm.

Phạm tội dẫn đến hậu quả 2 người trở lên chết, thì bị phạt tù từ 3-7 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.

Về các yếu tố cấu thành tội phạm, theo Luật sư Hồng Vân, chủ thể của tội này là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự và phải là người có đủ điều kiện để cứu giúp người bị nạn.

Tội phạm thực hiện với lỗi vô ý hoặc cố ý gián tiếp.

Về khách thể của tội phạm, hành vi không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đã gián tiếp xâm phạm đến tính mạng của người khác.

Do đó, khách thể trực tiếp của tội phạm này là quyền được sống, được tôn trọng và bảo vệ tính mạng.

Về mặt khách quan, hành vi khách quan của tội phạm này là hành vi không hành động phạm tội.

Ở đây, người phạm tội đã không thực hiện hành vi cứu giúp người khác mặc dù có đủ khả năng và điều kiện để thực hiện nghĩa vụ này do sợ bị hiểu nhầm; sợ liên quan, phiền phức; quan niệm lạc hậu dẫn đến hậu quả người không được cứu giúp chết.

Để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh này, người thực hiện hành vi phạm tội phải có hành vi thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, có điều kiện cứu giúp mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó tử vong.

“Hậu quả chết người là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm, đồng thời cần xem xét điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi không cứu giúp và hậu quả chết người” – Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.