Bệnh viện sau Tết: Bệnh nhân tăng đột biến

ANTĐ - Theo ghi nhận, trong tuần đầu đi làm sau Tết, các bệnh viện lớn trên địa bàn Hà Nội đều trong tình trạng “quá tải”. Lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tăng đột biến. Nguyên nhân là do những ngày Tết, người dân mải lo Tết nên dẫu có bệnh cũng cố chờ đến sau Tết mới đi khám. Bên cạnh đó, do ăn uống trong dịp Tết, thời tiết rét đậm kéo dài khiến nhiều bệnh nhân hết Tết cũng… “lao đao”.

Quá tải

Mới 7h sáng nhưng khoa Khám tự nguyện của Bệnh viện Nhi Trung ương đã chật kín người đưa con đến khám. Do trong những ngày sau Tết, nhiệt độ thời tiết chênh lệch lớn giữa ngày và đêm nên số trẻ em đến khám và nhập viện do viêm đường hô hấp tăng cao. Trung bình mỗi ngày, khoa Khám bệnh của Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận từ 800-1.000 trẻ đến khám nhưng trong tuần qua, ngày nào cũng có khoảng trên dưới 1.000 trẻ đến khám,  bằng với số lượng ở thời kỳ cao nhất của bệnh viện. Vào những ngày thời tiết lạnh, số trẻ bị viêm đường hô hấp như viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi tăng nhanh. Những bệnh nhân điều trị dài ngày tại bệnh viện cũng đã quay trở lại sau những ngày nghỉ Tết, cộng với lượng bệnh nhân khám, cấp cứu gia tăng do thời tiết thay đổi khiến cho đội ngũ y bác sĩ gần như không có thời gian nghỉ.

 Bệnh viện Bạch Mai, một trong những bệnh viện lớn nhất cả nước trong những ngày qua cũng quá tải trầm trọng với lượng người đến khám hầu như tương đương những ngày cao điểm nhất trong năm. Những bệnh nhân đến khám sau kỳ nghỉ Tết phần lớn là bệnh nhân mãn tính đến khám theo định kỳ, có lịch hẹn từ trước Tết của bác sĩ. Ngoài ra số lượng bệnh nhân mắc các bệnh về hô hấp, tiêu hóa cũng tăng mạnh do thói quen ăn uống, sinh hoạt trong những ngày Tết bị đảo lộn, thực phẩm không đảm bảo chất lượng.

TS-BS Viên Văn Đoan, Trưởng Khoa Khám bệnh, cho biết trong những ngày vừa qua, BV đều tiếp nhận khoảng 1.500 bệnh nhân tới khám/ngày. Bệnh viện đã tiên lượng trước tình hình nên chuẩn bị đầy đủ về nhân lực nhưng do số lượng bệnh nhân tăng nên vẫn xảy ra cảnh chờ đợi.

Tại khoa Cấp cứu, những bệnh nhân bị hạ đường huyết, hôn mê, tai biến mạch máu não, tim mạch tăng mạnh. Tại Khoa Hồi sức Cấp cứu BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, mới mấy ngày đầu tuần mà hơn 40 giường bệnh của khoa đã chật kín bệnh nhân, trong khi số bệnh nhân từ các nơi khác vẫn tiếp tục được chuyển về. Phần lớn đều là những ca rất nặng, bị các bệnh như viêm màng não, uốn ván, viêm phổi, nhiễm trùng huyết. “Trong số này có không ít bệnh nhân “kiêng” chữa bệnh ngày Tết nên bệnh tình càng nặng hơn”- các bác sĩ cho biết.

Thời tiết rét đậm kéo dài suốt từ ngày mồng 1 Tết nên các bệnh viện lớn như Lão khoa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô, Bệnh viện E tiếp nhận nhiều bệnh nhân là người cao tuổi bị đột quỵ, tim mạch, huyết áp cao.

Mặc dù là những ngày đầu năm nhưng theo ghi nhận của PV tại khoa Cấp cứu và khoa Khám bệnh (BV Việt Đức) bệnh nhân vẫn đông đúc như ngày thường. Đa số các bệnh nhân đến đều do tai nạn giao thông trong những ngày Tết. Theo các bác sĩ, so với cùng thời điểm các năm trước, số ca tai nạn không tăng, tuy nhiên số ca nặng và tử vong thì có chiều hướng năm sau tăng hơn năm trước do tính chất các vụ tai nạn ngày càng phức tạp. Nguyên nhân chính dẫn đến TNGT nặng trong ngày sau Tết vẫn là do sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông, trong đó chủ yếu là nhóm tuổi thanh niên (từ 16-35 tuổi).

Tại BV K Trung ương, những ngày đầu năm mới cũng chật kín bệnh nhân đến khám. Chị Nguyễn Thị Hoa, Đại Từ, Thái Nguyên tâm sự, từ trong Tết đã thấy một bên ngực sưng, có u nhưng do gần Tết bận rộn nên không đi khám được. Vì vậy ngày đầu tiên đi làm, chị phải xin nghỉ bắt xe ngay xuống Bệnh viện K. Tại khu điều trị của bệnh viện, nhiều bệnh nhân không có chỗ nằm đã phải xếp giường ngoài hành lang để truyền hóa chất.

Bệnh chỉ có trong dịp Tết

Tại Viện Bỏng Quốc gia cũng có nhiều trường hợp trẻ bị bỏng. Phần lớn trẻ bị bỏng có liên quan đến nồi bánh chưng. Có em do bị ngã vào nước luộc bánh, có em bị nước trong nồi sôi trào vào người khi ngồi cạnh ông bà đun bánh... Đa số các trường hợp bỏng đều không nguy hiểm đến tính mạng trẻ nhưng cũng mất nhiều thời gian điều trị. Tiến sĩ Nguyễn Hải An, Phó khoa bỏng trẻ em, Viện bỏng quốc gia cho biết: Thực tế cho thấy, bỏng thường có mùa. Thường vào các dịp lễ, Tết khi người lớn bận rộn, hay bất cẩn, trẻ em được nghỉ học ở nhà nên số ca tai nạn của trẻ lại tăng lên.

Trong những ngày nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Thìn cũng ghi nhận đã có 35 người bị tai nạn pháo nổ. Trong đó có nhiều ca bị dập nát bàn tay, hỏng mắt, đặc biệt nghiêm trọng là có bệnh nhân vỡ cả 2 tinh hoàn do đốt pháo. Ngay trong ngày đầu năm mới, Bệnh viện Việt Đức đã tiếp nhận ca bệnh hiếm gặp. Một nam bệnh nhân 22 tuổi nhập viện trong tình trạng mất máu sốc, đau đớn với chấn thương nghiêm trọng ở hai bên tinh hoàn. Nguyên nhân do anh thanh niên này đốt pháo và gặp nạn chính trong sáng mùng 1 Tết.

Tại khoa Chống độc Bệnh viện Bạch Mai cũng ghi nhận nhiều bệnh nhân bị ngộ độc rượu, ngộ độc thực phẩm. Tuy nhiên không có trường hợp nào tử vong. Bên cạnh đó, do dịp Tết ăn uống không đúng chế độ, nhiều bệnh nhân đái tháo đường đã trở nên nguy kịch. Ghi nhận của phóng viên tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương cũng cho thấy tình trạng quá tải xảy ra tại một số khoa như Đái tháo đường. Ngoài ra, các bệnh nhân bị bệnh gút cũng nhập viện nhiều do đã hết thuốc sau 9 ngày nghỉ, đồng thời bị bệnh hành hạ vì không “giữ được miệng”.

Quá tải vì “rồng vàng”

Ngay những ngày đầu tiên hoạt động trở lại, Bệnh viện Phụ sản Trung ương và Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã nườm nượp thai phụ. Tại BV Phụ sản Trung ương, không chỉ khu khám bệnh rất đông thai phụ đến khám, đặt lịch khám mà ngay tại Khoa Sản đã phải xếp thêm giường nằm cho sản phụ dọc hành lang. Các phòng hầu hết đều có 2-4 sản phụ/giường. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nhiều cặp vợ chồng đã có tính toán từ trước để sinh con đúng vào năm “rồng vàng”.

Bác sĩ Trần Quốc Việt, Phó Giám đốc BV, cho biết mấy ngày qua, mỗi ngày, BV đón 60 - 70 trẻ chào đời. Mặc dù BV đã có nhiều giải pháp giảm tải nhưng vẫn chỉ là biện pháp tình thế. Năm 2011, BV tiếp nhận 21.000 ca sinh thường và sinh cấp cứu nhưng năm Nhâm Thìn được dự báo tình trạng quá tải sẽ còn trầm trọng hơn.

Vui chơi hết mình ngày Tết cũng là nguyên nhân khiến số ca nạo, hút thai tăng nhanh sau Tết. Năm nào cũng vậy, vào thời điểm sau Tết khoảng 1 tháng, số người đến Bệnh viện Phụ sản Trung ương và Bệnh viện Phụ sản Hà Nội với mục đích nạo, hút thai cũng tăng từ 20-30% so với dịp trước Tết. Đối tượng đến nạo hút thai đủ mọi lứa tuổi nhưng đông nhất là các bạn gái ở lứa tuổi vị thành niên đến 23, 24 tuổi. Nguyên nhân được xác định là do kỳ nghỉ Tết kéo dài nhiều ngày, triền miên trong những buổi liên hoan, nhậu nhẹt, chia tay về quê ăn Tết hay đi du lịch, kéo theo những lần vui quá đà cùng lúc của nhiều bạn trẻ. Bác sĩ Thanh Hà, Bệnh viện Phụ sản Trung ương còn nói vui: Bắt đầu từ khi sinh viên ở ngoại tỉnh lên Hà Nội đi học sau kỳ nghỉ Tết là chúng tôi đã chuẩn bị tinh thần cho một đợt làm việc bận rộn sắp tới.

Tin cùng chuyên mục