Bệnh viện quá tải, bác sĩ nhiễm Covid-19 tự điều trị tại nhà để nhường chỗ cho bệnh nhân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Số ca nhiễm Covid-19 và số ca tử vong liên tục tăng vọt ở Indonesia, các nhân viên y tế đang chịu gánh nặng áp lực công việc đến suy kiệt, nhưng virus không “tha” cho bất kỳ ai, chính bản thân họ cũng bị lây nhiễm. Anh Irman Pahlepi, 30 tuổi, bác sĩ tại bệnh viện Suyoto ở Thủ đô Jakarta, Indonesia dù hai lần nhiễm Covid-19 nhưng đã quay trở lại bệnh viện điều trị cho bệnh nhân ngay sau khi tự chữa khỏi bệnh cho chính mình.
Bác sĩ Irman Pahlepi cùng đồng nghiệp tranh thủ nghỉ sau khi điều trị cho bệnh nhân Covid-19 ngày 29-7

Bác sĩ Irman Pahlepi cùng đồng nghiệp tranh thủ nghỉ sau khi điều trị cho bệnh nhân Covid-19 ngày 29-7

Áp lực công việc quá tải khiến bác sĩ dễ bị lây nhiễm hơn

“Chúng tôi có quá nhiều bệnh nhân phải điều trị so với năm ngoái. Số lượng bệnh nhân Covid-19 hiện nay cao gấp 4 lần so với thời kỳ tăng đột biến cao nhất trước đó vào tháng 1-2021. Các nhân viên y tế đều phải cố gắng hết sức” - bác sĩ Irman Pahlepi cho biết. Indonesia, quốc gia đông dân thứ tư thế giới, đã có ngày chết chóc nhất với 2.069 người tử vong vì Covid-19 vào hôm thứ ba tuần trước và hiện số ca tử vong vẫn ở mức cao. Tính đến ngày 2-8, tổng số ca nhiễm được báo cáo chính thức là hơn 3,4 triệu ca với 97.291 trường hợp tử vong, tuy nhiên, con số thực có thể còn cao hơn đáng kể bởi nhiều người tử vong tại nhà.

Trong khi các quốc gia Đông Nam Á phải vật lộn với làn sóng Covid-19 mới do biến thể Delta siêu lây nhiễm, tỷ lệ tử vong của Indonesia chỉ đứng sau Myanmar và cao hơn nhiều so với tỷ lệ cao nhất của Ấn Độ trong đợt bùng phát hồi tháng 5 vừa qua. Trong số những người thiệt mạng ở Indonesia có hơn 1.200 nhân viên y tế, bao gồm 598 bác sĩ. Nhiều nhân viên y tế bị kiệt sức bởi khối lượng công việc liên tục quá tải. Và không ít bác sĩ đã bị lây nhiễm, như bác sĩ Pahlepi. “Chúng tôi lo lắng về khối lượng công việc quá tải kéo dài trong thời gian dài, có thể gây ra tình trạng kiệt sức. Sự mệt mỏi này đã làm giảm khả năng miễn dịch của các nhân viên y tế, khiến họ dễ bị lây nhiễm hơn” - Bác sĩ Paranadipa nói.

Thừa nhận những rủi ro mà nhân viên y tế phải đối mặt, Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin ngày 2-8 cho rằng, hiện ưu tiên hàng đầu là tiêm vaccine tăng cường liều thứ 3 cho các nhân viên y tế. Hầu hết các nhân viên y tế đã được tiêm phòng vaccine Sinovac và Indonesia đang bắt đầu thực hiện các mũi tiêm nhắc lại. Bên cạnh việc thiếu nhân sự y tế, Indonesia còn đang gặp khó khăn về nguồn cung. Bác sĩ Pahlepi cho biết bệnh viện của anh thiếu nguồn cung ôxy và số lượng bệnh nhân luôn quá tải khiến cho việc chữa trị càng khó khăn hơn.

Trong hai tháng qua, cảnh tượng thường xuyên diễn ra tại các bệnh viện là hàng chục bệnh nhân với các triệu chứng nghiêm trọng xếp hàng chờ giường tại khoa cấp cứu của bệnh viện, và cả hàng dài người chờ đợi được điều trị trong các khu cách ly. Một số bệnh nhân đã mang theo bình ôxy riêng mà người nhà họ vất vả lắm mới mua được, và khi nguồn cung của bệnh viện cạn kiệt, các bác sĩ và y tá đã phải đề nghị các bệnh nhân này chia sẻ bình ôxy với những người khác.

Gia tăng bệnh nhân nặng là trẻ em

Năm ngoái, hầu hết những bệnh nhân nặng mà bác sĩ Pahlepi điều trị là người cao tuổi. Hiện nay, khi biến thể Delta lây lan khắp đất nước, hầu hết bệnh nhân đến phòng cấp cứu với các triệu chứng vừa và nặng là trẻ em và thanh thiếu niên. Bản thân bác sĩ Pahlepi cũng bị lây nhiễm Covid-19, anh mới cưới vợ và có con gái đầu lòng được 5 tháng tuổi. “Là một người cha, thật đau buồn khi phải chứng kiến nhiều trẻ em nhập viện điều trị với các triệu chứng tương đối nghiêm trọng. Việc đặt ống thở ôxy cho trẻ em vô cùng khó khăn vì chúng còn quá nhỏ, chưa biết hợp tác. Vì vậy, lại phải cần thêm bố mẹ ở bên cạnh. Những đứa trẻ sơ sinh bị nhiễm Covid-19 khiến tôi vô cùng buồn, chúng cũng giống như con gái của tôi vậy” - bác sĩ Pahlepi nói.

Bác sĩ Pahlepi đã tham gia điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 kể từ khi bắt đầu đại dịch, với tư cách là bác sĩ tiếp nhận bệnh nhân tại Bệnh viện Trung ương Quân đội Gatot Soebroto, được chính phủ chỉ định là bệnh viện chuyển tuyến điều trị bệnh nhân Covid-19. Vào tháng 11-2020, anh xét nghiệm và kết quả là dương tính mặc dù luôn thực hiện các biện pháp phòng ngừa cẩn thận. Cũng may, trường hợp của anh là tương đối nhẹ và anh đã trở lại làm việc sau khi cách ly trong hai tuần. Đến ngày 14-7 vừa qua, Pahlepi lại có kết quả dương tính trong khi làm việc thêm ca để tăng cường điều trị cho số lượng bệnh nhân tăng đột biến. Trong khi lần nhiễm thứ nhất không có triệu chứng đáng kể, thì lần nhiễm thứ hai này Pahlepi bị đau đầu, đau nhức dữ dội.

Giống như nhiều bệnh nhân khác, do hầu hết các bệnh viện đều quá tải, Pahlepi quyết định cách ly tại nhà. Cùng với quá trình tập luyện, anh tự theo dõi cẩn thận sức khỏe của mình, đảm bảo lượng oxy trong máu ở mức đủ và không cần điều trị nâng cao hơn. “Có rất nhiều người mắc Covid-19 với các triệu chứng nặng hơn cần được điều trị tại bệnh viện hơn tôi” - Pahlepi nói qua cuộc gọi video khi đang cách ly tự điều trị. Và ngay sau khi thấy khỏe hơn, bác sĩ Pahlepi đã quay lại ngay để hỗ trợ đồng nghiệp, những người cũng đều đang phải làm việc quá sức. “Phòng cấp cứu luôn đầy ắp bệnh nhân, số lượng bệnh nhân vượt quá khả năng quán xuyến của chúng tôi, các bác sĩ đều phải làm việc vượt quá 200-300% mỗi ca”- Pahlepi chia sẻ về lý do sớm quay lại làm việc.

Mặc dù hiện làn sóng Covid-19 ở Indonesia chưa có hồi kết, nhưng Pahlepi luôn có những suy nhĩ về một ngày gần nhất tới đây, cuộc sống sẽ trở lại binh thường đối với anh, với gia đình bé nhỏ của anh và với cả quốc gia vạn đảo. “Tôi cũng cảm thấy mệt mỏi, có lúc kiệt sức… nhưng chúng tôi luôn phải giữ vững tinh thần để giúp đất nước đánh bại kẻ thù Covid-19 thành công” - bác sĩ Pahlepi tin tưởng.